Ngày 5-4-2010, UBND thành phố Đà Nẵng có Công văn số 1971/UBND-NCPC, do Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh ký, gửi Tổng Biên tập Báo Lao động, phản hồi về bài viết của Báo Lao động ra ngày 29-3-2010. Nội dung như sau:
Vừa qua, Báo Lao động ra số báo 69 ngày 29-3-2010 có bài viết với tựa đề : “Đà Nẵng: “Chắc lép” với Mẹ Việt Nam anh hùng” đề cập đến việc giải quyết nhà tình nghĩa, tái định cư và nộp tiền sử dụng đất đối với bà Phạm Thị Lành (Bà mẹ Việt Nam anh hùng), trú tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Sau khi xem xét nội dung bài viết của Báo Lao động và theo tinh thần cuộc họp vào ngày 31-3-2010 giữa Trưởng đại diện Văn phòng Báo Lao động tại miền Trung với các sở, ngành và các địa phương của thành phố có liên quan (Chánh Văn phòng UBND thành phố; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND quận Sơn Trà, Thanh tra thành phố, Báo Đà Nẵng, Báo Công an Đà Nẵng, Sở Thông tin-Truyền thông, Phòng Tiếp dân thành phố, UBND phường An Hải Tây), UBND thành phố Đà Nẵng có ý kiến như sau:
Nhà, đất của hộ bà Phạm Thị Lành (Bà mẹ Việt Nam anh hùng) có nguồn gốc do Nhà nước giao quyền sử dụng theo diện chính sách không thu tiền sử dụng đất với diện tích là 49,4m2. Năm 2008, toàn bộ diện tích đất nằm trong phạm vi giải tỏa để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hà Thị Thân, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng và UBND có chủ trương xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Phạm Thị Lành tại lô đất số 08-B2, đường 7,5m khu dân cư An Mỹ (đường Nguyễn Thông). Tuy nhiên, bà Phạm Thị Lành, gia đình có nguyện vọng muốn mua đất giá rẻ nhằm tạo điều kiện cho con cháu có đất để làm ăn sinh sống, không nhận nhà tình nghĩa nêu trên nên tại buổi tiếp dân ngày 9-7-2008, Chủ tịch UBND thành phố đã đồng ý bố trí 2 lô đất tái định cư liền kề (lô số 10 và 11 khu B2) đường 7,5m khu dân cư An Mỹ (đường Nguyễn Thông), thay cho việc bố trí vào nhà tình nghĩa đang xây dựng. Điều này đúng hoàn toàn theo nguyện vọng của gia đình bà (tại Biên bản tiếp công dân của UBND quận Sơn Trà vào ngày 6-6-2008, Đơn đề ngày 19-6-2008, Biên bản tiếp công dân của Chủ tịch UBND thành phố vào ngày 9-7-2008).
Trong khi đó, bài báo nêu rằng: Ngày 14-7-2008, Chủ tịch UBND thành phố ký Công văn số 4175/UBND-QLĐBGT đồng ý bố trí thêm 2 lô đất liền kề (lô số 10 và 11 khu B2) đường 7,5m khu dân cư An Mỹ (đường Nguyễn Thông) cho gia đình mẹ Lành là không đúng nội dung Công văn nêu trên, sai lệnh chủ trương của Chủ tịch UBND thành phố về giải quyết tái định cư cho bà Phạm Thị Lành; bài báo cho rằng bà Phạm Thị Lành “phải mua... nhà tình nghĩa” là không có cơ sở.
Sau khi giải tỏa, hộ bà Phạm Thị Lành được UBND thành phố Đà Nẵng giải quyết bồi thường, hỗ trợ thiệt hại theo quy định, được giao quyền sử dụng đất ở theo chính sách về giải tỏa đền bù, tái định cư; không có giải quyết nhà tình nghĩa, không phải hỗ trợ bằng hình thức giao đất để làm nhà ở theo quy định tại Quyết định số 118/TTg ngày 27-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở, Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25-7-2007 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 118/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, không có hỗ trợ toàn bộ tiền sử dụng đất trong trường hợp này.
Mặt khác, theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 về thu tiền sử dụng đất thì trường hợp bà Phạm Thị Lành không thuộc đối tượng không phải nộp tiền sử dụng đất khi Nhà nước bố trí đất tái định cư.
Căn cứ Quyết định số 118/TTg ngày 27-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở, Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25-7-2007 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 118/TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật về đất đai, UBND thành phố ban hành Quyết định số 61/2006/QĐ-UBND ngày 31-12-2008 về chính sách hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở trên địa bàn thành phố; ban hành Công văn số 1066/UBND-VX ngày 26-2-2009 về việc hướng dẫn thực hiện chế độ hỗ trợ tiền sử dụng đất cho đối tượng chính sách. Theo Quyết định và hướng dẫn này, bà Phạm Thị Lành được hỗ trợ một phần tiền sử dụng đất khi Nhà nước bố trí đất tái định cư với số tiền là 35.000.000 đồng. UBND thành phố đã giải quyết hỗ trợ cụ thể cho bà Phạm Thị Lành tại Quyết định số 9590/QĐ-UBND ngày 23-12-2009.
Do điều kiện bà Lành không đủ nộp tiền sử dụng đất một lần nên UBND thành phố xem xét giải quyết cho ghi nợ 100% tiền sử dụng đất trong thời hạn 10 năm, quy ra vàng 98% đối với 1 lô đất đã được bố trí. Cách làm này là đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho bà Lành xây dựng nhà ở. Đến tháng 10-2008, bà Phạm Thị Lành nộp toàn bộ tiền sử dụng đất đối với lô đất còn lại (lô số 11 khu B2, đường Nguyễn Thông) và được UBND quận Sơn Trà cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định vào ngày 31-10-2008. Đến ngày 27-2-2009, bà Phạm Thị Lành làm Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng lô đất số 11 khu B2, khu dân cư An Mỹ (đường Nguyễn Thông) cho con là Trần Công Minh. Hiện nay, nhà bà Lành đã xây dựng nhà xong, rất rộng rãi, khang trang.
Như vậy, việc bài báo cho rằng trường hợp Bà mẹ Việt Nam anh hùng được miễn toàn bộ tiền sử dụng đất khi được Nhà nước bố trí đất tái định cư, cho rằng chính quyền thành phố Đà Nẵng “chắc lép” hay vi phạm pháp luật về ưu đãi người có công” là không đúng sự thật và quy định của pháp luật.
Tóm lại, việc giải quyết bố trí đất tái định cư cho gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Lành đã được UBND thành phố xem xét, cân nhắc cụ thể đến hoàn cảnh thực tế và nguyện vọng của bà, cũng như gia đình. Việc giải quyết như vậy đã thể hiện rất rõ sự quan tâm của chính quyền thành phố Đà Nẵng đối với gia đình chính sách, đặc biệt đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng như bà Phạm Thị Lành.
Báo Lao động đã đưa bài viết nêu trên với những thông tin phiến diện, sai lệch, không đúng sự thật vụ việc trong dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đang náo nức kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh giá thành quả thực hiện chính sách đối với gia đình có công Cách mạng, “uống nước nhớ nguồn” mà Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã và đang thực hiện có hiệu quả trong suốt thời gian qua theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; gây phản cảm đối với bạn đọc về hình ảnh của Đà Nẵng - Thành phố anh hùng trong chiến đấu giải phóng dân tộc, năng động, sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ những ý kiến nêu trên, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Tổng Biên tập Báo Lao động đính chính, phản hồi lại cho dư luận được rõ sự thật của vụ việc, xem xét xử lý vi phạm đối với những phóng viên đã có bài viết nêu trên theo đúng quy định của pháp luật, thông báo kết quả cho bạn đọc và UBND thành phố Đà Nẵng được biết.
.
.
Phản hồi của UBND thành phố Đà Nẵng về bài viết của Báo Lao động ra ngày 29-3-2010
Thứ Tư, 07/04/2010, 07:49 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.