.
SÀI GÒN - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Cảm nhận từ Đà Nẵng

.

Mối quan hệ giữa Sài Gòn và Đà Nẵng-Quảng Nam không được xác lập bởi một lễ kết nghĩa, không được quy định bởi một văn bản chính thức, nhưng trong lòng người dân Quảng Nam-Đà Nẵng nó hiện hữu, gắn bó như là một tất yếu của cuộc sống, của lịch sử.

Đoạn đường Nguyễn Văn Trỗi từ cầu Công Lý đến đường Hoàng Văn Thụ đi Sân bay Tân Sơn Nhất TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN 

Thuận duyên đó - nói như ngôn ngữ nhà Phật - làm cho Sài Gòn trong tâm thức người Đà Nẵng-Quảng Nam là một vùng đất nên đến, phải đến để mưu sinh và rèn luyện, để dâng hiến và trưởng thành, một vùng đất khác quê mẹ nhưng không hề xa lạ mà gần gũi biết bao vì ở đây có sự đùm bọc rộng mở, sự chia sẻ chân thật.

Thuận duyên đó có từ khi nào, thật khó mà định rõ. Có lẽ là cách đây đã 150 năm. Khi quân đội thực dân do Rigault de Genouilly chỉ huy mở đầu cuộc chiến xâm lược Việt Nam ở Đà Nẵng (1858-1860), quân dân Cửa Hàn đứng lên kháng chiến anh dũng, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Tri Phương - một danh tướng trí dũng song toàn, được điều từ Gia Định ra. Sau đó không lâu (1859-1861) sa lầy ở Đà Nẵng, chính R.de Genouilly đã quyết định chuyển đại quân vào tiến công Gia Định, quân dân Cần Giờ Bến Nghé đã chống trả kiên cường. Nguyễn Tri Phương lại được điều về thống lĩnh mặt trận xung yếu này. Trên phòng tuyến Chí Hòa, ông đã bị thương, và em trai ông đã hy sinh.

Những trang bi tráng của lịch sử dân tộc được bắt đầu ở hai vùng đất chung một ngọn cờ cứu nước khai mở cho quan hệ sẽ vô cùng khắng khít, phong phú từ ngày ấy đến nay.

Cách đây hơn 80 năm, chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh sau 14 năm ở Pháp đã về Sài Gòn. Phan Châu Trinh đã có những hoạt động duy tân tự cường sôi nổi ở Hà Nội, Huế, Quảng Nam, hầu như ông chưa hoạt động gì ở Sài Gòn. Vậy mà Sài Gòn nồng nhiệt đón chào ông, rất mực ưu ái ông. Ở Sài Gòn trong chín tháng cuối đời với hai cuộc diễn thuyết và nhiều cuộc tiếp xúc, nhà chí sĩ đất Quảng đã gây tiếng vang lớn. Đặc biệt đám tang ông đã trở thành một big bang, một sự kiện chính trị chưa từng có. Hơn mươi vạn người (khoảng 1/3 số người trưởng thành sống ở Sài Gòn lúc đó) đã nối thành dòng người bất tận tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Lễ tang ông ở Sài Gòn đúng là “truy điệu Tây hồ nhật. Thức tỉnh quốc dân hồn” bởi nhân dân Sài Gòn và cả nước tôn vinh ông “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức” như bức liễn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Hồ Chí Minh.

Thời dựng Đảng, Sài Gòn là địa bàn tốt hơn hết để náu mình hoạt động cách mạng và hoạt động ở Sài Gòn lại có tác động mạnh không đâu bằng.

Nhiều chiến sĩ cách mạng trẻ từ Quảng Nam-Đà Nẵng đã vào đây.

Phan Bôi (em ruột nhà trí thức cách mạng nổi tiếng Phan Thanh) học và bắt đầu tham gia phong trào ở Huế, ra Hà Nội làm công nhân nhà in rồi vào Sài Gòn trở thành đảng viên cộng sản. Vừa đúng 20 tuổi, 8-2-1931, ông, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm tổ chức diễn thuyết ở sân bóng đá Mayer, Phan Bôi đang hùng hồn thì cảnh sát, mật thám ập đến bủa vây. Lý Tự Trọng đã bắn chết tên thanh tra mật thám Le Grand. Phan Bôi, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm bị bắt rồi bị đày đi Côn Đảo. Lý Tự Trọng lĩnh án tử hình.

Cùng tham gia bảo vệ cuộc diễn thuyết còn có Phan Nhụy (anh ruột Phan Bôi) và Tống Phước Phổ, một đảng viên đảng thanh niên từ Quảng Nam vào Sài Gòn hoạt động và vô sản hóa trong vai phu kéo xe. Tống Phước Phổ thoát hiểm trở về quê nhà hoạt động. Sau này ông trở thành một soạn giả tuồng nổi tiếng, được giải thưởng Hồ Chí Minh.

Có thể kể thêm ở đây các tên tuổi Lê Quang Sung, Trần Kim Bảng, Nguyễn Như Hạnh, Hoàng Dư Khương, v.v... (*)

Ai cũng biết sau khi đạo thừa tuyên Quảng Nam được Lê Thánh Tông thành lập, cộng đồng người Việt từ châu thổ sông Hồng, sông Mã chuyển cư vào đây đã làm tròn sứ mệnh trấn giữ và gánh vác, rồi nơi đây lại là bàn đạp để nhiều thế hệ người Việt đi tiếp cuộc hành trình của dân tộc mở cõi về phương Nam.

Với cuộc chống Mỹ, cứu nước vô cùng khốc liệt, đặc biệt ở Quảng Nam, nơi kẻ địch thực hiện một chính sách tố cộng, diệt cộng cực kỳ thâm độc và man rợ, rồi tiếp theo là một cuộc chiến hủy diệt khủng khiếp người dân (mà cũng là người cách mạng), Quảng Nam-Đà Nẵng hành phương Nam không để mở cõi mà đổi vùng để sống (và làm cách mạng). Hàng chục ngàn người Quảng nối tiếp nhau, dìu dắt nhau vào Sài Gòn, nơi tá túc, chốn làm ăn. Đã xuất hiện nhiều điểm tụ cư của người Quảng ở Sài Gòn mà Ngã tư Bảy Hiền là một hiện tượng.

Từ một vùng quê ngoại ô chỉ có cao su và lúa, những người xứ Quảng đã biến nơi đây thành một làng nghề với 90% là dân Quảng, đồng thời là thợ dệt. Làng nghề không thể gọi khác, nhưng cũng không còn là làng nghề thủ công truyền thống mà với mấy nghìn cỗ máy, mọi công đoạn đều được cơ giới, điện khí hóa, từng làm ra hàng chục triệu mét vải lụa, chiếm một thị phần quan trọng của Sài Gòn và có sức cạnh tranh với các xưởng dệt của người Hoa và cả hàng nhập ngoại.

(Còn nữa)

NGUYỄN ĐÌNH AN

(*) Lê Quang Sung (1905-1935), quê Duy Hòa, Duy Xuyên, Quảng Nam, tham gia phong trào khi học ở Huế. 1928 sang Quảng Châu-Trung Quốc dự huấn luyện chính trị. 1929 về hoạt động ở Sài Gòn, được Xứ ủy Nam Kỳ cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Năm 1931 bị địch bắt đày đi Côn Đảo. 1935 hy sinh khi vượt Côn Đảo.

Nguyễn Như Hạnh (1916-1996), quê Hòa Phát, Cẩm Lệ, Đà Nẵng, tham gia cách mạng ở Huế, 1939 hoạt động ở Nam Bộ, 7-1940 - 10-1940 là Bí thư Thành ủy Sài Gòn.

Hoàng Dư Khương (Hoàng Xau) 1911-1983, quê Hòa Nhơn, Hòa Vang, giác ngộ và tham gia cách mạng ở đồn điền cao su Dầu Tiếng. Trước Cách mạng Tháng Tám là Chủ nhiệm Việt Minh Nam Bộ. Năm 1948-1949 là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Sau Hiệp định Giơnevơ là Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Bị địch bắt đày đi Côn Đảo 1956-1973 và bị tra tấn đến tàn phế.

Trần Kim Bảng (1911-1985), quê Nam Ô, Hòa Hiệp, Liên Chiểu, Đà Nẵng; đảng viên hoạt động ở Hội An 1930. Sau đó vào Sài Gòn, trở thành nhà báo, nhà nghiên cứu Thiên giang tham gia các hoạt động chống Pháp, chống Mỹ, năm 1968 ra chiến khu với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

;
.
.
.
.
.