(Tiếp theo và hết)
Trong dòng người Quảng chảy vào Sài Gòn những ngày ấy có Nguyễn Văn Trỗi? Giữa Sài thành, anh học rồi làm nghề thợ điện và làm anh biệt động. Anh trai làng Thanh Quýt có gương mặt thanh tú, trở thành anh công nhân thành phố Sài Gòn đã có 9 phút làm nên lịch sử với chí khí lẫm liệt.
Xin cảm ơn Sài Gòn đã cưu mang và dẫn dắt những người con và cả những làng nghề Quảng Nam-Đà Nẵng trong những năm tháng dữ dội nhất của dân tộc.
Xin cảm ơn quê hương, mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ, đã trao cho những người con xứ Quảng sức sống, sức chiến đấu của ngọn lửa truyền thống dù ở nơi nào vẫn luôn âm ỉ và rực cháy.
Những năm chống Mỹ sôi sục, được tham gia công tác với những cơ sở của phong trào học sinh, sinh viên Hội An, Đà Nẵng, mỗi mùa thi chúng tôi thường lo lắng đến cháy cả ruột gan. Những cơ sở, những cán bộ chủ chốt của phong trào ngày ấy là những gương mặt rất trẻ học giỏi, tài ba và hết mình với cách mạng. Hoàn toàn không sợ các em thi trượt mà chỉ lo đậu rồi các em nhất định sẽ đi Huế, Sài Gòn học tiếp, ai sẽ thay thế các em để lèo lái, cầm nắm phong trào.
Còn các em, dường như không một chút băn khoăn. Bởi tất cả đều nghĩ là ở Sài Gòn công việc của các em sẽ được tiếp tục một cách tự nhiên, và còn rộng mở hơn, phong phú hơn, quyết liệt hơn. Các em như những thủy thủ không chỉ lái những con thuyền nhỏ chạy trên sông, ven bờ biển mà sẽ chèo những con tàu vượt sóng lớn giữa đại dương.
Chia tay các em, nhớ mãi những câu thơ Trần Quang Long mà các em đọc cho chúng tôi với biết bao tâm đắc.
Các em sẽ đến với Sài Gòn:
Đường Sài Gòn thênh thang phố chợ
Xe cộ dập dìu ai biết chia ly
Và tất cả vững tin rằng
Trời Việt Nam đâu chẳng có anh em
Trăm con sông đều đổ về biển cả
Máu vạn dòng rồi cũng sẽ về tim
Đúng là như thế. Sau ngày 30-4-1975, chúng tôi đã gặp nhau. Người từ Côn Đảo về. Người từ Hà Nội, Đà Nẵng vào và rất đông đã có mặt ở Sài Gòn trong ngày toàn thắng. Có một người không có mặt, anh đã ngã xuống trên đường tiến về Sài Gòn, máu tim anh thắm đỏ mảnh đất Phú Lâm trước ngày quân ta cắm cờ chiến thắng ở dinh Độc Lập.
35 năm qua, ở khúc ruột miền Trung, chúng tôi luôn nhớ nghĩ về Sài Gòn, chồng lên những tình cảm, những suy tư rất đẹp thời kháng chiến là biết bao cảm nhận về thời xây dựng, đổi mới.
Vào những năm bao cấp khốn khó, lâu lâu được nghe những chuyện xé rào của Sài Gòn, chúng tôi chỉ mong sao mọi việc sẽ hanh thông, sẽ tốt đẹp.
Chúng tôi thường tự nhủ: Một thành phố 5, 7 triệu dân, có biết bao khối óc thông tuệ, có biết bao bàn tay tài hoa, cuộc sống của nó buộc nó phải tự kiếm tìm, tự khai mở con đường cho mình, giải pháp của mình.
Những năm đầu công cuộc đổi mới, mỗi lần vào Sài Gòn, gặp Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng ở Sài Gòn - nhà cách mạng lão thành Phan Triêm thường nhỏ nhẹ nói với tôi “Đi tham quan học tập nước ngoài là rất tốt, rất cần, nhưng cứ vào thành phố này tìm hiểu, học hỏi cũng có rất nhiều cái mới, nhiều bài học quý”.
Và tôi nhớ như in những ngày hè năm 1989, tháng 5 năm này Quảng Nam-Đà Nẵng chịu một cơn bão lớn, nghịch mùa, thiệt hại không kể xiết. Sài Gòn đã có ngay bên chúng tôi, chia sẻ, thông cảm. Tôi được cử trong đoàn vào cảm ơn thành phố. Ở đâu tôi cũng nhận được những câu hỏi, những lời nói chân tình “Nhà cửa tan nát hết trọi, bà con mình sống ra răng?”. “Mới ra khỏi chiến tranh mấy năm, chưa hết địch họa, nay lại thiên tai, thiệt cơ khổ, chúng tôi cũng chẳng nhiều nhặn gì, chỉ là của ít lòng nhiều”. Nhớ anh Tám Hanh, chị Duy Liên, chị luật sư Nguyễn Phước Đại ai cũng nói Sài Gòn - Đà Nẵng chưa kết nghĩa mà đã như ruột thịt, các anh chị, bà con ngoài nớ cần gì nhất, cho chúng tôi biết, lo được chừng nào thành phố sẽ ráng”.
Có lẽ từ năm ấy đã thành nền nếp. Khi bão lũ đang còn hoành hành ở Đà Nẵng, ở miền Trung, các anh chị, các đồng chí, các cơ quan báo chí ở thành phố đã kêu gọi, đã hành động. Xe với người và hàng ân nghĩa khởi hành ngay lúc đường chưa thông, nước còn trắng đồng, ai cũng muốn có mặt ở những nơi nóng nhất, cực nhất.
Quên sao được tháng 10-2006, sau cơn bão Xangsane dữ ác, rất nhiều đoàn, đủ các cấp, các ngành, các tôn giáo, các đoàn thể của Sài Gòn đã đến ngay với Đà Nẵng tan hoang, xơ xác.
Trên đường cứu trợ, đoàn của phường 13, quận Phú Nhuận gặp một thảm nạn 12 người qua đời. Lo liệu ấm êm cho những người giàu nhân nghĩa mà thật không may đó xong, phường lại tổ chức một đoàn tiếp tục cuộc hành trình. Và cả những người đi cứu trợ với những người nhận quà cứu trợ ôm nhau vào lòng, nước mắt ứa trào.
Những ngày mùa xuân này, Đà Nẵng tưng bừng lễ hội mừng 35 năm giải phóng thành phố. Trong đêm pháo hoa muôn màu rực rỡ, lung linh sông Hàn, nhớ về Sài Gòn không hiểu sao tôi không nghĩ về Sài Gòn ngày ấy với những lời ca hùng tráng: “Rầm rập bước chân đi, rung chuyển đường phố Sài Gòn. Khi con chim én báo mùa xuân về, tin vui chiến thắng bay từ quê nhà. Sài Gòn ơi ta đang bước trên đường chiến thắng...”.
Mà tôi lại thấy lòng hồi hộp với việc lai dắt những đốt hầm Thủ Thiêm. Đầu óc tôi cứ loay hoay với chuyện làm thế nào lai dắt một khối bê-tông khổng lồ nặng hơn 27.000 tấn, đi mấy chục cây số rồi đặt nó đúng chỗ đã định vị chỉ được phép sai mấy chục ly.
Chắc chắn là việc lai dắt đốt thứ hai này cũng sẽ thành công ngoạn mục như đốt thứ nhất và không thể khác với các đốt tiếp theo.
Nhưng sao từ nơi sâu kín của lòng mình, tôi vẫn thầm nguyện cầu nếu trên đời này có những sức mạnh tâm linh thiêng liêng xin hãy phù hộ độ trì để công việc cực lớn này của Sài Gòn - thành phố tôi yêu mến và tin cậy được mười phân vẹn mười tốt đẹp, hanh thông.
Cũng có thể nào có một tâm thế khác. Bởi như tất cả mọi người Việt Nam yêu đất nước này ai chẳng hiểu Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là những kỷ niệm đằm thắm về một thời oanh liệt, không chỉ là ân sâu nghĩa nặng của những đận gian khó đi lên, Sài Gòn thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu của nền kinh tế cả nước.
Là chủ nhân, là hành khách của con tàu đó, ai chẳng cầu chúc cho cái đầu tàu có sức mạnh vô địch, để toàn bộ đoàn tàu tiến nhanh về phía trước.
Nguyễn Đình An
.
.
Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh
Cảm nhận từ Đà Nẵng
Thứ Năm, 29/04/2010, 10:23 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
- Khai trương Báo Đà Nẵng điện tử
- Tưởng niệm nghĩa sĩ vị quốc vong thân ở Nghĩa trủng Hòa Vang
- Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
- Không cho phép in tiền vàng mã giống tiền thật
- Quy định thôi việc do công chức hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ
- Sứ mệnh bất thành của các tổ chức quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam (1950-1975)
.
.
.
.
.