Sau Hiệp định Genève năm 1954, trách nhiệm quân sự của người Pháp ở Đông Dương được chuyển giao cho Phái bộ Cố vấn Hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ (Military Assistance Advisory Group, viết tắt là MAAG). Tổ chức này đã có mặt ở Việt Nam từ tháng 9-1950 để giám sát việc sử dụng các trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai.
Tiểu đoàn 1 thuộc Lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ bằng máy bay C-130 từ Okinawa đến Đà Nẵng chiều ngày 8-3-1965.(Nguồn: The Ohio State University) |
Khi những người lính Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam, số cố vấn của MAAG đã tăng lên đến 740 người (6-1956), chia làm 3 nhóm ở 3 vùng lãnh thổ: Nam Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tại Nam Việt Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm không muốn để các cố vấn Hoa Kỳ nắm đến tận các đơn vị cấp chiến thuật của quân đội Sài Gòn. Tuy nhiên, vào năm 1961, sau Phong trào Đồng Khởi và sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm buộc phải chấp nhận sự chi phối gia tăng của Hoa Kỳ về cả chính quyền lẫn quân đội. Từ đó, các cố vấn của MAAG tham gia cố vấn chỉ huy đến cấp tiểu đoàn.
Mặc dầu liên tục tăng cường về quân số, trang thiết bị và cả lực lượng cố vấn Hoa Kỳ, nhưng quân đội Sài Gòn vẫn không đủ sức ngăn cản cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng của nhân dân miền Nam. Vì vậy, Chính phủ Hoa Kỳ chủ trương thành lập thêm một cơ quan chỉ huy quân sự, với mục đích huấn luyện cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa, và xa hơn nữa là đưa quân đội tham chiến trực tiếp tại miền Nam.
Những chiếc trực thăng CH-53s cuối cùng của DAO tại Tân Sơn Nhất rạng ngày 30-4-1975. (Nguồn: wapedia.mobi) |
Ngày 8-2-1962, Bộ Chỉ huy Hỗ trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (The US Military Assistance Command, Vietnam, viết tắt là MACV) được thành lập, nằm dưới quyền của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Đây là cơ quan nắm quyền chỉ huy các lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam, độc lập với MAAG. Ngày 15-5-1964, MAAG được sáp nhập vào MACV thành cơ quan thống nhất về hỗ trợ, cố vấn và chỉ huy quân sự cao nhất của các lực lượng quân sự Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa và đồng minh tại Nam Việt Nam.
Từ 1962 đến 1973, MACV lần lượt nắm các đơn vị trực thuộc gồm Bộ Chỉ huy Lục quân Hoa Kỳ ở Việt Nam (USARV), Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ ở Việt Nam (NAVFORV), Tập đoàn quân Không quân số 7 (7AF), Lực lượng Thủy quân lục chiến số 3 (III MAF), Lực lượng Dã chiến số 1 (I FFV), Lực lượng Dã chiến số 2 (II FFV), Quân đoàn 24, Lực lượng Đặc biệt số 5, Cơ quan Điều phối Dân sự vụ và Phát triển Nông thôn (CORDS), Nhóm Nghiên cứu và Quan sát (SOG).
USARV được thành lập vào 20-7-1965, chịu trách nhiệm về hậu cần và hành chính của các đơn vị quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tuy độc lập, nhưng các nhiệm vụ của nó đều được MACV xem xét, thông qua.
Ngày 9-2-1965, Hoa Kỳ không vận một tiểu đoàn tên lửa đất đối không tầm thấp (HAWK) của Thủy quân lục chiến từ Okinawa (Nhật Bản) đến Đà Nẵng. Đến 8-3-1965, hai tiểu đoàn số 1 và số 3 thuộc Lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng cả bằng đường biển và đường hàng không, mở đường cho hơn nửa triệu quân Hoa Kỳ và đồng minh lần lượt kéo vào miền Nam, trực tiếp gây chiến chống lại nhân dân Việt Nam. Đến 15-11-1965, Lực lượng Dã chiến Hoa Kỳ được thành lập tại Nha Trang. Lực lượng này được tái tổ chức vào 15-3-1966 thành I FFV và II FFV.
I FFV đặt sở chỉ huy tại Nha Trang, phụ trách điều hành các hoạt động tác chiến của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh tại Vùng II chiến thuật (từ 7-1970 đổi tên thành Quân khu II). Các đơn vị chính từng thuộc biên chế gồm một phần Sư đoàn Kỵ binh số 1, một phần Sư đoàn Bộ binh số 4, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn Bộ binh 25, Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn Đổ bộ đường không 101, một phần Lữ đoàn Đổ bộ đường không 173, Liên đoàn Pháo binh 41, Liên đoàn Pháo binh 52, Lữ đoàn Công binh 18.
II FFV đặt sở chỉ huy tại Biên Hòa, sau đó chuyển đến Long Bình, phụ trách điều hành các hoạt động tác chiến của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh tại Vùng III và IV chiến thuật (từ 7-1970 đổi tên thành Quân khu III và Quân khu IV). Đây là lực lượng tác chiến lớn nhất của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam, gồm các đơn vị chính là một phần Sư đoàn Kỵ binh số 1, Sư đoàn Bộ binh số 1, Sư đoàn Bộ binh số 9, Sư đoàn Bộ binh 25, Sư đoàn Đổ bộ đường không 101, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn Bộ binh số 4, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn Đổ bộ đường không 82, Lữ đoàn Bộ binh 196, Lữ đoàn Bộ binh 199, Lữ đoàn Đổ bộ đường không 173, Trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp 11, Liên đoàn Pháo binh 23, Liên đoàn Pháo binh 54, Lữ đoàn Công binh 20.
III MAF phụ trách điều hành các hoạt động tác chiến của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh tại Vùng I chiến thuật (từ 7-1970 đổi tên thành Quân khu I). Các đơn vị trực thuộc gồm hai Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 1 và số 3, Không đoàn Hải quân 1, hai Trung đoàn Tàu đổ bộ.
Đến đầu năm 1968, do tình hình chiến sự ngày càng ác liệt và sự gia tăng các đơn vị quân đội tại Vùng I chiến thuật, nên vào ngày 10-3-1968 một quân đoàn lâm thời được thành lập, và đến 15-8-1968 trở thành Quân đoàn 24. Đầu tiên, sở chỉ huy Quân đoàn 24 đóng ở Phú Bài-Huế, đến tháng 3-1970 chuyển vào Đà Nẵng. Các đơn vị từng trực thuộc gồm một phần Sư đoàn Kỵ binh số 1, Sư đoàn Bộ binh 23, một phần Sư đoàn Đổ bộ đường không 101, Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn Bộ binh cơ giới số 5, Lữ đoàn Bộ binh 196, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn Đổ bộ đường không 82, Liên đoàn Pháo binh 108.
7AF gồm các Không đoàn Tiêm kích và Tiêm kích bom số 3, số 12, 35, 366, 31, 37; Sư đoàn Không quân 834 Vận tải chiến thuật, 1 Không đoàn Trinh sát, 2 Không đoàn Tác chiến đặc biệt và một số đơn vị yểm trợ.
NAVFORV có Lực lượng Giám sát bờ biển (bao gồm Lực lượng Đặc biệt 115, Liên đội Phòng vệ bờ biển số 1, Liên đội Phòng vệ bờ biển số 3, Liên đội Duyên hải số 1, Liên đội Duyên hải số 3), Lực lượng Tuần tra sông (gồm các Liên đội 51, 52, 53, 54, 55; cùng Tiểu đoàn Trực thăng tấn công nhẹ số 3 và Tiểu đoàn Cường kích nhẹ số 4 của Lực lượng 116), Lực lượng Cơ động đường sông (gồm 2 nhóm Alpha và Bravo với 4 giang đoàn của Lực lượng 117).
Trong quá trình tham chiến, các lực lượng quân sự Hoa Kỳ liên tục nhận lấy sự thất bại nặng nề, nên đến giai đoạn thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1973) thì lần lượt phải rút quân. Sau những cuộc triệt thoái của nhiều đơn vị tác chiến kể từ năm 1969, các đơn vị cấp chiến lược đi đến chấm dứt hoạt động ở miền Nam là Lực lượng Đặc biệt số 5 (3-1971), I FFV (30-4-1971), II FFV (2-5-1971), Quân đoàn 24 (30-6-1972). Cùng với sự rút quân, vào 15-5-1972, USARV được tổ chức lại, hợp nhất với MACV.
Sau Hiệp định Paris, ngày 28-1-1973 Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ thành lập Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn (DAO) phụ trách các tuỳ viên quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tổ chức này quản lý quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, các chương trình viện trợ, các hợp đồng mua sắm cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa, thống kê và báo cáo các vấn đề và các thông tin tình báo, cũng như Chương trình cố vấn quân sự liên quan đến lợi ích của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á. Trụ sở DAO được đặt cạnh trụ sở MACV trong sân bay Tân Sơn Nhất, và có các văn phòng đại diện ở nhiều tỉnh.
Theo quy định phải rút quân trong thời hạn 60 ngày của Hiệp định Paris, MACV chính thức bị giải tán vào 29-3-1973, chỉ còn DAO là tổ chức duy nhất của Hoa Kỳ duy trì hoạt động ở miền Nam. Thế nhưng, những nỗ lực cuối cùng của DAO cũng không cứu vãn được sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Hai năm sau Hiệp định Paris, trước cuộc tấn công thần tốc của Quân giải phóng miền Nam vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lúc 0 giờ 30 ngày 30-4-1975, hai chiếc trực thăng CH-53s rời bãi đáp của trụ sở DAO ở Tân Sơn Nhất trong sự hốt hoảng tột độ, mang theo những người lính Thủy quân lục chiến cuối cùng làm nhiệm vụ bảo vệ cho tổ chức quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ ở miền Nam. Hình ảnh đó đánh dấu sự thất bại hoàn toàn trong sứ mệnh chinh phục Việt Nam của các tổ chức quân sự và các đơn vị quân đội Hoa Kỳ sau gần 25 năm hiện diện ở Đông Dương (9-1950 – 4-1975).
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN