.
Trả lời đơn - thư bạn đọc

Đền bù thỏa đáng, cưỡng chế đúng luật

Thực hiện Quyết định số 5163 ngày 28-6-2008 của UBND thành phố về việc thu hồi đất, giao đất cho Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Thương mại - Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh để xây dựng Cửa hàng xăng dầu Hòa Sơn, qua nhiều lần vận động, tuyên truyền không hiệu quả, sáng ngày 6-4, UBND huyện Hòa Vang tiến hành cưỡng chế, thu hồi 6.891m2 đất trồng cây lâu năm của vợ chồng ông Nguyễn Nghi và bà Nguyễn Thị Đệ (trú thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trước và sau khi cưỡng chế, bà Nguyễn Thị Đệ đã gửi đơn khiếu nại Quyết định số 55 ngày 28-1-2010 của UBND huyện Hòa Vang về việc cưỡng chế thu hồi đất đến nhiều cơ quan có thẩm quyền và Báo Đà Nẵng với 13 lý do xoay quanh việc xác định loại đất, giá cả đền bù, bố trí tái định cư...

Qua quá trình xác minh tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được biết, thửa đất cưỡng chế thu hồi của ông Nghi và bà Đệ có từ trước đó rất lâu, trong đó có 1.914m2 đất thổ cư do ông Nguyễn Tích để  lại (đã đăng ký theo Chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ), sau này bà Đệ (người khiếu nại) không sử dụng làm nhà ở và không đăng ký đất ở, chính vì vậy, ngày 30-7-1996, UBND huyện Hòa Vang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 5.344m2 đất cho hộ ông Nguyễn Nghi là loại đất cây lâu năm (bao gồm cả diện tích đất thổ cư do ông Tích để lại). Vì đất cây lâu năm nên UBND huyện Hòa Vang đã căn cứ theo bảng giá số 06 - giá đất trồng cây lâu năm theo Quyết định số 58 ngày 20-12-2008 của UBND thành phố để tính với đơn giá đền bù đất là 11.000 đồng/m2.

Cũng cần nói thêm, ngày 3-6-2009, UBND thành phố ra Quyết định số 4118 phê duyệt giá trị đền bù đất và hoa màu cho bà Đệ tổng cộng 33,7 triệu đồng. Sau đó, thành phố tiếp tục có Quyết định số 7078 ngày 15-9-2009 phê duyệt bổ sung giá trị đền bù cho bà Đệ tổng cộng 394,3 triệu đồng. Bên cạnh đó, mặc dù bà Đệ không xuất trình hóa đơn về số tiền 360 triệu đồng hợp đồng với Công ty Hạ Long san ủi mặt bằng nhưng UBND thành phố vẫn hỗ trợ với giá 50.000 đồng/m2 trên tổng diện tích thu hồi (kể cả diện tích đất thu hồi vệt hành lang đường bộ tuyến đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan). Vì thu hồi đất trồng cây lâu năm nên trường hợp của bà Đệ không nằm trong diện được bố trí đất tái định cư, riêng với đề nghị hỗ trợ ổn định đời sống và chuyển đổi ngành nghề của bà Đệ cũng không có cơ sở giải quyết. Theo ông Đặng Khá - Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị huyện Hòa Vang, theo Điều 34 và 36 của Quyết định số 71 ngày 20-12-2007 của UBND thành phố thì bà Đệ không nằm trong diện hỗ trợ vì quyết định này quy định chỉ hỗ trợ cho những hộ giải tỏa trên đất có nhà ở (ngoài ra còn phải có hộ khẩu, giấy tạm trú…).

Trở lại vụ khiếu kiện kéo dài của bà Đệ về Quyết định số 55 ngày 28-1-2010 của UBND huyện Hòa Vang về cưỡng chế thu hồi đất, chúng tôi tìm hiểu và được biết, trước khi ra quyết định cưỡng chế, UBND huyện Hòa Vang đã tuân thủ đúng theo trình tự, thủ tục ban hành, nội dung, thể thức và biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, UBND huyện đã ra 4 quyết định thu hồi đất của bà Đệ. Không đồng ý với các quyết định này, bà Đệ đã 3 lần gửi đơn khiếu nại lên UBND, Thanh tra huyện. Tất cả các đơn khiếu nại này đã được UBND và Thanh tra huyện trả lời cụ thể trong nhiều công văn, thông báo, quyết định…

Trong buổi sáng cưỡng chế (ngày 6-4), bà Đệ có thắc mắc với chúng tôi rằng, tại sao thu hồi đất của dân không phục vụ cho các công trình công cộng lại giao cho tư nhân kinh doanh mà không có sự bàn bạc về giá cả đền bù với người có đất thu hồi? Giải đáp câu hỏi này, ông Lê Văn Gạt - Chánh Thanh tra huyện Hòa Vang cho biết, diện tích đất của bà Đệ cũng như nhiều hộ khác trong khu vực đều nằm trong Tổng mặt bằng quy hoạch sử dụng đất theo tỷ lệ 1/2000 dọc tuyến đường Nam hầm Hải Vân - Túy Loan theo Quyết định số 8723 ngày 1-11-2007 của UBND thành phố.

Theo đó, trên tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch 1.017 ha có 14 hạng mục, công trình, trong đó có hạng mục xây dựng cửa hàng xăng dầu. Sau này, thành phố tiếp tục ra Quyết định số 2592 ngày 28-3-2008 và Quyết định số 5163 ngày 28-6-2008 về Quy hoạch tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết Cửa hàng kinh doanh xăng dầu và thu hồi đất, giao đất cho Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng quản lý để lập thủ tục chuyển quyền sử dụng cho Công ty TM-DV Tổng hợp Hòa Khánh. Như vậy, cửa hàng xăng dầu chỉ là một trong nhiều công trình mang tính chiến lược dài hạn của thành phố nhằm mở rộng hạ tầng, khu dân cư cho vùng giải tỏa tuyến đường Nam hầm Hải Vân - Túy Loan và các phân khu chức năng sử dụng đất để khớp nối với các đồ án xung quanh, phục vụ cho quản lý Nhà nước về đất đai và xây dựng một cách hợp lý nhằm mục tiêu chung là hiện đại hóa thành phố. Như vậy, dự án này không phải là giao quyền sử dụng đất cho công ty tư nhân kinh doanh xăng dầu đơn thuần như bà Đệ đã nêu.

Xâu chuỗi tất cả các sự kiện xung quanh vụ cưỡng chế đất và cây trồng lâu năm của ông Nghi và bà Đệ, rõ ràng UBND huyện Hòa Vang đã tiến hành các bước theo đúng trình tự quy định, đã đền bù thỏa đáng và cưỡng chế đúng luật.

PHÒNG BẠN ĐỌC

;
.
.
.
.
.