Thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang bây chừ đã khác xa nhiều so với sau cơn bão năm 2009. Khái niệm “tan hoang Trường Định” cách đây chưa tròn một năm đã lùi vào dĩ vãng. Trường Định bây chừ xanh ngát những cánh đồng mía, ngô, lúa...
Những người đi đò đang hướng về cây cầu Trường Định, vui mừng trước sự đổi thay của quê hương. |
Từ Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, đường về Trường Định thơm mùi lúa chín giữa mùa gặt tháng tư. Hai bên đường, những cánh đồng lúa vàng rộ, ngào ngạt hương đồng, chúng tôi dường như cảm nhận được cái không khí tươi vui của bà con khi được mùa. Chẳng mấy chốc mà chúng tôi đến bến đò Trường Định, nơi mọi người nói cười vui vẻ trong lúc chờ đợi đò sang sông. Hòa chung cái cảm giác háo hức, chúng tôi tò mò hỏi một em học sinh trong nhóm đi đò: “Mấy em ở bên Trường Định à?”. “Dạ không, chúng em qua bên đó chơi!”. Câu trả lời chỉ vậy thôi, nhưng trong ánh mắt các em, chúng tôi mường tượng ra biết bao điều mới lạ.
Cây cầu Trường Định chỉ còn vài nhịp nữa là nối bờ vui. Cũng có thể đây là lần cuối chúng tôi đi đò ngang qua sông Trường Định khi nghe trong niềm vui ai đó khoe rằng, chắc trong năm nay là cầu xây xong. Nghe vậy, chúng tôi tỏ ra ái ngại cho những người sống hai bên bến sông vì họ có thể mất việc khi cây cầu xây xong. Tuy nhiên, một chị bán hàng ở bến sông cười, nói: “Có chi mà sợ ế em, mai này cầu làm xong thì khách vẫn đi lại nhiều qua cầu, họ cũng vẫn ghé lại uống nước nhiều nhiều thôi...”. Còn ông lái đò Nguyễn Thế lạc quan cho biết, ông có thể chuyển sang một công việc khác, bớt nguy hiểm và nặng nhọc hơn. Vừa bước qua sông, H.V, cô bạn đồng nghiệp đi cùng thổ lộ: “Qua sông rồi em mới nói, khi nãy giờ em sợ chết đuối quá! Giờ mới thấy cây cầu quan trọng biết chừng nào đối với người dân nơi đây, đặc biệt là vào mùa mưa lũ”.
Những hồ nuôi tôm đang chờ mùa thu hoạch. |
Trường Định bây chừ đã khác xa nhiều so với sau bão đi qua. Khái niệm “tan hoang Trường Định” cách đây chưa tròn một năm đã lùi vào dĩ vãng. Trường Định bây chừ xanh ngát những cánh đồng mía, ngô, lúa... Có lẽ do nằm bên bờ đất bồi của sông, thừa hưởng phù sa màu mỡ của những cơn lũ trong năm nên cây cối tốt tươi. Ông Đinh Văn Mẹo ở tổ 5, nơi trồng mía nhiều nhất ở Trường Định và cũng là vùng trồng mía nhiều nhất từ hồi giải phóng đến nay ở Đà Nẵng cho biết, mỗi năm đều có ít nhất một trận lụt nên mía lên xanh tốt. Vùng này trồng mía từ sau giải phóng, nhờ đất tốt nên cây mía không cần phải bón phân, đặc biệt mía lại chịu được hạn và úng nên thích hợp với vùng đất này và trở thành cây chủ lực của địa phương. Ông Trương Văn Tho, một người buôn mía cho biết thêm, mía được đưa đi khắp các tỉnh, thành miền Trung như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi...
Mía trồng ở đất này ngọt bùi và có vị thanh khiết. Nhờ cây mía, mà người dân vùng này đã có của ăn của để. Ông Võ Văn Thành, Trưởng thôn Trường Định, vui mừng cho biết, mai này cây cầu được nối nhịp, người dân trồng mía sẽ có điều kiện để tiếp cận với thị trường, khỏi bị thương lái ép giá như bây giờ. Nguyện vọng của người dân là làm xong sớm cây cầu để bà con dễ dàng giao thương buôn bán, tạo điều kiện phát triển kinh tế, đồng thời cho con em đến trường an toàn. Hiện nay, thôn Trường Định cũng nhận được nguồn vốn tài trợ 2,4 tỷ đồng của Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung để xây nhà tránh bão cho bà con.
Ngoài những bãi mía xanh tốt quanh năm bên dòng sông Trường Định, những vùng đất phèn chua mặn cũng được cải tạo thành những hồ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Những cánh quạt nước chạy phành phạch trên những mặt hồ yên tĩnh bên cạnh những ngọn đồi phủ keo như hứa hẹn những đổi thay ở vùng đất mà người dân ví là ốc đảo. Ở Trường Định, nhiều hộ phất lên nhờ con tôm. Mỗi năm Trường Định xuất khẩu 50 tấn tôm.
Với tiềm năng kinh tế nông-lâm, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố về cơ sở hạ tầng giao thông cho vùng đất này, chúng tôi tin chắc rằng, không xa, người dân Trường Định sẽ có cuộc sống ấm no, nhà nhà ngói mới sau những rặng cây xanh tốt quanh năm.
Ghi chép của ĐOÀN LƯƠNG