.

Vận hành thủy điện: Còn nặng kinh tế, nhẹ dân sinh

.

(ĐNĐT) - Phương án vận hành hồ chứa thủy điện vẫn còn nặng về kinh tế chứ chưa thực sự vì lợi ích dân sinh ở vùng hạ lưu sông Vu Gia.

Đây là vấn đề được nhiều ý kiến nêu ra tại hội thảo khoa học “Vận hành tối ưu hồ chứa thủy điện A Vương mùa khô hạn” do Đại học Đà Nẵng và Công ty cổ phần thủy điện A Vương tổ chức hôm 22-4.

Thủy điện góp phần chống hạn?

Đập chính thủy điện A Vương không có cửa xả đáy, việc xả nước về hạ lưu đều thông qua phát điện. Việc phát điện ngắt quãng theo nhiều mức công suất khác nhau sẽ gây ảnh hưởng đến lượng nước về hạ lưu. Ảnh: Thanh Tuyền

Ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy điện A Vương (AVC), cho biết từ đầu năm 2010 đến nay, lưu lượng nước về hồ chứa thủy điện A Vương rất thấp và tụt xuống nhanh. Cụ thể, tháng 1 là 22,6m3/s, tháng 2 là 15,5m3/s, tháng 3 là 14,4m3/s, 20 ngày đầu tiên của tháng 4 là 13,7m3/s. Lưu lượng này chỉ vào khoảng 60 - 65% so với trung bình nhiều năm, thuộc nhóm năm ít nước với tầng suất nước về là 90%.

Theo đánh giá của bà Đặng Thanh Mai (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương), từ đầu tháng 2-2010 đến nay, dòng chảy trên các sông ở Trung bộ giảm dần. Tính đến ngày 20-4, tổng dòng chảy trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm là 25%. Dự báo, tháng 4-2010, lượng mưa ở Trung Trung bộ phổ biến ở mức xấp xỉ dưới so với trung bình 30 năm gần đây với lượng mưa thấp hơn khoảng 20-50%, riêng tại Đà Nẵng khoảng 15-30mm. .

Theo đánh giá của các ngành chức năng, năm nay, khô hạn đã đến với miền Trung, đặc biệt là trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn quá sớm, sớm hơn những năm trước đến 2 tháng.

Trong tình hình khô hạn như vậy, AVC cho biết, để đảm bảo phát điện và nước cho hạ lưu, hiện nay nhà máy thủy điện A Vương đang phát điện với sản lượng cao, lưu lượng nước phát điện trung bình hàng ngày trong tháng 3 là 46,4m3/s, gấp 3 lần lưu lượng nước về hồ trong 20 ngày đầu của tháng 4-2010. Với lượng nước xả này, theo AVC, đã hỗ trợ đáng kể cho việc tưới tiêu ở hạ du sông Vu Gia trong mùa khô hạn năm 2010 (?).

Tuy nhiên, do nhà máy thủy điện A Vương cấp điện cho lưới điện quốc gia nên hoạt động của nhà máy này phải đặt dưới sự điều khiển của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia. Vì thế, để đảm bảo đủ điện trong giờ cao điểm, sa thả vào thời điểm thấp điểm, việc vận hành nhà máy thủy điện cũng chỉ chạy trên dưới 10 giờ mỗi ngày với nhiều mức công suất khác nhau. Nếu như cho nhà máy thủy điện A Vương chạy hết công suất thì lượng nước trong hồ chỉ đủ chạy đến tháng 5-2010 là hết nước.

Ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT AVC cho rằng, việc giải quyết hài hòa hai bài toán vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa góp phần giảm hạn cho hạ du trong suốt mùa kiệt đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, nhà máy thủy điện A Vương với các ngành chức năng địa phương.

Nặng kinh tế, nhẹ dân sinh

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, cho biết vùng hạ lưu sông Vu Gia, đặc biệt là khu vực thành phố Đà Nẵng, thiếu nước trầm trọng trong mùa khô. Việc thiếu nước có nguyên nhân từ việc tích nước đầu thượng nguồn của thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 và các thủy điện khác nằm trên thượng nguồn sông Vu Gia.

Các dòng sông trơ đáy có nguyên nhân từ các thủy điện "hứng" nước để phát điện. Ảnh: Thanh Tuyền

Qua phân tích các phương án, ông Thắng cho rằng thủy điện A Vương vận hành trong mùa khô vẫn còn “nặng” về lợi ích kinh tế mặc dù vẫn khẳng định hồ A Vương có vai trò giải hạn cho hạ lưu.
 
“Nhà máy vận hành theo từng mức công suất do Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia điều hành với mỗi ngày phát điện dưới 10 tiếng đồng hồ là quá ít, điều này có nghĩa là lượng nước xả cũng ít đi do thời gian các tổ máy vận hành ít, trong khi đó đập chính của hồ A Vương không có cửa xả đáy nên việc nước về hạ lưu giảm là rõ ràng. Quy trình vận hành hồ chứa vào mùa khô của AVC vẫn còn nặng về kinh tế chứ chưa thật sự vì dân sinh. Vì vậy, AVC cần chú trọng hơn trong vận hành hồ chứa vì dân sinh vùng hạ du”, ông Thắng phân tích. 

Chủ tịch HĐQT AVC Nguyễn Văn Lê không cho là như vậy mà cho rằng, A Vương đã làm mọi điều có thể để tăng mức nước dưới hạ lưu, việc nước trên sông Vu Gia cạn kiệt còn có nguyên nhân do thời tiết chứ không phải riêng việc tích trữ nước của thủy điện A Vương.

Mùa mưa lũ về như thác đổ, mùa nắng thì kiệt trơ đáy, trong đó các hồ chứa đóng vai trò rất quan trọng trong số những nguyên nhân gây hạn. Việc tìm một giải pháp phù hợp để hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích dân sinh vùng hạ du xem ra vẫn chưa có lời giải thấu đáo.

Kiến nghị bỏ 38 dự án thủy điện

Bộ Công thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát các dự án thủy điện và việc vận hành các đập thủy điện.

Qua kiểm tra, đoàn công tác đề nghị loại bỏ 38 dự án đã phê duyệt quy hoạch, trong đó, tỉnh Lai Châu có 11 dự án, Quảng Nam 7 dự án, Bình Định 6 dự án, Đắk Nông 5 dự án. Bộ Công thương cũng yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh quy mô của 35 dự án do gây ảnh hưởng lớn đến môi trường - xã hội hoặc không phù hợp với các quy hoạch khác.

Về quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện, qua kiểm tra tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Phú Yên,  đoàn công tác khẳng định các chủ đầu tư nhìn chung đã tuân thủ nguyên tắc xả lũ. Tuy nhiên, việc vận hành công trình thiếu chủ động và chưa đạt hiệu quả cao, đặc biệt là khi xả lũ.

THANH TUYỀN
;
.
.
.
.
.