Bây giờ về lại thôn La Châu (Hòa Khương-Hòa Vang), ít ai ngờ một vùng quê trù phú, cây cối xanh mượt, đường bê-tông phủ khắp thôn, nhà cửa xây san sát... trước năm 1975 là “vành đai trắng” của giặc Mỹ.
Mẹ Qua thắp nhang tưởng nhớ chồng, con. |
Một đại gia đình có... 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Sự trùng hợp đến kỳ lạ là 3 người phụ nữ ở xứ Quảng cùng về làm dâu trong một gia đình ở thành phố Đà Nẵng và đều được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là gia đình mẹ Lê Thị Qua (87 tuổi), hiện sống với người con gái út ở thôn La Châu.
Dù đã qua cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng mẹ Qua vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Mẹ kể lại, quê ở Diệm Sơn 1 (xã Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Nam) về làm dâu nhà bà Nguyễn Thị Kĩnh (quê Đại Hiệp, Đại Lộc) và năm 1941. Cả gia đình nhà bà Kĩnh đều hoạt động cách mạng và có 4 người con đã anh dũng hy sinh. Người con trai đầu là Trà Văn Huynh (chồng mẹ Qua) hy sinh tháng 10 năm 1968 tại Trà Bồng, Quảng Ngãi. Người con trai kế là Trà Văn Công giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Trong một lần đi công tác bị địch phục kích bắt và giam ở đồn Phú Hòa (Hòa Nhơn, Hòa Vang). Sau đó, anh đã đào hầm thoát ra và tiếp tục chiến đấu... Theo lời mẹ Qua thì: “Chú Công anh dũng lắm. Sau khi bị địch bắt lần thứ 2, biết mình không thể thoát được nên hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo thực dân Pháp” và đã bị Tây bắn bị thương, sau đó bọn chúng chặt 3 khúc ném xác xuống sông Túy Loan”. Nén nỗi đau mất con, bà Kĩnh tiếp tục cùng chồng và các con đào hầm, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Gần 1 năm sau, tin giữ lại ập về, Trà Văn Điền (người con trai thứ 4) là Bí thư Đoàn Thanh niên của thôn bị Tây bắt và xử bắn tại đồn Phú Hòa. Đến thời Mỹ, người con trai thứ 6 là Trà Văn Lực anh dũng ngã xuống tại cánh đồng Diên Thánh (La Châu) vào ngày 28-8-1969...
Về mối nhân duyên của mình với người chồng, mẹ kể: Chẳng biết trời xui khiến thế nào, mà trong mấy trăm người tham gia biểu tình phản đối Nhật đổ quân vào Đông Dương tại La Thọ (nay là Điện Thọ-Điện Bàn), tôi và ông nhà quen biết nhau, sau đó nên nghĩa vợ chồng, và có 3 người con, hai gái, một trai. Chị Trà Thị Định, người con gái út duy nhất còn sống của mẹ cho biết thêm: Năm 1968 là năm đớn đau nhất của gia đình, khi cha tôi, chị và anh tôi cùng ngã xuống trên nhiều chiến trường khác nhau. Cha tôi làm cán bộ Thương nghiệp tỉnh Quảng Ngãi và hy sinh tại đây. Người chị cả là Trà Thị Huynh tham gia binh vận tỉnh Quảng Đà và hy sinh vào tháng 3-1968 tại chợ Bàn Thạch (nay là xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên). 5 tháng sau, anh tôi là Trà Văn Đệ, sau khi tham gia rải truyền đơn bị địch phát hiện truy lùng, nên chuyển về làm tại Nhà in Báo Quảng Đà và hy sinh tại Hòn Tàu (Duy Sơn-Duy Xuyên).
Mặc dù liên tiếp trong một năm gánh chịu 3 cái tang, nhưng mẹ Qua vẫn nén đau thương, tiếp tục gùi lương, tải đạn lên Hòn đá Non Nước tại khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, Hòa Vang) để phục vụ kháng chiến.
Ông Phùng Tạo, Bí thư chi bộ thôn La Châu khẳng định, gia đình nhà chồng của mẹ Qua là một trong những gia đình tiêu biểu của thôn, khi có nhiều thế hệ tham gia cách mạng. Trong đó, bà Kĩnh và bà Qua được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (đợt đầu năm 1994). Tuy nhiên cũng theo ông Tạo, đại gia đình mẹ Kĩnh còn một Bà mẹ Việt Nam anh hùng nữa, đó là mẹ Nguyễn Thị Thạc. Mẹ Thạc (cùng quê với mẹ Kĩnh - Đại Hiệp, Đại Lộc) về làm dâu nhà ông nội chồng mẹ Qua, có chồng và 2 con là liệt sĩ và được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng đợt với mẹ Kĩnh và mẹ Qua.
“Vành đai trắng” La Châu
Ông Lại Văn Sinh, nguyên Bí thư chi bộ thôn La Châu kể lại rằng, ngày ấy, làng La Châu rất rộng, bao gồm cả Gò Hà và La Châu Bắc ngày nay. Từ thời Pháp cho đến Mỹ xâm lược, người dân La Châu vẫn ngoan cường xây hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ cách mạng, một thời nơi đây được bọn Mỹ-ngụy ví là “vùng đất bất trị”. Nhằm biến nơi đây thành “vành đai trắng”, Mỹ-ngụy đã thực hiện chiến dịch dồn dân lập ấp, xây dựng hệ thống đồn bốt, hàng rào hòng cô lập các căn cứ cách mạng ở phía Tây Bắc của huyện Hòa Vang cũng như cắt đường chi viện lương thực, đạn dược cho quân ta. Bọn Mỹ-ngụy dồn dân về sống tập trung tại Gò Cà, tất cả các cây lâu năm tại thôn đều bị đốn hạ để bọn chúng dễ phát hiện mỗi khi chiến sĩ cách mạng về làng. Dù vậy, người dân La Châu vẫn bám trụ để giúp cách mạng. Ngày ấy, đêm đêm bên mạn phía tây bờ sông Yên luôn vang âm thanh của tiếng cuốc, xẻng...của người dân trong thôn đào hầm bí mật dọc bờ sông.
Ông Phùng Tạo, Bí thư chi bộ thôn La Châu cho biết, với địa thế hơn 3km bờ sông, nhân dân La Châu đã đào giao thông hào gần kín, mỗi khi có “động” là quân ta rút lui qua bờ sông bên kia. Chính vì vậy mà bao lần bọn giặc đánh úp các cơ sở cách mạng của ta đều thất bại. Sau khi phát hiện vai trò của dòng sông Yên, bọn Mỹ điên cuồng dùng các phương tiện hiện đại như xe tăng, phi pháo, máy bay, tàu chiến và tăng cường bộ binh càn quét hai bên bờ sông Yên, cũng như bắn phá các “địa chỉ đỏ” của thôn ở xóm Mùn, Cẩm An, gò Miếu Trắng, xóm Giữa, xóm Trên, đồi Gò Thông, bãi Giá và đình La Châu. Trước tình hình đó, quân và dân La Châu dùng phương pháp đánh du kích, bắn tỉa và chặn đánh ca-nô Mỹ. Vào các năm 1967-1968, bộ đội và du kích địa phương đã đánh chìm 2 chiếc tàu chiến, bắn rơi 2 máy bay HU 1A và bắn cháy 5 xe bọc thép M113.
100% gia đình trong thôn La Châu đều tham gia cách mạng. Hình ảnh một người phụ nữ trong thôn La Châu bồng con nhỏ hiên ngang ra chặn đường đoàn xe tăng của Mỹ đang tiến đã lan truyền trong cả nước. Lúc bấy giờ, khí thế đánh giặc của thôn đang dâng cao và truyền nhiệt huyết cho nhiều địa phương lân cận. Với vị trí tiếp nối giữa đồng bằng và miền núi lại có đường thủy làm nơi ẩn binh, nên La Châu được bộ đội ta chọn làm vị trí trung chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược và lực lượng. Chính nơi đây là bãi bắn tên lửa của Trung đoàn 575 nã pháo đánh sân bay Đà Nẵng và sân bay Nước Mặn trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968.
Lật từng trang sử thôn La Châu mới thấy người dân nơi đây chịu nhiều đau thương nhưng rất đỗi ngoan cường. Hiện toàn thôn có 27 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 276 gia đình liệt sĩ và các thế hệ cha anh ở La Châu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng gần 400 Huân chương, Huy chương các loại vì có những thành tích trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc... Phát huy truyền thống cách mạng trong kháng chiến, ngày nay nhân dân La Châu ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều thành tích nổi bật.
PHẠM HÙNG