Với mức xử phạt hành chính cao nhất là 20 triệu đồng thì doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để không thực hiện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ). Doanh nghiệp đối phó với cơ quan BHXH bằng danh sách NLĐ tham gia BHXH và mức lương thấp hơn thực tế. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 1.119 đơn vị sử dụng lao động nợ 58,41 tỷ đồng tiền BHXH, trong đó nợ không có khả năng thu hồi gần 13,5 tỷ đồng.
Chấp nhận phạt để né BHXH
Công ty Dệt May Hòa Thọ là một trong những doanh nghiệp được BHXH Đà Nẵng đánh giá thực hiện tốt pháp luật về BHXH. Ảnh: V.DŨNG |
Nhiều đơn vị sử dụng lao động đối phó với BHXH bằng nhiều hình thức: Chỉ đóng BHXH cho một số ít NLĐ làm việc ở bộ phận hành chính. Có doanh nghiệp sử dụng gần 450 lao động nhưng chỉ đóng BHXH cho 50 người. Một bệnh viện tư nhân chỉ đăng ký đóng BHXH cho bác sĩ với mức lương hằng tháng 800 ngàn đồng. Tình trạng mức lương ghi trên hợp đồng lao động (để tham gia BHXH) thấp hơn mức lương thực nhận của NLĐ ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh là rất phổ biến. Có doanh nghiệp đối phó với Luật Lao động (quy định lao động hợp đồng từ 3 tháng trở lên phải tham gia BHXH) bằng cách ký hợp đồng với NLĐ chỉ 80 ngày, cho nghỉ 10 ngày rồi hợp đồng trở lại. Cứ thế quay lượt hợp đồng lao động, vừa lách luật, vừa né đóng BHXH.
Đại diện Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố phản ánh: Là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ nhưng LĐLĐ thành phố chỉ có thể tuyên truyền, vận động việc chấp hành pháp luật về lao động ở những doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ thành phố. Còn đối với những doanh nghiệp đóng trên địa bàn có tổ chức Công đoàn thuộc Công đoàn ngành thì LĐLĐ thành phố chỉ biết “đứng xa mà nhìn” chứ không kiến nghị được gì. Đa số các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trì hoãn hoặc không muốn thành lập tổ chức Công đoàn khi LĐLĐ thành phố đến tuyên truyền vận động. Không có tổ chức Công đoàn cơ sở thì rất khó giám sát, kiến nghị doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho NLĐ theo quy định pháp luật, trong đó có việc đóng BHXH cho NLĐ. Hiện nay số lượng doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn chưa tới 2.000 trong số trên 9.000 doanh nghiệp.
Theo số liệu báo cáo của BHXH Đà Nẵng: Năm 2008, số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đóng BHXH thực tế quản lý được là 2.571 đơn vị, chiếm tỷ lệ 50,8% trong tổng số 5.415 tổ chức sử dụng lao động phải tham gia BHXH bắt buộc và số NLĐ được đóng BHXH là 140.558 người, chiếm tỷ lệ 69%.
Năm 2009, số NLĐ được đóng BHXH là 144.986 người, chiếm 70,5%. Tuy nhiên, số liệu về số NLĐ phải tham gia BHXH mà cơ quan BHXH Đà Nẵng quản lý được chỉ là con số tương đối. Theo ông Lê Anh Nhân, Phó Giám đốc BHXH Đà Nẵng: Rất khó để xác định đúng, đầy đủ số NLĐ chưa tham gia BHXH để đưa vào quản lý.
Cơ quan BHXH tham khảo số liệu về lao động đăng ký của doanh nghiệp tại Cục Thuế, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất, Cục Thống kê, Sở LĐ-TB&XH… nhưng số liệu của các cơ quan này chưa thống nhất nên việc xác định đúng, đầy đủ số đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH rất khó khăn. Ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đồng tình: “Làm việc với BHXH ở các địa phương, tôi chưa thấy ai trả lời rằng đã xác định đúng và quản lý hết số lượng NLĐ phải tham gia BHXH, kể cả việc xác định chính xác mức lương để thu BHXH”.
Đổi mới cơ chế quản lý
Ông Lợi cho rằng, có một nghịch lý trong cơ chế quản lý hiện nay: Nhiều cơ quan Nhà nước có trách nhiệm liên quan đến việc quản lý lao động (ngành Kế hoạch & Đầu tư, Thuế, Thống kê, LĐ-TB&XH…) nhưng chịu trách nhiệm cụ thể lại không có ai cả. Ông Lợi cho biết, khi làm việc với BHXH tỉnh Vĩnh Phúc, cơ quan Thuế khẳng định họ nắm rất chắc chắn số lượng lao động của doanh nghiệp và mức lương từng người. Đây là bảng lương để quyết toán thế, họ phải khai báo đúng khoản trả lương.
Trong khi đó cơ quan BHXH không nắm được chính xác số lượng lao động và mức lương thật của NLĐ. Rõ ràng thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa ngành BHXH với các ngành có liên quan. BHXH Đà Nẵng cũng nêu thực trạng cơ quan này đã dựa vào thông tin và số liệu do Sở Kế hoạch và Đầu tư và Cục Thuế cung cấp nhưng khi đến tiếp xúc với doanh nghiệp thì phát hiện doanh nghiệp này không có trụ sở tại địa chỉ như đã ký trong giấy phép kinh doanh.
Mặt khác, chế tài xử phạt hành chính cao nhất là 20 triệu đồng thì doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để không thực hiện đóng, hoặc chây ì nợ BHXH. NLĐ sợ mất việc làm nên không dám đòi hỏi quyền lợi BHXH với người sử dụng lao động. Một bộ phận NLĐ cũng không nhận thức đầy đủ về chính sách, pháp luật BHXH nên không chủ động yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đóng BHXH cho mình.
BHXH Đà Nẵng đề nghị Nhà nước có chế tài đủ mạnh để buộc người sử dụng lao động phải tham gia BHXH cho NLĐ, đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh, cơ sở y tế, giáo dục ngoài công lập. Đề nghị sửa Luật BHXH quy định việc thu BHXH phải dựa trên bảng lương đóng thuế, doanh nghiệp không đóng BHXH hoặc nợ phải giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ và phải có cơ quan giám sát việc này.
Tại khoản 4, Điều 138 Luật BHXH cần bổ sung thêm nội dung: Tổ chức BHXH, NLĐ tham gia BHXH có quyền khởi kiện tại tòa án khi người sử dụng lao động vi phạm pháp luật về BHXH. Đề nghị bổ sung chỉ tiêu điều tra lao động có hợp đồng từ 3 tháng trở lên trong các cuộc điều tra hằng năm về lao động do Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì để làm cơ sở cho việc quản lý đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Đoàn Sơn