.
VIỆC LÀM CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Cần một cách nhìn mới

.

Việc làm dành cho người khuyết tật (NKT) là vấn đề không mới, nhưng lại chưa bao giờ cũ khi yếu tố liên quan đến cơm, áo, gạo, tiền của những con người chẳng may bị khiếm khuyết cơ thể vẫn chưa thực sự được nhìn nhận một cách cởi mở.

Mới nhìn đã... chê

Niềm tin của nhà tuyển dụng sẽ là chiếc chìa khóa mở ra cơ hội để NKT thể hiện năng lực. TRONG ẢNH: Trẻ khuyết tật được đào tạo nghề may.

“Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 10 doanh nghiệp (DN) tham gia tuyển lao động là NKT, nhưng số thực tuyển còn ít. Một phần do NKT chưa đáp ứng đủ yêu cầu về trình độ, sức khỏe của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, vẫn còn những DN tỏ ra e ngại trước khả năng của NKT”, bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết.

Dù đã qua đào tạo, có đủ bằng cấp theo yêu cầu, nhưng không ít người lao động khuyết tật phải ngậm ngùi nhìn công việc tụt khỏi tầm tay. Anh Trần Đình Hải, Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên khuyết tật thành phố cho hay, một trong những bức xúc nhất của thanh niên khuyết tật hiện nay là đối mặt với sự kỳ thị trong quá trình xin việc. “Nhìn chung, DN đã cởi mở hơn xưa, nhưng sự thay đổi còn rất chậm. Số DN không muốn nhận NKT tỏ ra áp đảo. Khi tuyển dụng, việc đầu tiên là người ta nhìn vào ngoại hình. Đây lại là cái thiếu lớn nhất của chúng tôi chứ không phải vấn đề nằm ở trình độ hay khả năng”, anh Hải nói. Không chỉ “làm lơ” trước những bộ hồ sơ xin việc của NKT, không ít nơi thể hiện sự “từ chối khéo” ở ngay cái cổng vào. Một thanh niên khuyết tật đã tốt nghiệp đại học chính quy chia sẻ, quá trình tìm việc đã cho anh thấm thía rằng, có khi chủ DN chưa phản hồi, nhưng NKT đã biết tự tìm đường rút lui. “Mới vào cơ quan, DN đã thấy hàng dãy cầu thang cao ngất ngưởng. Mình đi gửi cái hồ sơ còn khó, huống gì vào làm việc hằng ngày. Vậy đành thôi”, anh này nói.

Cần nhất là niềm tin

NKT cho rằng, cần nhất là sự thay đổi nhận thức của nhà tuyển dụng. Niềm tin của người tuyển dụng sẽ là chiếc chìa khóa mở ra cơ hội để NKT được thể hiện năng lực.Thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố đã tổ chức một số buổi gặp mặt các DN đang có lao động là NKT và DN chưa tuyển đối tượng này, nhằm giúp chủ DN có cái nhìn đầy đủ hơn về lao động khuyết tật. Thêm vào đó, dự án “Trao quyền cho người khuyết tật ở Đà Nẵng thông qua tăng cường các dịch vụ và cơ hội kinh tế” được triển khai tại các quận Thanh Khê, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang từ 2009-2011, bước đầu đã đạt kết quả. Đến nay dự án đã đào tạo khởi sự DN cho hơn 350 lượt người, hỗ trợ tài sản và vốn cho hơn 80 người mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh doanh. Hơn 60 lao động khuyết tật được kết nối công việc. Một số NKT được trang bị kỹ năng xin việc thông qua dự án này…

Tuy vậy, những nỗ lực trên vẫn chưa đủ trong điều kiện NKT còn đối diện với nhiều khó khăn. “Chúng tôi cũng phải tự lo cho bản thân và nuôi con ăn học như bao người. Nhưng chúng tôi có quá ít cơ hội! Bởi người ta còn nhìn vào khiếm khuyết của NKT hơn là đánh giá khả năng còn lại của chúng tôi”, một NKT nói.

Bài và ảnh: TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.