.
Vùng thấp trũng

Nỗi lo dịch bệnh và ngập úng

.

Do quá trình đô thị hóa và bức xúc về chỗ ở, người dân đã lấn dần bờ kênh thoát nước, ao hồ để cơi nới, xây dựng nhà cửa san sát trong khi hệ thống thoát nước không bảo đảm, chấp nhận sống chung với tình trạng mất vệ sinh môi trường, ngập úng, muỗi hoành hành và cả dịch bệnh. Đà Nẵng những ngày nắng gắt, đi sâu vào những khu vực dân cư đông đúc sống bên những bờ kênh, ao hồ đen ngòm, cỏ, bèo mọc rậm rạp... không khỏi rùng mình.

Rậm rạp cỏ, bèo và… muỗi

Cỏ và bèo rậm rạp, bao vây khu dân cư.  

Do nắng gắt, lâu rồi không có chút mưa nào và bị cản trở dòng chảy nên tuyến kênh dẫn nước và cánh đồng Hòa Phú 3 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) trở nên tù đọng, điều kiện thuận lợi để bèo phát triển tươi tốt, ken đặc mặt nước. Đứng ở khu dân cư mới bên này nhìn qua, hàng chục nhà dân tổ 31 bị bao vây bởi rậm rạp cỏ, bèo, rất nhếch nhác. Tại tổ 27, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, người dân đang lấn dần cánh đồng để làm nhà cửa, bao quanh là cỏ mọc um tùm, cao ngang ngực người.

Cũng như khu vực tổ 31, phường Hòa Minh, tại khu vực tổ 20, 21 và 22, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, nhiều năm qua, người dân đã lấn dần hai bên bờ kênh và lấp dần ao hồ để cơi nới, xây dựng nhà cửa, phòng trọ cho sinh viên thuê san sát, nước mưa lẫn nước thải thường xuyên ứ đọng, phần diện tích ao hồ và đất đai còn lại cỏ và bèo mọc rậm rạp, nên nơi đây là một điểm “nóng” về vệ sinh môi trường, thuận lợi cho muỗi trú ngụ và là “tâm bão” của dịch sốt xuất huyết.
 
Theo Đội Y tế dự phòng quận Liên Chiểu, hằng năm ở hai tổ 21 và 22 đều có khoảng 10 ca bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt tại tổ 22 đã có sinh viên tử vong vì loại dịch bệnh nguy hiểm này. Loài muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết thích đẻ trứng nơi nước trong, nhưng khu vực này nước thải sinh hoạt thường xuyên ứ đọng; nhiều người dân, sinh viên, công nhân đang cư trú trên địa bàn lại lơ là, luộm thuộm trong sinh hoạt, chủ quan khi nằm ngủ không mắc màn, nhiều chai lọ, vật dụng không cần thiết lại để chứa nước không có nắp đậy… thuận lợi cho muỗi trú ngụ, sinh sôi, gây bệnh sốt xuất huyết.

Nỗi lo ngập lụt sâu

Khu vực tổ 22, phường Hòa Khánh Nam vốn là vùng thấp trũng, nước thải sinh hoạt chảy tràn lan trên nền đường bê-tông, rất mất vệ sinh môi trường. Hễ trời mưa là nước mưa lẫn nước thải sinh hoạt và nước tù đọng từ hồ ao tràn lên ngập đường, thậm chí nước bẩn còn ngâm dài ngày, người lớn đi ra đi vào, học sinh đi học đều phải lội, chân tay bị nước ăn lở loét. Mỗi khi trời mưa lớn là người dân đều nơm nớp lo ngập sâu, chuẩn bị kê cao đồ đạc.

Trong khi đó, tại tổ 31, phường Hòa Minh, người dân lo ngại khi trời mưa lớn, nước sẽ khó thoát do tuyến kênh chính thoát nước từ cánh đồng Hòa Phú 3 ra biển bị một lượng bèo rất lớn ứ lại cản trở dòng chảy. Còn tại tổ 27, phường Hòa An, người dân ở cuối kiệt 91 đường Tôn Đản cũng lo ngại mùa mưa năm nay sẽ ngập lụt sâu vì tình trạng người dân đổ đất san lấp, xây dựng nhà và phòng trọ gây cản trở dòng chảy, trong khi đó, ở khu vực này không có hệ thống thoát nước.

Còn nhiều khu vực đông đúc dân cư khác đang sống chen chúc bên những bờ kênh, hồ ao tù đọng, ken đặc bèo, um tùm cỏ mọc. Đã bắt đầu vào mùa nắng nóng và dịch sốt xuất huyết cũng đang bùng phát mạnh, chính quyền các địa phương cần quan tâm phòng chống dịch bệnh, phun thuốc khử trùng; tuyên truyền, vận động nhân dân ra quân khơi thông dòng chảy, thu dọn cỏ, bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe nhân dân sống bên các bờ kênh, ao hồ, trũng thấp.

Bài và ảnh: NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.