.

Xà bần “tấn công” các trục đường vắng

.

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, nhiều tuyến đường nằm trong các khu dân cư mới lại bị xà bần, rác “tấn công” trở lại. Hầu hết việc đổ xà bần, rác diễn ra ban đêm, nên cơ quan chức năng khó xử lý.

Vỉa hè và lòng đường Dương Đình Nghệ biến thành nơi đổ xà bần và rác. 

Khu dân cư An Nhơn 1, thuộc phường An Hải Bắc có thể nói là điển hình của tình trạng này. Do nhiều tuyến đường còn trống chưa có nhà dân, hoặc có nhưng rất thưa thớt, vì vậy nơi đây biến thành địa điểm đổ xà bần và rác. Dọc theo tuyến đường Dương Đình Nghệ và một số tuyến đường chưa đặt tên, mặc dù hạ tầng cơ sở như đèn đường, hệ thống thoát nước, vỉa hè đã được lót gạch rất đẹp, nhưng cỏ bắt đầu mọc lên, và xà bần cũng được đổ tại đây, kèm theo đó là đủ thứ rác thải. Ban đầu chỉ một vài vị trí khuất và chỉ đổ trên những lô đất trống, trên vỉa hè, nhưng dần dần, người ta đổ tràn xuống lòng đường. Nhiều lô đất trống ở vị trí “thuận lợi”, xà bần và rác chất thành đống cao trên cả mét.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Trung, tổ trưởng tổ dân phố 6B phường An Hải Bắc, lắc đầu ngao ngán: “Cái này thì chịu thôi, bản thân tôi đã cố gắng vận động từng hộ dân để họ không đổ xà bần, rác ra các lô đất trống hay trên đường đi. Thế nhưng tất cả như bỏ ngoài tai, họ vẫn “vô tư” đổ xà bần, đổ rác. Mới đây tôi đã bắt quả tang một hộ dân trong tổ đổ xà bần trên đường Dương Đình Nghệ, và yêu cầu họ thuê xe chở đi. Vậy mà họ đòi đánh mình”. Theo ông Trung, đáng lo nhất là tại những vị trí cỏ mọc um tùm, xà bần đổ thành đống to thường là nơi bọn nghiện đến chích ma túy. Chung tâm trạng này, bà Lê Thị Hồng, chủ một lô đất ở khu dân cư Đại Địa Bảo (quận Sơn Trà) cho biết: Mặc dù gia đình đã dùng lưới B40 rào lối vào lô đất, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, hàng rào bị lấy cắp, còn lô đất thì biến thành nơi đổ xà bần và rác cho cả khu vực.

Dạo quanh các khu dân cư mới còn thưa nhà ở tại các quận như Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu…, tình hình này diễn ra rất phổ biến. Hầu hết người dân đều rất bức xúc trước tình trạng này, thế nhưng chính họ cũng là nạn nhân của nhau, bởi khi có nhu cầu, họ vẫn “vô tư” đổ xà bần, rác vào các lô đất trống. Hoặc họ thuê chở xà bần nhà mình đi, còn người được thuê muốn đổ đâu họ không quan tâm. Về phía người chở thuê, để tiết kiệm công sức, họ chỉ chở xà bần và rác đến nơi nào gần nhất là trút vội.

Về vấn đề này, ông Đàm Nguyên Khánh, Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ không giấu được sự mệt mỏi: “Gần như địa phương huy động mọi nguồn lực vào việc chống nạn đổ xà bần, rác. Từ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, tổ dân phố, Mặt trận… đều vào cuộc để tuyên truyền và triển khai các Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp nhằm dọn dẹp những đống rác tồn đọng nói trên.

Thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn, đâu lại vào đấy. Để đối phó với chính quyền địa phương, người dân không đổ rác vào ban ngày mà đổ vào ban đêm, không thuê xe tải mà thuê xe bò chở từng chuyến đi đổ, vì vậy việc phát hiện xử lý rất khó khăn”. Ông Văn Thái Dũng, Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc cho biết thêm: “Phường tốn rất nhiều công sức để duy trì sự sạch đẹp trên các trục đường, tuy vậy chỉ cần lơ là một tí là người dân lại đổ rác ra đường. Mặc dù phường đã tăng cường tổ quy tắc đô thị lên 5 người, thế nhưng cũng không thể kiểm soát hết tình hình vì đa số họ đổ vào ban đêm”.

Có thể nói, việc bảo đảm vệ sinh môi trường cho các tuyến đường, khu dân cư mới hiện nay rất khó thực hiện.

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn

;
.
.
.
.
.