.

Các bộ, ngành trung ương trả lời ý kiến cử tri thành phố Đà Nẵng

I- NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

2- Ý kiến cử tri: Đề nghị cho phép hỗ trợ lãi suất đối với các hợp đồng tín dụng vay vốn sản xuất – kinh doanh trước thời điểm ngày 1-2-2009 nhưng đến ngày 1-2-2009 vẫn còn thời hạn, kéo dài thời hạn và mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn trước ngày 23-1-2009 và các khoản vay trung, dài hạn trước ngày 4-4-2009.

Tại Công văn số 2339/NHNN-VP ngày 31-3-2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời như sau:

Một trong những mục tiêu cần đạt được của cơ chế hỗ trợ lãi suất về phía hoạt động tín dụng ngân hàng là phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả tín dụng; hỗ trợ đối với các khoản vay để đầu tư sản xuất - kinh doanh mới nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội; như thế, việc hỗ trợ lãi suất phải tập trung cho các khoản vay có hiệu quả, có khả năng trả nợ, còn các khoản vay không có khả năng trả nợ đúng hạn được xử lý bằng cơ chế cơ cấu lại thời hạn nợ.

Vì vậy, tại văn bản số 1806/VPCP-KTTH ngày 23-3-2009 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo “không được dùng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ đối với các khoản tín dụng phát sinh trước thời điểm 1-2-2009”. Mặt khác, nguồn tiền của Nhà nước có hạn, chỉ đủ để hỗ trợ cho các khoản vay phát sinh sau ngày 1-2-2009 đối với khoản vay ngắn hạn, sau ngày 1-4-2009 đối với khoản vay trung hạn, dài hạn (nếu hỗ trợ cho các khoản vay cũ, thì nguồn tiền cần phải có lớn gấp nhiều lần nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 17.000 tỷ đồng).

3- Ý kiến cử tri: Đề nghị cân nhắc điều chỉnh lãi suất cho phù hợp và thống nhất về tăng, giảm lãi suất, vì khi lãi suất tiền gửi tăng thì ngân hàng tăng ngay lãi suất cho vay, khi lãi suất tiền gửi giảm thì chậm giảm lãi suất cho vay.

Tại Công văn số 2339/NHNN-VP ngày 31-3-2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời như sau:

Hợp đồng tín dụng là hợp đồng kinh tế, được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận giữa người cho vay (ngân hàng) và khách hàng vay. Hợp đồng tín dụng thường có 2 loại: hợp đồng tín dụng có thỏa thuận áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; hợp đồng tín dụng có thỏa thuận áp dụng lãi suất cho vay cố định.
Đối với các hợp đồng tín dụng áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh: theo các quy định pháp luật, khi đến kỳ điều chỉnh mức lãi suất cho vay thì tổ chức tín dụng sẽ phải điều chỉnh tăng/giảm mức lãi suất áp dụng đối với hợp đồng tín dụng đến kỳ điều chỉnh, phù hợp với quy định tại Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16-5-2008 về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam và mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Đối với các hợp đồng tín dụng áp dụng lãi suất cho vay cố định: về nguyên tắc, tổ chức tín dụng và khách hàng vay thực hiện mức lãi suất ghi trong hợp đồng tín dụng cho đến khi kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện hợp đồng, nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất cơ bản, tổ chức tín dụng và khách hàng vay có thể thỏa thuận, sửa đổi mức lãi suất ghi trong hợp đồng tín dụng, trên cơ sở tự nguyện cam kết và không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa theo quy định tại thời điểm tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận sửa đổi mức lãi suất ghi trong hợp đồng tín dụng, phù hợp khả năng huy động vốn và điều kiện kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Đối với hợp đồng tín dụng áp dụng lãi suất vay thỏa thuận theo quy định tại Thông tư số 07/2010/TT-NHNN ngày 26-2-2010 của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, lãi suất cho vay và việc điều chỉnh lãi suất cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng vay thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

(Còn nữa)

;
.
.
.
.
.