.

Chiến thắng Núi Thành - trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ

(Tiếp theo và hết)

Đánh trận Núi Thành

Sau khi đổ bộ vào Chu Lai, bọn Mỹ cho 1 đại đội Mỹ lên chốt ở Núi Thành, một ngọn đồi cách quốc lộ số 1 và đường sắt Bắc Nam hơn 1 cây số về phía tây. Mục đích của bọn Mỹ khi lập cứ điểm này là để bảo vệ vòng ngoài cho căn cứ Chu Lai, từ đó khống chế sâu vào vùng giải phóng của ta. Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đặt ra nhiệm vụ phải diệt cái chốt này, nhưng vấn đề quan trọng đặt ra là diệt chúng bằng cách nào và vào thời điểm nào thì thuận lợi nhất? Khi đó, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chính trị viên Tỉnh đội, tôi xuống Đại đội 2, Tiểu đoàn 70, đơn vị dự kiến sẽ được giao nhiệm vụ đánh Núi Thành tăng cường cho Đại đội 2 đội đặc công. Anh em đang khẩn trương chuẩn bị cho trận đánh.
 
Trong vài lần trò chuyện với anh em, chúng tôi phát hiện ra những băn khoăn suy nghĩ của một số người vẫn chưa tự tin là có đánh được Mỹ không. Trong khi trò chuyện, một tiểu đội trưởng  buột miệng nói với tôi: “Thằng Mỹ nó to xác vậy, không biết đánh giáp lá cà, mình có vật nổi nó không?”, “Hỏa lực nó mạnh như vậy, nếu tiếp cận mà bị lộ, sẽ xử lý tình huống như thế nào để tránh thương vong vì pháo của nó?”... Tất cả những băn khoăn đó đều được chúng tôi cùng ngồi họp bàn và thông suốt cách đánh với anh em.

Núi Thành là một ngọn đồi dài 1.450m, rộng 900m, độ cao ở mỏm cao nhất là 50m. Vì nằm ngay cạnh quốc lộ số 1 và đường sắt Bắc Nam nên việc đi đến Núi Thành đều thuận lợi. Chỉ có hướng tây, vì tiếp giáp với dải đồi thấp của Trường Sơn nên việc đi lại có phức tạp, hiểm trở hơn. Nếu ta chiếm được Núi Thành sẽ khống chế được cả một vùng rộng lớn từ Dốc Sỏi (ranh giới tiếp giáp tỉnh Quảng Ngãi) đến ga An Tân, uy hiếp trực tiếp căn cứ Chu Lai.

Ngày 24-5-1965, lễ xuất quân được tổ chức tại thôn 1 xã Kỳ Thạnh (nhiều tài liệu nói là thôn 4 nhưng theo trí nhớ của tôi thì lễ xuất quân ở thôn 1, vì lúc đó, xã Kỳ Thạnh chỉ có 2 thôn đã được giải phóng là thôn 1 và thôn 2). Hôm đó là một ngày đẹp trời, hàng quân đã chỉnh tề trước mặt các đồng chí trong Tỉnh ủy, Ban Cán sự Tỉnh đội và đại diện các đoàn thể. Bàn thờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ được trang hoàng giản dị nhưng trang nghiêm. Những chiến sĩ có khuôn mặt đen xạm, rắn rỏi và tràn đầy quyết tâm. Tôi vinh dự thay mặt Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” cho Đại đội trưởng Võ Thành Năm. Đúng 14 giờ, sau lễ xuất quân, cả đại đội lên đường. Tôi cùng với bộ phận tiền phương của Tỉnh đội đứng tại thôn 1 Kỳ Thạnh. Qua báo cáo, chúng tôi được biết đơn vị đã hành quân đến vị trí tập kết tại thôn 8 Kỳ Sanh, cách mục tiêu 4km về phía bắc đúng thời gian. Ở đây, nhân dân đã chăm lo chu đáo cho bộ đội từ việc ăn uống đến việc bảo đảm bí mật nơi trú quân. Ban Chỉ huy đại đội đang tiếp tục kiểm tra, bổ sung trang bị và quán triệt nhiệm vụ cụ thể thêm cho từng đồng chí. Các đồ đạc không cần thiết đều để lại. Mỗi chiến sĩ chỉ còn mang theo tiểu liên, thủ pháo và lựu đạn. Lúc 14 giờ ngày 25-5, trinh sát về báo cáo toàn bộ hoạt động của địch trên Núi Thành không có gì thay đổi. Nghĩa là 140 tên lính Mỹ mò lên đây đang nằm im tại chỗ. 18 giờ, đơn vị hành quân đến vị trí tập kết cuối cùng để triển khai chiếm lĩnh. Đại đội trưởng phổ biến lệnh nổ súng cho các mũi. Theo phương án, đơn vị đánh cầu An Tân sẽ nổ súng vào lúc 0 giờ ngày 26-5. Tiếng nổ ở cầu An Tân sẽ là hiệu lệnh chung cho các đơn vị khác.

Suốt đêm 25-5, chúng tôi vây quanh tấm bản đồ chiến sự hồi hộp theo dõi các cánh quân tiếp cận các mục tiêu. Đến 20 giờ, Đại đội 2 báo cáo về các mũi đã đưa lực lượng áp sát vào trong hàng rào địch. Mũi xa nhất cách hầm cố thủ của Mỹ 3 mét, còn mũi gần nhất chỉ cách 1 mét.

Nhưng đến 0 giờ ngày 26-5, không nghe tiếng nổ, tất cả chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Từng giây một trôi qua một cách nặng nề. Các sĩ quan, chiến sĩ thông tin được lệnh bằng mọi cách phải liên lạc cho được các đơn vị, nhất là đơn vị đánh cầu An Tân, hỏi cho ra lý do vì sao không nổ súng đúng giờ G. Rồi chỉ nửa giờ sau đó, tiếng súng nhỏ và tiếng thủ pháo nổ ran trên đỉnh Núi Thành. Không ai bảo ai, chúng tôi đều đứng dậy hướng về phía những chớp lửa xé đêm tối vụt lên cùng với những chớp giật liên hồi, không phân biệt được tiếng súng nổ là của ta hay của bọn Mỹ. Sau này khi nhận được báo cáo đầy đủ, trận đánh diễn ra như sau:

Đúng 0 giờ ngày 26-5, sau khi chờ 30 phút không nghe tiếng súng phát lệnh ở cầu An Tân - bởi lúc đó địch đã đánh hơi, ở khu vực cầu An Tân, sợ ta có chủ trương đánh cầu nên bọn chúng tập trung canh phòng cao độ. Chúng liên tục bắn pháo sáng và dùng nhiều lựu đạn thả xuống chân cầu nên lực lượng công binh chưa có cách gì tiếp cận được. Không thể kiên trì thêm được, một quyết đoán khá thông minh và táo bạo: Đại đội trưởng Võ Thành Năm lệnh cho Trần Ngọc Ảnh, mũi trưởng ở hướng chủ yếu đánh quả thủ pháo đầu tiên vào công sự Mỹ. Ngay sau đó, tất cả các mũi nổ súng đánh phủ đầu quân Mỹ. Tiếng súng trên Núi Thành đã thành tiếng súng phát lệnh chung cho các mục tiêu khác như cầu Ông Bộ, cầu An Tân, thị xã Tam Kỳ cùng đồng loạt nổ súng.

Từng tổ ba người phát triển theo hình chữ A dùng tiểu liên, thủ pháo, lựu đạn lần lượt đánh chiếm từng hầm một từ ngoài vào trong. Sau 8 phút, bộ đội ta đã tiêu diệt và chiếm tuyến công sự vòng ngoài. Đại đội trưởng Năm nhanh chóng bám sát đơn vị. Vận động lên được nửa đường, Năm gặp một tên Mỹ tay không súng, đầu không mũ từ trên cao lao xuống tháo chạy. Anh vừa đưa khẩu súng ngắn lên thì tên Mỹ vồ ngay lấy anh. Phát đạn nổ vụt lên trời. Năm ôm lấy tên Mỹ quật lộn về phía sau. Lúc đó, mũi trưởng Ảnh vừa lao tới sẵn quả lựu đạn chày trong tay, quật thẳng vào mặt tên Mỹ, Năm bắn bồi thêm một phát đạn kết liễu tên Mỹ rồi anh cùng anh em tiếp tục xông lên.

Ở mũi thứ yếu hướng tây đồi 50 có độ dốc cao hơn nên bị địch dùng hỏa lực để ngăn chặn. Anh em vẫn kiên quyết dùng lựu đạn, thủ pháo, lưỡi lê đánh giáp lá cà. Nhưng hỏa lực địch vẫn bắn mạnh, làm mũi này chưa phát triển được.

Đại đội trưởng Năm, mũi trưởng Ảnh chỉ huy mũi chủ yếu phát triển nhanh sang chi viện cho mũi thứ yếu. Sau hai mươi phút chiến đấu, quân ta ở hai mũi đã gặp nhau. Bộ đội lần lượt đánh chiếm các hầm và hoàn toàn làm chủ đồi 50.

Lúc đó ở mỏm đồi 49, anh em đã đánh chiếm được tầng công sự thứ hai ở vòng ngoài thì gặp một khẩu đại liên địch bắn tạt ngang đội hình. Ba đồng chí làm nhiệm vụ đột kích bị thương vong. Đồng chí mũi trưởng đã kịp thời điều tổ dự bị lên cùng anh em còn lại, mở thêm một hướng đột kích khác từ đông bắc đánh thọc thẳng vào trong, cắt đội hình địch, diệt khẩu đại liên, rồi nhân điều kiện thuận lợi được tạo ra, anh em phát triển đánh chiếm tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ trận địa. Trong lúc đó, trận địa hỏa lực của Tiểu đoàn 70 bắn khống chế không cho quân Mỹ còn sống sót chạy về Chu Lai.

Sau 30 phút chiến đấu, quân ta đã diệt gọn một đại đội Mỹ đóng trên Núi Thành, làm chủ toàn trận địa. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” đã tung bay trên đỉnh đồi 50 của cứ điểm Núi Thành.

Lúc này, từ căn cứ Chu Lai, pháo binh Mỹ bắn cấp tập vào các trục đường phía tây Núi Thành, nơi mà chúng nghi là đường tiếp cận của quân ta… Sau khi làm chính sách thương binh, liệt sĩ và thu dọn chiến trường, Đại đội 2 đội đặc công của ta với hàng ngũ chỉnh tề đã theo mé tây đường số 1 rút về căn cứ an toàn, không một quả pháo nào của địch rơi trên đường lui quân.

Đôi điều tổng kết

Chiến thắng Núi Thành là một tất yếu trong cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta với bọn xâm lược. Nó được hun đúc từ lòng yêu nước, ý chí quả cảm và sự sáng tạo vô bờ bến của toàn Đảng, toàn dân ta. Mặc dù ở trận Núi Thành ta chỉ tiêu diệt gọn một đại đội Mỹ nhưng là trận đánh Mỹ đầu tiên nên có ý nghĩa rất lớn. Điều đó cho thấy rằng dù bọn xâm lược từ đâu đến, dù tiềm lực mạnh đến mức nào hoặc dù chúng chiếm cứ ở địa danh này hay địa danh khác trên mảnh đất Việt Nam anh hùng thì chúng cũng sẽ bị thất bại thảm hại. Trận đánh phủ đầu thành công diễn ra ở Núi Thành là một minh chứng cụ thể. Rồi không lâu sau đó, trong Đại hội Liên hoan anh hùng và chiến sĩ thi đua lần thứ nhất, quân và dân Quảng Nam đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Hoàng Minh Thắng
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.