.
CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP

Cần dung hòa những vấn đề nhân sự

.

Theo đề án chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ một trường học, thì cùng với việc đề ra yêu cầu về cơ cấu có tính kế thừa, sự lãnh đạo thống nhất, giới tính, tính đại diện, đề án này cũng chú ý đến việc cơ cấu cấp ủy phải bảo đảm đảm đương các cương vị công tác như: Bí thư, Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Thường trực Công tác Đảng, đại diện lãnh đạo đoàn thể, Bí thư và Phó Bí thư các chi bộ trực thuộc.

Công tác chuẩn bị nhân sự tốt luôn đem lại thành công cho đại hội. 

Với cơ cấu đó, cấp ủy cũ giới thiệu 11 người để bầu chọn cấp ủy mới 9 người; trong đó một chi bộ có 3 người đang là Bí thư, Phó Bí thư và một đảng viên; một chi bộ khác có 2 người là đảng viên. Bốn người trong Ban Giám hiệu thì có một người là đảng viên, còn lại là trong Ban Thường vụ Đảng ủy. Giải thích về việc cơ cấu này, có ý kiến cho rằng, đây là cơ cấu hợp lý để có thể khi bất cứ ai trúng cử thì cũng đảm đương được cương vị công tác theo đề án đưa ra. Thế nhưng, không ít ý kiến băn khoăn trước việc cơ cấu như vậy thì dễ dàng nhận ra ai là người có nhiều thuận lợi trong quá trình bầu cử. Cũng tương tự như vậy, ở một Đại hội Đảng bộ phường, trong cơ cấu nhân sự trình đại hội, có một đảng viên được nhìn thấy rất “lẻ loi” về tiêu chuẩn so với các đảng viên còn lại về chức vụ, tính đại diện...

Đây là vấn đề khó khăn nhất trong công tác cơ cấu nhân sự của Đại hội Đảng các cấp, phải làm sao bảo đảm cơ cấu nhưng cũng phải chọn người đảm nhận được các cương vị công tác, lại phải mang tính cân bằng (tương đối) để việc bầu cử không vướng phải tình trạng “lót đường”. Việc lựa chọn để giới thiệu nhân sự phải bảo đảm các tiêu chuẩn đã được nêu lên trong Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị và các hướng dẫn liên quan, đồng thời phải bảo đảm trên tinh thần của các nghị quyết Trung ương về công tác cán bộ trong giai đoạn mới, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng...

Tùy theo loại hình tổ chức Đảng, mà việc chọn lựa cơ cấu nhân sự ở mỗi nơi gặp những thuận lợi cũng như khó khăn khác nhau. Đối với loại hình tổ chức Đảng ở xã, phường thì việc cơ cấu về độ tuổi và giới tính một cách hợp lý, bảo đảm tiêu chuẩn đề ra không là vấn đề khó khăn; thế nhưng vướng mắc lớn nhất vẫn là mâu thuẫn giữa bảo đảm về trình độ và tính đại diện. Ông Lê Văn Sơn, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Cẩm Lệ cho hay, vướng mắc thường gặp nhất là đại diện của chi bộ khu dân cư thường không bảo đảm về trình độ, nên có trường hợp phải đưa cán bộ của các cơ quan Đảng, chính quyền, hội, đoàn thể ở phường về đảm trách chức danh Bí thư chi bộ khu dân cư nhằm bảo đảm được tính cơ cấu. Đối với loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh không có vốn Nhà nước chiếm đa số, thì công tác nhân sự có thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, cũng như các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp có vốn Nhà nước chiếm đa số, thì việc chọn lựa nhân sự cho cấp ủy mới không dễ dàng bảo đảm cơ cấu về giới tính và độ tuổi. Theo đó, ở những loại hình tổ chức Đảng này, những đảng viên trẻ thường ít được nắm giữ những chức vụ về mặt chính quyền nên khó “cạnh tranh” nổi so với những đảng viên khác. Chính vì thế, chỉ trừ những đơn vị, doanh nghiệp có tính đặc thù với số đảng viên trẻ chiếm số đông, hoặc đảng viên nữ chiếm số đông thì việc cơ cấu mới bảo đảm được yêu cầu đề ra, tránh được hiện tượng “chín ép” trong quá trình cơ cấu để bầu cử cấp ủy mới.

Chính vì thế, vấn đề quan trọng không những là công tác nhân sự trong Đại hội Đảng các cấp bảo đảm các tiêu chuẩn đề ra, mà còn là vấn đề thực hiện nhiệm vụ, đảm đương cương vị công tác của những người được đại hội tín nhiệm bầu vào cấp ủy khóa mới. Việc giới thiệu cũng như bầu chọn cần phải thực sự nghiêm túc và phải bảo đảm những người được bầu chọn có đủ uy tín, sức thuyết phục trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhằm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện nghị quyết đại hội trong cả một chặng đường.

Bài và ảnh: ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.