Ngày 5-5, tại thành phố Đà Nẵng, Hội Y tế công cộng Việt Nam phối hợp với Hội Y tế công cộng thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Chia sẻ nghiên cứu đánh giá và xây dựng chương trình can thiệp, giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm dioxin qua thực phẩm tại thành phố Đà Nẵng”.
Nhóm thực phẩm có nguy cơ nhiễm dioxin nếu nuôi, trồng tại vùng đất nhiễm dioxin |
Theo báo cáo công bố tại Hội thảo, nồng độ dioxin trong mẫu môi trường đất, bùn và mẫu thực phẩm trồng; mẫu máu và sữa mẹ những cư dân sống tại khu vực gần sân bay Đà Nẵng có mức độ vượt tiêu chuẩn cho phép. Do vậy, người dân sống gần khu vực này có nguy cơ phơi nhiễm trong môi trường đất, nước, trầm tích và thực phẩm trồng tại đây.
Kết quả khảo sát, điều tra của Hội Y tế công cộng Việt Nam do Quỹ Ford tài trợ tiến hành vào cuối năm 2009 tại 4 phường Hòa Khê, An Khê, Thanh Khê Tây và Chính Gián (quận Thanh Khê), trong số 400 người chế biến thực phẩm ở độ tuổi từ 16 đến 60 được phỏng vấn cho thấy, kiến thức về dioxin và những biện pháp giảm thiểu phơi nhiễm của người dân còn hạn chế. 15% số người được hỏi không biết cách thức dự phòng phơi nhiễm dioxin qua thực phẩm sử dụng hằng ngày như thịt mỡ động vật, sữa, trứng...
Tại Hội thảo, PGS-TS Bùi Thanh Tâm, Tổng Thư ký Hội Y tế công cộng Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm sau 2 năm triển khai chương trình giảm tác hại cho người dân 2 phường Trung Dũng và Tân Phong tại khu vực sân bay Biên Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho thấy, nhận thức của người dân về dioxin được nâng lên rõ rệt, nhất là những kiến thức phòng tránh phơi nhiễm qua nguồn thực phẩm sử dụng tại gia đình. “Trong hai năm đến, tại 4 phường gần sân bay Đà Nẵng đã được khảo sát, chúng tôi sẽ tiến hành nhiều lớp tập huấn kiến thức cho người dân và cán bộ y tế về nguy cơ nhiễm độc dioxin qua thực phẩm, cách nhận biết các loại thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ nhiễm dioxin cao, xuất xứ của thực phẩm tiêu thụ cũng như những giải pháp thực hành dự phòng nhiễm độc khác... nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân”, PGS-TS Bùi Thanh Tâm nhấn mạnh.
Tin và ảnh: V.DŨNG