.
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Chấm son trên bản đồ Tổ quốc

Bác bước đến và hỏi ngay:
- Chú Châu Hòa Vang đâu ?
Đồng chí Lê Duẩn nắm lấy tay tôi và giới thiệu:
- Thưa Bác, chú Châu đây ạ !


Bác ôm chặt lấy tôi, thắm thiết hôn lên má, lên đầu tôi như người cha lâu ngày gặp con. Bác ân cần sờ các vết thương, hết hỏi thăm sức khỏe của tôi lại hỏi thăm các đồng chí lãnh đạo ở huyện và tỉnh, hỏi thăm đồng bào ở huyện Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng. Tôi nghẹn ngào xúc động đến ngây người. Bác chậm rãi nói với tôi:

- Các chú bên Bộ Chính trị cho Bác biết cháu báo cáo hay lắm. Hôm nào Bác thu xếp công việc sẽ mời cháu đến kể lại cho Bác nghe đồng bào, chiến sĩ Hòa Vang, Đà Nẵng đánh Mỹ giỏi như thế nào.
Tôi thật xúc động trước lời khen ngợi của Bác. Thật ra, tôi được ra miền Bắc để chữa bệnh chứ không phải để báo cáo. Nhưng các đồng chí lãnh đạo ở miền Bắc rất quan tâm theo dõi cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam, của tỉnh ta, nhất là khi quân Mỹ hùng hổ đổ vào Đà Nẵng, Chu Lai. Nghe nói có một số anh em ở trong Nam ra, trong đó có tôi, các đồng chí gọi đến để kể lại những gì diễn ra trong bước ngoặt của cách mạng miền Nam. Tôi đã báo cáo với Bác Tôn, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Văn Tiến Dũng…

Bác ngồi lại bên tôi, âu yếm kể lại ngày xưa, trước khi vào Sài Gòn xuống tàu ra nước ngoài đi tìm đường cách mạng, Bác có nghỉ lại Đà Nẵng hai ngày. Bác có đi thăm một số nơi. Bác còn nhớ Đà Nẵng có thuốc lá Cẩm Lệ, có chả cá, bún bò ngon lắm… Năm tháng trôi qua, tôi không còn nhớ hết các chi tiết cụ thể cuộc hàn huyên trong tình cha con với Bác.

Vài ngày sau, một buổi sáng, Bác lại “đến” với Hòa Vang, Đà Nẵng, với cả Quảng Nam. Đúng 7 giờ sáng, khi tôi vào Phủ Chủ tịch thì Bác đã có mặt ở đó với đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tuy không còn lo ngại như hôm trước nữa nhưng tôi vẫn lúng túng không biết báo cáo với Bác và các vị lãnh đạo Đảng những gì đây. Bác trìu mến nhìn tôi và bảo:

- Hôm nay Bác và chú Chinh, chú Đồng sẽ nghe cháu báo cáo tình hình Hòa Vang và Đà Nẵng trong một ngày. Cháu cứ thấy sao nói vậy, chỗ nào không hiểu Bác sẽ hỏi.

Giở tấm bản đồ quê hương mang từ Quảng Nam ra đặt trên bàn, tôi bắt đầu kể lại thời kỳ Mỹ-Diệm khủng bố, tố cộng trong đêm dài khốc liệt nhất của miền Nam. Sau khi cán bộ và bộ đội tập kết xong, Đảng bộ Hòa Vang chỉ còn lại 85 đồng chí. Bị chém giết, tù đày, chỉ còn lại sáu người, trong đó có tôi. Có những phút Bác và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng lặng người đi. Trong đôi mắt Bác, trên vầng trán của Bác thoáng hiện một nỗi buồn sâu xa khiến tôi ngại ngùng không dám nói cụ thể những sự việc đau thương của đồng bào, đồng chí huyện nhà, tỉnh nhà.

Nhưng ấm lòng tôi biết chừng nào khi Bác hỏi thăm sức khỏe của từng đồng chí một trong Huyện ủy còn sống sót: anh Mai Đăng Chơn, anh Nguyễn Cách, anh Trần Văn Đán, anh Nguyễn Ban, anh Nguyễn Phú Chiến. Bác hỏi tỉ mỉ về cách ăn ở, tình hình công tác, việc bám sát nhân dân, xây dựng cơ sở. Bác chăm chú theo dõi đến những sự việc nhỏ nhất. Bác quan tâm hỏi nhiều đến tình hình của Hòa Vang, Đà Nẵng từ khi quân viễn chinh Mỹ vào. Tôi báo cáo với Bác những ngỡ ngàng, e ngại lúc đầu khi phải đương đầu với lũ quỷ Mỹ được trang bị vũ khí tối tân. Nhưng dân Quảng Nam không bao giờ lùi bước, vẫn xông lên xáp mặt kẻ thù, đánh cho chúng những đòn phủ đầu ở Nam Thành (xã Hòa Khương), ở Non Nước (xã Hòa Hải)…

Tôi báo cáo tường tận với Bác và các đồng chí lãnh đạo việc tổ chức vành đai diệt Mỹ quanh căn cứ Đà Nẵng, việc tỉnh và huyện điều động lực lượng các xã chưa có Mỹ ở tuyến sau lên cùng Hòa Vang diệt địch. Bác vui vẻ vừa cười, vừa nói đôi lời giản dị nhưng vô cùng khích lệ:

- Hễ cứ xông vào mà đánh thì hết sợ. Nó không có gì đáng sợ. Các chú đánh được nó như vậy là giỏi.
Đến 11 giờ, Bác ra về sau khi dặn hai đồng chí Trường Chinh và Phạm Văn Đồng ăn cơm với tôi. Tôi được bố trí nghỉ lại trong nhà làm việc của Bác. Trước vinh dự quá lớn, tôi bồi hồi sung sướng không thể nào ngủ được. Tôi thấm thía trước tấm lòng của Bác, của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với cuộc chiến đấu của Hòa Vang, Đà Nẵng và của cả tỉnh Quảng Nam. Tôi đi dạo quanh vườn Phủ Chủ tịch như đi giữa tình thương yêu của Bác, của Trung ương. Đúng 13 giờ 30, tôi quay vào nơi làm việc thì đã thấy Bác và hai đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng có mặt từ bao giờ rồi. Bác và hai đồng chí lại hỏi về sức khỏe của tôi. Khi sờ những vết thương của tôi, Bác hỏi:

- Có đau lắm không cháu? Ngồi lâu như thế này để báo cáo, cháu có mệt lắm không?

Quên hết những năm tháng chiến đấu gian khổ, quên hết những vết thương còn bọng mủ, những viên đạn còn nằm trong cơ thể, vì vinh dự của quê hương Hòa Vang, của Quảng Nam, vì xương máu của đồng bào, đồng chí, tôi thưa với Bác là không. Suốt cả buổi chiều hôm đó, tôi đem hết tâm lực, trí nhớ để trình bày lại với Bác, với các đồng chí về tình hình xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, việc bám sát dân, kiên cường bám trụ, những thành tích bước đầu mà đồng bào, đồng chí đã đạt được. Bác thích thú nhất khi nghe về những cuộc đấu tranh chính trị với Mỹ bằng mọi hình thức của các mẹ, các chị không biết tiếng Mỹ mà vẫn làm cho Mỹ nghe, Mỹ sợ, buộc Mỹ làm theo ý mình. Bác cười đôn hậu làm sao!

- Ta có chính nghĩa, ta có sức mạnh. Thằng địch, dù Pháp hay Mỹ cũng phải sợ ta khi ta dám xông lên xáp mặt chúng. Cháu kể chuyện, Bác và các chú Trường Chinh, Phạm Văn Đồng nghe hay lắm. Cháu hãy đi báo cáo cho tất cả các đồng chí ở Trung ương, cho cán bộ và đồng bào miền Bắc nghe Hòa Vang và Đà Nẵng đánh Mỹ và đánh thắng như thế nào.

Bác ngừng một lát, nhẹ nhàng đặt bàn tay lên vai tôi ân cần thân thiết:

- Cho Bác gửi lời về thăm Huyện ủy Hòa Vang, Tỉnh ủy Quảng Nam và các đồng chí, đồng bào trong đó. Tỉnh ủy lãnh đạo như vậy là tốt. Huyện ủy và Đảng bộ Hòa Vang chiến đấu như vậy là kiên cường và sáng tạo. Đưa tay chỉ vào tấm bản đồ tỉnh nhà, Bác dạy: “Phải làm cho Hòa Vang trở thành một chấm son trên bản đồ của đất nước”.

Ngày vui sướng nhất trong đời cách mạng của tôi đã kết thúc trong âm vang lời khen ngợi của Bác. Tôi cũng không quên được những lời chỉ bảo, phê bình đầy tình thương yêu của Bác về những thiếu sót của Đảng bộ Hòa Vang lúc bấy giờ: Lãnh đạo chưa thật sâu sát, mọi mặt công tác chưa đồng bộ, phát động quần chúng chưa đều, chưa cảnh giác đầy đủ với những thủ đoạn gián điệp của địch, có lúc còn sơ hở dễ bị tổn thất nặng nề. Là người con của Đảng bộ Hòa Vang, tôi thấy xót xa, ân hận vì còn phạm nhiều khuyết điểm, chưa lập được nhiều thành tích để làm cho Bác và Trung ương có niềm vui lớn hơn, trọn vẹn hơn.

Ngay sau đó, tôi viết thư về Hòa Vang, về Đà Nẵng kể lại đầy đủ những ngày được trực tiếp báo cáo với Bác và Bộ Chính trị về Hòa Vang, và nhất là truyền đạt đầy đủ những lời khen ngợi, dạy bảo ân tình của Bác. Vinh dự lớn lao này đã được Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang chuyển đến tận đồng bào, chiến sĩ trong huyện, trong khi cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt với sự tăng quân ồ ạt của Mỹ để nống ra chiếm cứ nhiều nơi ngay trên vành đai diệt Mỹ. Một phong trào diệt Mỹ, diệt ngụy được phát động theo lời dạy của Bác: “Không sợ Mỹ đông, quyết chiến thì nhất định thắng Mỹ, dù chúng có vào đông đến bao nhiêu… Mỹ đến nhà, trẻ già cũng đánh”. Lời của Bác biến thành sức mạnh để Hòa Vang vững vàng trên vành đai diệt Mỹ, vượt lên trên ác liệt để cùng cả tỉnh, cả nước đánh thắng quân xâm lược tàn bạo nhất, để làm cho Hòa Vang trở thành chấm son trên bản đồ Quảng Nam, trên bản đồ Việt Nam.

MAI NGỌC CHÂU
kể TẠ XUÂN LINH ghi
(Bài rút từ tập sách “Mãi mãi là dân Cụ Hồ” của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng xuất bản năm 2009)

;
.
.
.
.
.