(Tiếp theo kỳ trước)
Một sáng đầu tháng 9-1969 ngay đầu bản tin bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng, Đài Tiếng nói Việt Nam đã truyền đi thông báo về tình trạng sức khỏe của Bác Hồ, giọng người đọc rất xúc động. Chúng tôi nói với nhau: “Thế là đã có chuyện” và quyết định đưa cơ quan về ở bên Văn phòng Thường vụ Đặc khu ủy để tiện lo công việc.
Ăn cơm sáng xong, khẩn trương thu xếp hành trang, ngoài đồ dùng cá nhân rất gọn nhẹ, một ít gạo và thực phẩm, vài chiếc xoong nồi; cùng với phương tiện làm việc của chúng tôi là máy đánh chữ, một bộ đồ nghề in rônêô quét và chiếc radio tốt, một máy thu phát vô tuyến. Đúng lúc này ở phía Mương Đôi máy bay OV10 quần lượn bắn rốc-két rồi mấy chiếc trực thăng xuất hiện. Anh em bảo vệ leo lên một cây cao quan sát báo cho biết biệt kích đã đổ ở Mương Đôi. Thế là đường đi tới văn phòng Thường vụ bị chặn rồi.
Chúng tôi quyết định vẫn khởi hành ngay và nhắm hướng núi phát đường mà đi.
Vùng rừng núi ở giữa thung lũng Quế Sơn và dải đồng bằng ven sông Thu Bồn của Duy Xuyên, nhìn từ xa tưởng là chỉ có rừng cây nhỏ và đồi trọc nhưng nhiều chỗ cây cũng khá lớn, đặc biệt là nhiều đám dây leo chằng chịt rậm rạp, vừa chặt phát vừa đi rất khó khăn. Không mặc quần dài, áo có tay thì mình mẩy bị xây xước, mặc thì đi một hồi quần áo rách tươm. Chúng tôi ai cũng lỉnh kỉnh đồ đạc trên lưng, luồn rúc trong rừng luôn luôn bị vướng. Lầm lũi đi, không ai dám nói to, chúng tôi chỉ sợ bất ngờ đụng phải địch. Phải mất hơn 4 giờ chúng tôi mới đến cơ quan Thường vụ.
Tôi báo cáo với anh Phước: “Chưa có lệnh của anh nhưng nghe đài biết là có việc chúng tôi đi ngay. Biệt kích chốt ở Mương Đôi phải chặt phát mở đường rúc rừng mà đi nên đến hơi muộn”. Anh Phước động viên: “Tưởng là có biệt kích chốt ở giữa đường, các ông không đến được đây, mà văn phòng cũng không liên lạc được với các ông. Đến như thế này là rất tốt, thôi thu xếp chỗ nghỉ và ăn uống rồi chúng ta bàn công việc”.
Những năm học Đại học Sư phạm Văn và sau đó dạy văn, trong chương trình có văn thơ Hồ Chủ tịch nên tôi thuộc và nhớ đến từng chi tiết, thân thế và sự nghiệp của Người. Trong thời gian ở Hà Nội, tôi có đọc một số tác phẩm của Stalin, bài viết để lại cho tôi nhiều ấn tượng là lời điếu ông đọc trong lễ tang V.I.Lênin, tôi nhớ là trong đó ông đã nhiều lần nhắc lại “Vĩnh biệt Người chúng ta xin thề...”
Nhờ vốn kiến thức đã tích lũy đó và có lẽ sâu xa hơn nhờ cảm thức sâu nặng đối với Bác, nhờ sự phù hộ của Bác tôi có đủ chất liệu, ý tứ để viết lời điếu và lời kêu gọi dù đêm đó ở một hốc núi, tôi không có trong tay một chút tài liệu nào. Thức gần trọn đêm, lúc lúc lại thấy nhói trong tim một nỗi đau khôn tả, bởi không thể nào tưởng tượng nổi trong cuộc chiến đấu này của chúng tôi, của cả dân tộc lại có lúc không có, không còn Bác Hồ.
Sáng sớm, tôi đến chỗ làm việc của anh Phước, đọc cho anh nghe bài viết. Anh có vẻ hài lòng và chỉ yêu cầu sửa đôi ba chi tiết, thế là chúng tôi lo ngay việc đánh máy, in và tán phát.
Lời điếu ấy đã được anh Phước đọc trong buổi lễ truy điệu tổ chức ở cơ quan Thường vụ Đặc khu ủy (phía trước). Biệt kích đã rút, các đồng chí ở cơ quan xung quanh có mặt đông đủ. Bàn thờ có đặt ảnh Bác viền dải vải đen, có ánh đèn cầy, mùi hương trầm ngào ngạt, có vòng hoa kết bằng các loại hoa rừng. Rất nhiều tiếng khóc, tiếng nấc nghẹn ngào.
Kế hoạch phát động quần chúng biến đau thương thành hành động, quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào mà chúng tôi trình Thường vụ, tôi nhớ là khá toàn diện, cụ thể. Song ở nhiều nơi khi kế hoạch ấy chưa kịp đến, đồng bào đã có muôn ngàn cách làm sáng tạo mà chúng tôi không thể nào hình dung được.
Mấy hôm sau, ở gần Vĩnh Điện, khi được tin Bác mất, các mẹ, các chị khi đi chợ ai cũng mua hương đèn. Mấy tên lính chắc đã rõ lý do nhưng vẫn cứ hỏi: “Mị thật, sao bà nào bữa nay cũng mua hương đèn”. Có mẹ đã nói: “Mấy chú biết cả rồi, đâu chỉ có ở đây, khắp nước này, mấy hôm nay ai cũng mua như chúng tôi”. Có tên còn nói nhỏ với các mẹ “Bà có lập bàn thờ Cụ vái dùm cho tôi ba vái, xin Cụ thương cho tôi”.
Những ngày để tang Bác, bà con ở quanh Đức Dục bảo nhau đội nón trắng quai đen đi ngang qua đồn, vào chợ. Thấy vậy, có tên lính nói: “Mấy bà này to gan thiệt, làm vậy mấy bà không sợ mang tội theo Việt Cộng à”. Có mẹ đã trả lời: “Mắc chi tôi sợ, Cụ là thánh, là Phật, cả thế giới ai cũng thờ Cụ”.
(Còn nữa)
NGUYỄN ĐÌNH AN
.
.
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Thề mãi mãi là dân Cụ Hồ
Thứ Ba, 11/05/2010, 09:17 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.