.
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Thề mãi mãi là dân Cụ Hồ

(Tiếp theo và hết)

Sau ngày Bác mất, cuối năm 1969, chiến trường Quảng Đà ngày càng khó khăn, Mỹ đã từng bước rút quân nhưng tăng cường hoạt động phi pháo, tăng rải thảm bom B52 ở cả vùng ven sông Thu Bồn, bắn pháo 410 ly từ hạm đội vào Điện Bàn, Duy Xuyên. Vấn đề gay gắt nhất là Mỹ - Thiệu quyết liệt dồn xúc dân vào vùng chúng kiểm soát, mà mất dân là cách mạng gặp khó khăn.


Đặc khu ủy Quảng Đà đã có nhiều chủ trương, biện pháp để giành dân như cấy lại dân ở vùng giải phóng trắng dân, trải dân từ khu dồn, ấp chiến lược ra vùng gần sát đó tạo khu đệm tranh chấp. Song mọi việc không dễ dàng. Lúc ấy một hướng chính là làm thế nào để dân dù sống trong khu dồn, ấp chiến lược mà ta vẫn nắm được. Qua tổ chức lễ tang Bác, anh em cán bộ tuyên huấn chúng tôi thấy có thể dựa vào tình cảm sâu nặng của nhân dân đối với Bác để phát động dân giành lại dân. Chúng tôi bàn nhau soạn ra một bản đăng ký: Thề mãi mãi là dân Cụ Hồ. Nội dung có hai phần, phần đầu nói lên ơn nghĩa trời biển với dân, nỗi đau thương của dân khi Bác mất; phần hai là ba lời thề của gia đình trước anh linh Người.

Toàn văn bản đăng ký như sau:

ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC
Biến đau thương thành hành động
Quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược
Bác Hồ mất đi, gia đình chúng tôi thương tiếc vô hạn. Càng thương tiếc Bác bao nhiêu, chúng tôi càng ân hận bấy nhiêu vì miền Nam chưa được giải phóng hoàn toàn để rước Bác vào thăm, để gia đình chúng tôi được đón Bác.

Bác Hồ là Người thầy cách mạng thiên tài kính yêu của dân tộc. Người là Cha, là Bác, là Anh của mọi người Việt Nam, của gia đình chúng tôi.
Nhờ sự chỉ bảo của Bác mà gia đình chúng tôi biết đứng lên làm cách mạng cứu nước, cứu nhà, giành lại quyền sống, quyền làm người. Gia đình chúng tôi rất tự hào là đã được góp phần đánh thắng giặc Pháp và đang thắng giặc Mỹ là hai đế quốc to nhất.

Công lao trời bể của Bác gia đình chúng tôi nguyện biết ơn mãi mãi.

Trước anh linh Người, gia đình chúng tôi xin hứa và quyết làm tròn những việc sau đây, góp phần cùng đồng bào sớm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện hoài bão lớn lao nhất của Người:

1- “Một tấc không đi, một ly không rời” vùng giải phóng. Thực hiện câu “Lá lành đùm lá rách”, “Tối lửa tắt đèn có nhau” cùng bà con làng xóm, sống chết cũng trọn nghĩa trọn tình với tổ tiên mồ mả ông bà. Dù gươm kề cổ, súng kề tai vẫn son sắt một lòng với cách mạng như bông sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
- Từng người trong gia đình thi đua với mọi người đấu tranh hăng, sản xuất giỏi, đóng góp tốt.

2- Ra sức vận động bà con, đồng bào trong các vùng địch còn kiểm soát “tháo cũi sổ lồng”, trở về quê quán làm cho vùng giải phóng được mở rộng thêm người, thêm của.
Đem ánh sáng cách mạng vào tận hàng ngũ địch để giác ngộ họ cải tà quy chánh.

3- Giữ tâm hồn hơn gìn vàng giữ ngọc. Không nghe, không ngó mọi thứ luận điệu tuyên truyền bịp bợm của địch.
- Ngăn ngừa, giáo dục những người có tư tưởng không đúng, khi gặp khó khăn thì chao đảo ngửa nghiêng, phát hiện kịp thời những kẻ rắp tâm phản dân, hại nước.
Gia đình chúng tôi xin đăng ký từng người và lấy những lời hứa này làm tiêu chuẩn xây dựng gia đình xứng đáng với danh hiệu là dân đất “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”, thề “Mãi mãi là dân Cụ Hồ”.
Toàn gia đình chúng tôi ký tên.

Bản đăng ký được in khổ nhỏ, bốn trang ruột, trang cuối chỉ có một dòng chữ ở hàng đầu tiên: “Toàn gia đình chúng tôi ký tên” còn lại để từng thành viên trong gia đình ký tên. Trang bìa có hàng chữ lớn in màu đỏ “Thề mãi mãi là dân Cụ Hồ” và lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tôi nhớ là lúc đó đã phát hành cả ngàn bản đăng ký. Thật tình chúng tôi cũng không biết đi vào quần chúng nó có tác động cụ thể như thế nào. Chỉ biết nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương, nhiều cán bộ cơ sở sau này khi gặp chúng tôi đều cho đó là một sáng kiến hợp lòng dân. Các đồng chí cho biết nhiều gia đình trong vùng địch lập bàn thờ Bác, thắp hương đèn một cách trang nghiêm, đọc bản đăng ký rồi mỗi người ký tên rất xúc động, có gia đình ký rồi không dám giữ vì sợ địch phát hiện đã khấn xin Bác cho đốt và nói rằng trong lòng họ lời thề vẫn còn mãi.

Sau ngày giải phóng có một số gia đình vẫn còn giữ bản đăng ký lịch sử ấy, anh em cán bộ bảo tàng sưu tầm được và đưa về lưu giữ.

Một lần vào năm 1985, anh Phước nói với tôi: “Sao hồi đó các ông có những sáng kiến hay như thế”.
Tôi suy nghĩ mãi và tự trả lời. Phải chăng trong những ngày gian lao ác liệt ấy, trái tim chúng tôi luôn đập một nhịp với trái tim nhân dân, suy nghĩ của chúng tôi luôn chung một mạch với suy nghĩ của nhân dân, ngày đêm chúng tôi nung nấu quyết tâm để mỗi việc làm, mỗi lời nói của mình đều hợp lòng dân, đều vì dân, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

“Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân” (*).
Lúc ấy, tuy chúng tôi không được học lời dạy này của Bác, song có lẽ chúng tôi đã nghĩ và làm theo lời dạy đó.

NGUYỄN ĐÌNH AN

(*) Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa II Trường Đại học Nhân dân Việt Nam. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 276.

;
.
.
.
.
.