.
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Từ căn cứ Ô Rây nhớ Bác Hồ

Nói đến phong trào đấu tranh cách mạng huyện Hòa Vang là nói đến căn cứ Ô Rây - nơi Huyện ủy Hòa Vang và các lực lượng khác đứng chân hoạt động trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, nơi chúng tôi hướng về miền Bắc, về Bác Hồ và làm lễ truy điệu Người vào năm 1969 với niềm thương tiếc khôn nguôi…

Năm 1964, khi vừa tròn 18 tuổi, đang là đội viên du kích ở Hòa Hải, tôi được cấp trên điều về làm Tiểu đội trưởng một tiểu đội thuộc Đại đội độc lập bộ đội Hòa Vang. Đơn vị chúng tôi đóng ở căn cứ làng Ô Rây, một vùng núi giáp ranh giữa huyện Hòa Vang và huyện Đại Lộc, Quảng Nam bây giờ. Nhiệm vụ của đơn vị được giao là phá kềm, diệt ác, xây dựng phong trào cách mạng, mở rộng vùng giải phóng.

Cùng với công tác xây dựng lực lượng, đơn vị ngày một lớn mạnh, tôi được đề bạt làm Trung đội phó phụ trách chính trị, đến năm 1967, là Chính trị viên phó của Đại đội. Những năm này, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường miền Nam nói chung và Quảng Nam-Đà Nẵng đã bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Mỹ-ngụy liên tục mở các cuộc càn quét, nhằm triệt phá các cơ sở cách mạng, các khu căn cứ của ta. Đầu năm 1967, Mỹ chủ trương thay đổi toàn vũ khí quân dụng, trang bị cho quân Mỹ và quân ngụy Sài Gòn, toàn bộ các loại súng quân dụng như Ga-răng M12, Các-bin... lúc đó được thay thế bằng loại súng tiểu liên cực nhanh AR15.

Trước tình hình đó, Đặc khu ủy Quảng Đà chỉ thị cho Huyện ủy Hòa Vang chỉ đạo Đại đội độc lập Hòa Vang phải tổ chức đánh một trận lớn vào quân Mỹ để thu bằng được một lượng vũ khí nhằm phục vụ cho công tác chiến đấu và nghiên cứu của ta. Kế hoạch cho trận đánh được chuẩn bị khá kỹ lưỡng và thời cơ hành động cũng đã đến. Vào lúc 8 giờ sáng một ngày tháng 7-1967, trinh sát Đại đội chúng tôi phát hiện một trung đội lính Mỹ đi tuần bảo vệ đồn Dương Mẹo, Hòa Phú nằm sát quận lỵ Hiếu Đức (nay thuộc huyện Hòa Vang). Ban chỉ huy Đại đội độc lập quyết định phục kích tiêu diệt trung đội lính Mỹ này. Chúng tôi nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu và bất thần tấn công quân Mỹ. Kết quả trận đó, chúng tôi tiêu diệt 28 tên lính Mỹ, thu 16 súng AR15, một máy bộ đàm, 1 súng Ba-dô-ka và một số quân trang, quân dụng khác. Thắng lợi của trận đánh đã khẳng định quyết tâm đánh Mỹ của quân dân ta, đánh thắng Mỹ ngay trong trận đầu khi chúng vừa thay đổi vũ khí, đánh thắng Mỹ lúc nào cũng được và rút được nhiều kinh nghiệm trong đánh Mỹ. Chiến thắng ấy đã làm quân dân Hòa Vang vô cùng phấn khởi...

Liên tục thời gian sau đó, Đại đội độc lập chúng tôi tổ chức đánh thắng Mỹ nhiều trận giòn giã làm nức lòng nhân dân trong vùng. Tháng 9-1967, đồng chí Trần Tiến Dũng chỉ huy một trung đội đã phục kích chặn đánh diệt một xe tăng và 17 tên lính Mỹ. Chỉ mấy ngày sau đó, một trung đội do đồng chí Mai Xuân Ấn chỉ huy lại phục kích diệt gần hết một trung đội Mỹ ở Túy Loan (nay thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), thu toàn bộ vũ khí. Lực lượng của Đại đội độc lập  ngày càng lớn mạnh, đã tổ chức thành 3 trung đội 180 cán bộ, chiến sĩ và một trung đội cối 60 ly, 82 ly cùng trung liên. Phong trào cách mạng ở Hòa Vang lên cao mạnh mẽ, vùng giải phóng ngày càng mở rộng.

Cuối năm 1967, thực hiện chỉ đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà, Hòa Vang được chia làm 3 khu, đơn vị Đại đội độc lập của chúng tôi cũng được chia là 3 đại đội, tôi được phân công về làm Chính trị viên phó Đại đội Khu II, phụ trách các xã Hòa Hưng, Hòa Bình, Hòa Lương, Hòa Thịnh, Hòa Thọ, Hòa Tiến... Hoạt động của đơn vị chúng tôi lúc này chủ yếu là củng cố, xây dựng lực lượng, học tập chính trị. Đơn vị chỉ có 60 đồng chí, vẫn đóng ở căn cứ Ô Rây, nơi đây có hai làng của đồng bào dân tộc Cơtu (sau giải phóng chuyển về thôn Phú Túc, Hòa Phú, Hòa Vang hiện nay). Đồng bào tại đây rất tin tưởng vào Bác Hồ và rất thương bộ đội, hết lòng giúp đỡ, ủng hộ chúng tôi trong việc tăng gia sản xuất hoặc lên Trường Sơn vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực về căn cứ.

Chỉ thị của Huyện ủy giao cho Đại đội độc lập, phải làm tốt công tác đưa đón các đoàn cán bộ của Khu ủy, Đặc khu Quảng Đà về công tác ở các địa bàn cơ sở giáp ranh thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác diệt ác, tiếp tục xây dựng phong trào cách mạng tại các địa phương, học tập chính trị, chuẩn bị tinh thần cho cuộc tấn  công, nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Sang năm 1968, Đại đội đã có 160 cán bộ, chiến sĩ chia làm 3 trung đội, trong đó có 1 trung đội nữ. Chuẩn bị cho Tết Mậu Thân 1968, Đại đội lại được chia ra làm 3 Đại đội độc lập, tôi được đề bạt làm Chính trị viên trưởng một đại đội.

Nhớ lại trận đánh lịch sử Tết Mậu Thân 1968, đồng chí Hoàng Minh Nghiêm kể: Sáng mồng 1 Tết, đơn vị tôi được lệnh tập kết về Phú Hòa, Hòa Nhơn bây giờ, đại đội được bổ sung thêm một trung đội bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào, nơi đây, địch đang có một trung đội lính Mỹ chiếm đóng chốt giữ. Đồng chí Mai Xuân Ấn chỉ huy một mũi tiến về phía Cầu Đỏ, dự kiến sẽ đánh vào Nhà máy nước, chiếm khu vực Hòa Cầm. Một mũi nữa do đồng chí Phùng Việt Dũng và đồng chí Phong chỉ huy đánh vào quận lỵ Hòa Vang. Theo kế hoạch, 12 giờ trưa, 3 mũi tiến công của đại đội sẽ gặp nhau ở Hòa Cầm để cùng phối hợp với các lực lượng khác của ta đánh chiếm thành phố Đà Nẵng. Ngay sáng mồng 1 Tết, mũi tiến quân của tôi, bằng hỏa lực mạnh gồm đại liên, trung liên, B40, B41 đã tiêu diệt hoàn toàn trung đội Mỹ chiếm đóng Phú Hòa. Nhưng đến 12 giờ trưa có lệnh ngừng đánh, mãi mấy ngày sau khi rút về căn cứ Ô Rây, tôi mới biết các mũi tấn công của các đồng chí Ấn, Dũng, Phong đã gặp hỏa lực mạnh của địch bị tổn thất nặng, đơn vị và các đồng chí đều hy sinh ngay khi mới tiến vào đến gần khu vực Hòa Cầm.

Sau Tết Mậu Thân 1968, đơn vị chúng tôi bị tổn thất nặng, được lệnh rút về căn cứ Ô Rây để củng cố lực lượng. Đây có lẽ là những năm tháng khốc liệt nhất của những năm kháng chiến đánh Mỹ, cứu nước. Bị tấn công bất ngờ trong Tết Mậu Thân, định quay sang “trả đũa”, chúng liên tục mở các cuộc càn quét, khủng bố vùng căn cứ cách mạng. Chúng lập hàng rào điện tử Mắcnamara nhằm ngăn chặn sự tấn công của ta chúng dùng mọi thủ đoạn ngăn chặn sự liên hệ giữa nhân dân với vùng căn cứ cách mạng. Nhiệm vụ vô cùng nặng nề mà cũng là trọng trách cấp trên giao cho Đại đội độc lập là phải làm sao gây dựng lại cơ sở cách mạng, phong trào cách mạng ở các địa phương đang bị địch chiếm giữ. Tôi được phân công cùng 2 đồng chí nữa về Túy Loan nằm vùng tìm cách gây dựng cơ sở. Sau hơn hai tháng luồn rừng, ăn bờ, ngủ bụi, chúng tôi đã móc nối, xây dựng được lại hàng loạt các cơ sở tại Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Lương (Hòa Khương ngày nay)... Tổ chức xây dựng lại các đội du kích bí mật ngay trong lòng địch. Có lẽ từ niềm tin ngày mai tất thắng, từ ý chí, nghị lực của “anh bộ đội cụ Hồ”, nhất là hướng về lời kêu gọi của Bác “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã giúp chúng tôi vượt qua được những năm tháng gian nan của những ngày đánh Mỹ gian khổ ấy.
 
Ngồi trò chuyện với tôi, ông Hoàng Minh Nghiêm nghẹn ngào trong nước mắt nhớ lại: “Vào ngày 7-9-1969, khi vừa cùng tổ công tác về lại căn cứ Ô Rây, đêm nghe đài, toàn đơn vị tôi đã òa lên khóc nức nở khi nghe tin Bác Hồ kính yêu đã mất. Đơn vị lúc này vừa được bổ sung 30 đồng chí chiến sĩ mới là người Hải Phòng vừa từ ngoài Bắc vào, nhiều chiến sĩ còn chưa nguôi tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê, nghe tin Bác Hồ mất lại càng buồn hơn. Với cương vị là Chính trị viên trưởng, ngay sáng hôm sau, tôi quyết định cho toàn đơn vị tổ chức lễ truy điệu Bác.

Buổi sáng hôm ấy, toàn đơn vị ai cũng quân phục chỉnh tề, lại có cả bà con dân tộc Cơtu nghe tin cũng kéo đến dự lễ truy điệu Bác. Lễ truy điệu giữa căn cứ đơn sơ, chỉ có ảnh Bác đặt dưới lá cờ đỏ sao vàng, sau phút mặc niệm Bác, tôi thay mặt toàn đơn vị hứa với vong linh của Người là: quyết hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó, thề chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để cho lời di nguyện của Bác rằng “Bắc - Nam một nhà” sẽ trở thành hiện thực. Toàn đơn vị biến đau thương thành hành động, mỗi người làm việc bằng 5 người, quyết lập công trong trận đánh sắp tới để dâng lên Bác kính yêu.

Tháng 11-1969, các cơ sở cách mạng đã huy động được một lực lượng dân công lớn, bí mật vượt qua hàng rào điện tử Mắcnamara lên căn cứ Ô Rây cùng bộ đội vận chuyển một lượng lớn pháo và giàn tên lửa mặt đất H12 về thôn Cẩm Toại, Hòa Phong. Đại đội độc lập chúng tôi đã dùng giàn tên lửa này bắn thẳng vào sân bay Đà Nẵng tiêu diệt nhiều máy bay, kho tàng vũ khí của địch, đây là trận đánh lớn đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng tại Quảng Đà. Tiếp đó, chúng tôi còn mở nhiều trận đánh vào Túy Loan, diệt một cứ điểm của Mỹ. Phối hợp cùng bộ đội chủ lực diệt đồn Bồ Bản, Cẩm Toại... Vùng giải phóng của ta lại  được mở rộng, lực lượng của ta ngày càng lớn mạnh. Năm 1970, tôi được cấp trên rút về làm công tác tham mưu tại vùng căn cứ lõm K20 cho đến ngày giải phóng Quảng Nam-Đà Nẵng tháng 3-1975.

Những năm tháng khốc liệt ở căn cứ Ô Rây, ở chiến trường khu 2 Hòa Vang, ông Hoàng Minh Nghiêm 11 lần bị thương, sau ngày đất nước thống nhất ông là thương binh hạng ¾. Thế nhưng, trong phong trào rà phá bom mìn để giải phóng đất canh tác cho nhân dân trong hai năm 1975-1976, Hoàng Minh Nghiêm trở thành “vua rà phá bom mìn” - một điển hình của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ. Ôn lại cùng tôi những năm tháng hào hùng, ông nói: “Trong kháng chiến chống Mỹ, không riêng gì tôi mà dân Quảng Đà muôn người như một đều tin vào Đảng, tin vào Bác Hồ - một niềm tin mà thiếu nó chúng tôi không thể thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ ngay trên quê hương mình!”.

Hoàng Minh Nghiêm kể Hồng Thanh ghi
(Bài rút từ tập sách “Mãi mãi là dân Cụ Hồ” của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng xuất bản năm 2009)

;
.
.
.
.
.