Chỉ còn ít ngày nữa, rất nhiều nhà lãnh đạo của các nước trên khắp hành tinh này sẽ có mặt ở Mátxcơva, cùng với Chính phủ và nhân dân Nga kỷ niệm 65 năm Ngày chiến thắng phát xít (9-5-1945 – 9-5-2010).
Đội diễu hành xe tăng T-34 sẽ xuất hiện trong lễ kỷ niệm ngày 9-5 tại Matxcơva. Ảnh: Reuters |
Cả thế giới không bao giờ quên – luôn tri ân và tôn vinh – chiến công vĩ đại của đất nước, Hồng quân và nhân dân Liên Xô đã đập tan chủ nghĩa phát xít, cứu cả nhân loại thoát khỏi họa diệt vong.
Trong cuộc đụng đầu khốc liệt chưa từng có này, phát xít Đức đã huy động một lực lượng khổng lồ 240 sư đoàn, 4.000 xe tăng, 5.000 máy bay, 47.000 đại bác tấn công quyết đè bẹp Liên Xô.
Liên Xô không đơn độc trong cuộc đọ sức lịch sử. Một mặt trận dân chủ toàn thế giới, chống phát xít, chống chiến tranh đã hình thành từ giữa những năm 1930. Nhưng nhiều nước tư bản trong đồng minh chống phát xít không giấu ý đồ mượn tay phát xít để làm Liên Xô thất bại, suy sụp. Họ còn tìm cách bán vũ khí cho phát xít để kiếm lời. Họ có những lợi thế như đại văn hào Ilya Ehrenbourg đã viết rất hay: “Người Mỹ cảm tạ Đại Tây Dương và người Anh thấy biển Măng-sơ sao mà trìu mến thế”.
Như chúng ta đã biết, đất nước Xô-viết, Hồng quân và nhân dân Liên Xô đã chiến đấu vô cùng anh dũng, vượt lên những gian khổ, hy sinh cực kỳ to lớn. 27 triệu người đã ngã xuống (bằng 15% dân số Liên Xô lúc ấy), 1.710 thành phố, thị trấn, 70.000 làng mạc, 32.000 xí nghiệp đã bị tàn phá.
Chủ nghĩa phát xít, mà người đứng đầu là Hít-le ngay từ năm 1933 đã nắm chính quyền ở một nước công nghiệp hùng mạnh, với hệ tư tưởng chủ đạo là chủ nghĩa độc tài chống cộng tệ hại và chủ nghĩa phân biệt dân tộc cực đoan. Trong nước, chúng thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ, thực thi chế độ cai trị nhà tù và trại lính vô cùng man rợ. Sau khi trục Berlin, Roma, Tokyo hình thành, chúng phát động cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai nhằm thôn tính toàn cầu, làm bá chủ thế giới.
Chúng đã mở những đợt tấn công đại quy mô, sử dụng một khối lượng khổng lồ vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, san bằng, tàn phá nhiều vùng của Liên Xô và các nước châu Âu. Cùng với các hoạt động quân sự dữ dội nhất, chúng đã tiến hành các chiến dịch khủng bố, bắt bớ tù đày, tra tấn đến chết và thiêu sống hàng vạn người, phần lớn là ông bà già, phụ nữ và trẻ em, trong đó có rất nhiều người Do Thái nạn nhân của chủ nghĩa sô vanh.
Người viết bài này đã được đến thăm Khu tưởng niệm Khatin (nước Cộng hòa Belarút) – nơi ngày 10-4-2010, Tổng thống Ba Lan và phu nhân cùng nhiều quan chức cấp cao đến để dự lễ tưởng niệm 22.000 sĩ quan, chiến sĩ và nhân dân Ba Lan bị phát xít Đức tàn sát, lễ tưởng niệm bất thành vì một thảm nạn máy bay.
Tôi đã lặng người trước những gian trưng bày rộng mênh mông chỉ có một thứ hiện vật là tóc, các mái tóc, các lọn tóc đủ kiểu, nhiều màu từ trắng như cước, vàng như tơ đến các mái tóc non dại của các bé gái 8 – 9 tuổi. Phát xít đã cắt tóc tất cả các mẹ, các chị, các em để sẽ làm việc điều chế một chất gì đó, nhưng không rõ vì sao người ta đã tìm được, cất giữ. Một gian rộng lớn khác trưng bày toàn là giày dép của phụ nữ, đủ kiểu dáng, đủ sắc màu từ những chiếc dép vải khâu tay nhỏ xíu của em bé mới chập chững bước, đến những chiếc ủng da lót lông thú của một thiếu phụ quyền quý. Phát xít đã buộc những người xấu số cởi bỏ giày dép trước khi bị đẩy vào lò thiêu.
Lúc ở Khatin, tôi tự hỏi, trên cõi đời này còn có tội ác nào tàn độc hơn. Và tôi nhớ đến những vụ Sơn Mỹ, La Thọ, Thủy Bồ ở quê mình, ở miền Nam.
Thế giới đã nhiều lần đặt câu hỏi: Tại sao loài người lại nảy nòi ra Hít-le - một tên giết người quái đản, cuồng ngạo. Thật là nguy hiểm và bất hạnh cho nhân loại khi tên phát xít khát máu đó nắm giữ quân đội, chính quyền ở một nước hùng mạnh, trong một bàn cờ quốc tế mà sự giằng xé giữa các thế lực bị chi phối bởi nhiều tham vọng lại mạnh hơn sự đồng thuận, liên kết vì hòa bình.
Bài học lớn nhất mà loài người có được sau chiến thắng phát xít, một chiến thắng được trả bằng giá 50 triệu người chết, 34 triệu người bị thương, và hàng triệu người chết đói, chết vì bệnh tật do hậu quả chiến tranh, thiệt hại vật chất lên đến trên 4.000 tỷ đô-la là phải làm tất cả, phải hành động ngay vì hòa bình, không bao giờ được mất cảnh giác, được lơ là với mọi mưu đồ toan tính chiến tranh.
Trong thế giới ngày nay, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn. Nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố và các tranh chấp về lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên; các mâu thuẫn thời đại vẫn diễn ra phức tạp có lúc gay gắt. Chúng ta nhớ mãi điều người cộng sản Tiệp Fuxich viết khi đã đứng dưới giá treo cổ “Nhân loại hỡi tôi yêu hết thảy, mọi người hãy cảnh giác”.
Chúng ta luôn khắc ghi nhờ Liên Xô chiến thắng phát xít Đức cắm lá cờ búa liềm lên nóc tòa nhà Quốc hội Đức 9-5-1945, ngay sau đó đập tan đội quân Quan Đông, xương sống của quân phiệt Nhật, Đức và Nhật đầu hàng.
Trong thời cơ ngàn năm có một ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước ta đã vùng lên làm cách mạng Tháng Tám lật đổ ách thống trị thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Nhưng các thế lực phản động quốc tế, vì những tham vọng thâm căn cố đế của thực dân đế quốc, nêu chiêu bài ngăn chặn làn sóng đỏ, bảo vệ thế giới tự do đã tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược cực kỳ thâm độc và tàn bạo.
Chúng ta trước sau chỉ vì độc lập tự do của dân tộc, chúng ta không hề xâm hại thế giới tự do, chúng ta cũng không hề xuất khẩu cách mạng, chúng ta đã nêu cao tinh thần hòa bình và đã nhân nhượng hết mực. Nhưng kẻ thù buộc ta ôm cây súng chiến đấu suốt 30 năm, lớp cha trước lớp con sau gánh chịu và vượt lên muôn ngàn gian khổ hy sinh, và đã đi tới toàn thắng.
Vào những ngày kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam (và cả trước đó), có nhiều người Mỹ đi tìm nguyên nhân cuộc đụng đầu Việt-Mỹ, một cuộc chiến tranh cục bộ nhưng quy mô và tính chất ác liệt thì vô cùng khủng khiếp, nhất là với đất nước và con người Việt Nam.
Chúng ta luôn nhớ: Khi Mácnamara nêu cần xác định những cơ hội bị bỏ lỡ và những bài học cần rút ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ: “Với chúng tôi, cuộc chiến tranh chống Mỹ là một sự hy sinh cao cả. Chúng tôi không muốn đánh Mỹ. Nhưng các ngài đã không cho chúng tôi lựa chọn. Đối với chúng tôi không có cơ hội bị bỏ lỡ. Chúng tôi đã làm những gì phải làm để đánh đuổi các ngài. Các ngài đã bỏ lỡ cơ hội và cần rút ra bài học. Còn chúng tôi, chúng tôi không thể làm gì khác trong hoàn cảnh như vậy”.
Bài học lớn nhất loài người rút ra được sau cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai là nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng tối thượng của nhân loại là gìn giữ hòa bình, là hãy làm sao để trên trái đất này không bao giờ có tiếng gầm rít của bom đạn.
Bài học lớn nhất dân tộc ta rút ra được sau cuộc trường chinh cứu nước là chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất quyết không chịu làm nô lệ - Không có gì quý hơn độc lập tự do.
Kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít - kỷ niệm Ngày Việt Nam toàn thắng, hai bài học này làm nên sự thống nhất biện chứng rất đẹp của lịch sử và của ngày mai.
Nguyễn Đình An