Trong khoảng bốn năm trở lại đây, người khuyết tật được xã hội quan tâm hơn đến việc tham gia vào hệ thống giao thông công cộng, họ được tạo điều kiện để tự trang bị phương tiện cá nhân phục vụ việc đi lại của mình. Ðà Nẵng là địa phương thứ ba trong cả nước thực hiện đề án xe buýt trợ giúp người đi xe lăn nhằm giảm bớt nhọc nhằn cho người khuyết tật.
Người đi xe lăn trên tuyến Đà Nẵng - Hội An. |
Theo ông Nghiêm, với lộ trình được lập trên một tuyến duy nhất, từ Bến xe Trung tâm thành phố Ðà Nẵng - đường Ðiện Biên Phủ - Lê Duẩn - Trần Phú - Trưng Nữ Vương - Núi Thành - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến - Trần Ðại Nghĩa và điểm cuối là trước Trại thương binh nặng Hội An, những người khuyết tật ở xa khi cần đi xe buýt, họ phải đi xe lăn một quãng đường rất xa để tới được các trạm có tuyến xe buýt đi qua. Trong khi đó, chỉ có 4 xe buýt lắp đặt hệ thống thanh nâng trợ giúp người đi xe lăn lên, xuống. Vì vậy, để thuận tiện cho người tàn tật dễ tiếp cận dịch vụ này, cần thống kê xem quận, huyện nào có người đi xe lăn nhiều nhất để đưa ra các tuyến, điểm phù hợp, nhằm thu hẹp quãng đường từ nhà người tàn tật đến trạm có tuyến xe buýt đi qua.
Anh Lê Ngọc Thưởng, hội viên Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng cho biết thêm, hiện nay nhiều người khuyết tật vẫn chưa tiếp cận rộng rãi dịch vụ này một phần là do thiếu thông tin. Do đó, chính quyền địa phương các quận, huyện... cần đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo dịch vụ miễn phí đến người tàn tật như cơ quan nào cấp thẻ, đăng ký ở đâu, ngày, giờ xe buýt đi qua các trạm, vì không phải xe buýt nào cũng có gắn hệ thống thanh nâng trợ giúp người đi xe lăn lên và xuống. Đặc biệt, những người ở xa các trạm xe buýt dành cho người tàn tật, họ cần nắm rõ thời gian để chủ động giờ giấc trong việc di chuyển từ nhà đến trạm. Một thực tế nữa là, những người khuyết tật đi lại bằng xe lăn thường ít sử dụng xe buýt, trừ khi phải đi xa vì họ đã có xe lăn. Trong khi đó, những người vận động bằng nạng, khiếm thị, khiếm thính... có nhu cầu đi lại nhiều hơn trong thành phố thì chưa được hỗ trợ rộng rãi. Vì vậy, thành phố cần mở rộng đối tượng hỗ trợ để đề án được thiết thực hơn. Cũng có không ít người tàn tật cho rằng, việc miễn vé tiền đi xe buýt là không cần thiết vì giá tiền dịch vụ này tương đối rẻ, trong khi các doanh nghiệp vận tải là đơn vị kinh doanh thuần túy. Do đó, thay vì miễn phí, thành phố chỉ nên hỗ trợ một phần giá vé để người tàn tật được các doanh nghiệp vận tải đối xử công bằng, nhiệt tình và có trách nhiệm.
Theo báo cáo của UBND thành phố, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 16.287 người tàn tật, chiếm tỷ lệ 2,04% dân số. Trong đó, số người tàn tật vận động chiếm tỷ lệ gần 40%. Do đó, việc triển khai Ðề án thí điểm cải tạo xe buýt phục vụ người tàn tật rất có ý nghĩa trong việc hỗ trợ, chia sẻ với những mất mát của người khuyết tật, giúp họ có thêm điều kiện hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh việc kêu gọi nhiều doanh nghiệp vận tải xe buýt tham gia, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm hơn nữa đến tâm tư, nguyện vọng của người khuyết tật để cùng tháo gỡ khó khăn, nhằm thực hiện đề án có hiệu quả.
Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG