.

Người tạc tượng Bác bên đường Hồ Chí Minh

.

Nếu ai có dịp đi trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đoạn qua xã Kỳ Tân (huyện Tân Kỳ), cách cột mốc số 0 chừng 3km về phía Bắc sẽ trông thấy bức tượng Bác Hồ đặt trên một bệ bê-tông cao tại một khoảng đất trống ven đường. Bức tượng toàn thân, cao khoảng hơn 1m, chất liệu bằng gỗ. Người tạo tác bức tượng ấy là anh Thái Văn Hùng (sinh năm 1965) ở xóm 2, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, một nông dân chưa qua bất cứ một trường lớp đào tạo điêu khắc nào.

 Anh Thái Văn Hùng bên bức tượng Bác Hồ do anh tạo tác.

Học hết cấp 3, anh Thái Văn Hùng mơ ước trở thành thầy giáo nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, ước mơ kia đành gác lại để trở về với ruộng đồng, đồi núi quê hương. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, anh làm thêm nghề chạm khắc, tạo tác bàn ghế và một số vật cảnh từ gốc và rễ cây. Nhà ở ven đường Hồ Chí Minh nên anh Hùng nảy sinh ý tưởng tạc một bức tượng Bác Hồ để người đi đường chiêm ngưỡng và góp phần khơi dậy ấn tượng về con đường mang tên Bác.
 
Để thực hiện ý tưởng, anh bỏ công sức gần một tháng để chăm chút từng đường nét, dồn toàn bộ tâm huyết và sự khéo léo của đôi bàn tay để bức tượng có “thần”. Anh cho biết, bức tượng anh tạc dựa vào hình tượng Bác Hồ trong một bài hát dành cho thiếu nhi: “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh, râu hơi dài...”. Có lẽ vì thế mà hình tượng Bác do anh chạm khắc được nhiều người đánh giá là tự nhiên, sinh động và vui tươi, biểu hiện được niềm vui của Bác khi gặp các cháu thiếu nhi. Qua đó thể hiện tình thương bao la và niềm hi vọng về thế hệ măng non của đất nước.
 
Khi chúng tôi hỏi: “Tại sao Bác lại đứng trên con rùa, tiếp đến là đài sen?”, anh Hùng nói: “Rùa (quy) là một trong bốn con vật linh thiêng trong quan niệm của người xưa (tứ linh), tượng trưng cho bề dày lịch sử và văn hiến của nước nhà. Đài sen biểu trưng cho làng Sen, quê hương Bác. Qua đây tôi muốn nêu bật ý tưởng: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới được chung đúc từ khí thiêng sông núi, từ nền văn hiến hàng nghìn năm và được truyền thống quê hương nâng bước”. Một vài vị khách qua đường ngỏ ý muốn mua bức tượng nhưng anh Hùng cho biết sẽ không bao giờ bán, vì có lẽ anh sẽ không tạo được bức tượng thứ hai với đường nét, dáng vẻ và thần thái của Bác như bức tượng hiện thời.

Cách đây ít lâu, nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương, anh Hùng cũng tạo một bức tượng hình chữ “S” và trang trí trên đó những hình ảnh biểu tượng của đất nước, con người Việt Nam. Lúc đó anh chưa đặt tên cho tác phẩm, chúng tôi góp ý với anh nên đặt tên là “Dáng hình Đất nước”, anh vui vẻ đồng ý với gợi ý này. Trên “Dáng hình Đất nước” có bóng hình cây tre tượng trưng cho tinh thần đoàn kết và bất diệt; đóa sen tượng trưng cho đức tính thanh cao, ngôi sao năm cánh tượng trưng cho đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến; nhà rông biểu tượng của văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên; có ngôi tháp Chàm, niềm tự hào của nền văn hóa Chăm. Có hình ảnh các Vua Hùng, hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa diệt thù và hình ảnh đàn chim Lạc tượng trưng cho truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta.

CÔNG KIÊN

;
.
.
.
.
.