.

Nhớ Bác, nghĩ về người anh hùng và cuộc sống hôm nay

(Tiếp theo và hết)
Tôi xin kể thêm một câu chuyện chị Vũ Thị Thúy Mùi, quê Thái Bình. Mùi tốt nghiệp y sĩ đúng lúc Mậu Thân, tiếng gọi tiền tuyến lay động mọi người, không chịu đi Thanh niên xung phong, cũng không chịu đi B ngắn, cô quyết đi B dài, đích thực và đã ăn gian 2kg để đủ cân lên đường. Cô được phân công về vùng Đông Thăng Bình, về Bình Dương phụ trách một tổ phẫu thuật. Bình Dương là xã ác liệt nhất của Quảng Nam - chiến trường ác liệt bậc nhất.

 
Trong chiến tranh, xã 6.000 dân đã có 4.700 người ngã xuống. Quân đội Sài Gòn, Đại Hàn, Hoa Kỳ chà đi xát lại vùng này, cả một dải rừng dương xanh nghít ven biển tan nát, xác xơ, chỉ còn một cây dương, bà con Bình Dương gọi là cây dương một, cây dương thần, nó như là biểu tượng sức mạnh bất khuất, vô địch của Bình Dương. Và kỳ lạ thay, trên cây dương huyền thoại, nhỏ nhoi như một chấm xanh đậu trên cát trắng còn có một tổ chim sáo.

Mùi về Bình Dương đúng lúc dữ dội nhất, và cô gái nhỏ bé của quê hương 5 tấn ấy mau chóng hòa nhập vào dòng thác Bình Dương. Cô không chỉ là tổ trưởng phẫu thuật mà còn là nữ du kích, là cán bộ cơ sở, là một người dân, người con gái Bình Dương thứ thiệt.

Cô chịu đủ thứ trận ở Bình Dương, lọt vào ổ phục kích, đi vào giữa bãi mìn, bị vây bủa bốn phía trong nhiều trận càn, phải nằm im trong đám dừa nước ngấm cái lạnh sông Trường Giang cả đêm. Và cô còn thủ vai một cô gái câm để có thể hợp pháp lợi hại trong đấu tranh mặt giáp mặt với địch, bởi cô nói sẽ lộ ngay cô là Bắc Việt xâm nhập.

Trong những ngày tột cùng ác liệt, căng thẳng ở Bình Dương, cô thấy mình vững tâm, yên lòng hơn bao giờ hết, bởi quanh cô là tất cả bà con Bình Dương yêu thương cô, dõi theo mỗi bước đi của cô, sẵn sàng đem mạng sống của mình che chở cô, giúp cô hoàn thành nhiệm vụ, và đã bao lần cận kề với cái chết cô đã nghĩ, dẫu phải hy sinh cho mảnh đất xa xôi mà kỳ lạ này, cô vẫn sẵn sàng.

Chuyện cô y sĩ Mùi là một trong ngàn lẻ một chuyện ở Bình Dương thời chống Mỹ được nhà văn Nguyên Ngọc kể lại trong những trang bút ký chân thực và cảm động đến với bạn đọc năm 2002. Mấy năm sau đó, cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết trong những ngày chống Mỹ ác liệt ở Đức Phổ được công bố. Dù chẳng muốn, tôi vẫn phải làm cái việc so sánh khập khiễng này.

Công tích và sự dâng hiến của chị Mùi và chị Trâm chắc là chẳng ai kém ai.

Chị Trâm đã hy sinh năm 1970, nhiều năm nay không có mặt trên cuộc đời này, chị ở đâu đó một nơi rất cao, rất xa. Nhưng chị cùng với cuốn nhật ký đã đi khắp trái đất và gần gũi với chúng ta biết chừng nào.

Chị Mùi giờ đã nghỉ hưu, là một bác sĩ ở quê nhà.

Có người nói “May mà có ông Nguyên Ngọc với tấm lòng yêu quý Bình Dương và tài năng của mình đã về tận Thái Dinh-Thái Thụy nghe chị kể, viết về chị, người ta mới ít nhiều nhớ đến, biết đến chị”.

Lại có người nói: “Thì cũng có khác gì đâu, chị Mùi vẫn hòa tan trong cái biển Nhân dân ta rất anh hùng”.

Đã không ít người nói “Ở Bình Dương (và cũng có thể là ở nhiều làng quê trên đất nước này), ai ngã xuống trong chiến tranh chống Mỹ cũng xứng đáng được tuyên dương anh hùng. Nhưng chẳng lẽ 4.700 người ở Bình Dương đều là anh hùng”.

Chị Mùi cũng vậy, anh hùng thì thiệt là anh hùng rồi nhưng làm gì bây giờ. Không thể tạc một bức tượng chị đặt ở trạm xá Bình Dương như tượng chị Trâm ở bệnh viện mang tên chị trên bãi biển Sa Huỳnh.

Vận mệnh dân tộc ta, số phận mỗi người chúng ta - như Bác Hồ đã nói - đứng trước thử thách rất lớn; lại tỏ rõ khí phách, nêu cao phẩm chất tốt đẹp. Khí phách đó, phẩm chất đó không chỉ cao lớn, lẫm liệt trước kẻ thù mà còn đầy ắp đạo nghĩa thấm đẫm nhân tình với đồng đội, đồng bào trong cuộc sống muôn mặt đời thường.

Gần đây, dù cố thuyết phục mình những chuyện tiêu cực, nhức nhối chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, tôi vẫn cảm thấy không yên tâm với lý lẽ đó và cứ luôn chập chờn trong mình nỗi lo lắng về chuyện lành ít dữ nhiều, ở đâu đó cũng tiềm ẩn những bất trắc, bất ổn.

Nhớ lại những năm tháng chống Mỹ chưa xa ai cũng bảo sao lúc ấy thiếu đói thế mà lại sống đẹp, thanh thản; sao lúc ấy gian khổ thế mà lại vui vẻ yêu đời; sao lúc đó cái chết luôn rình rập, có thể đến với mình bất cứ lúc nào mà sao ai cũng tin tưởng, phấn chấn.

Nghe anh em bàn bạc tiếc nuối những ngày ở rừng núi, có lần đồng chí Hồ Nghinh nói vui “Thế mấy ông tính lại kéo nhau lên Hòn Tàu mà sống à”.

Làm sao có thể quay ngược bánh xe lịch sử.

Tôi nghiệm ra rằng lúc ấy chẳng ai răn dạy chúng tôi phải sống đẹp, nhưng chính cái lý tưởng, cái lẽ sống cứu nước đã xuyên suốt tất cả khiến chúng ta phải sống như vậy, không thể khác được.

Bây giờ dường như cái lý tưởng, cái lẽ sống ấy không sáng tỏ, không mạnh mẽ như ngày ấy. Hay là cái phần sáng đẹp, mạnh mẽ ấy nó có vẻ là sách vở, rời xa tách khỏi cuộc sống đời thường hiện thực và trần thế.

Nó trở nên thiếu sức sống, sức hấp dẫn, còn cái mà chúng ta khuyến khích “làm giàu cho mình và cho đất nước” thì chẳng cần bày bảo nó đi liền với tệ sùng bái, nô lệ đồng tiền, chạy theo đồng tiền với bất kỳ giá nào để có cuộc sống vật chất bằng và hơn người, thì như “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”.

Tôi đã ở nhà những bà mẹ nghèo buổi chiều còn đi mượn gạo hàng xóm nhưng mới gà gáy đã thức dậy đếm số võng của chúng tôi và số dép ở cửa hầm nấu cơm cho chúng tôi kịp ăn thiệt sớm còn để chống càn. Với những bà mẹ ấy chúng ta tin là căn hầm bí mật mà bà chỉ cho chúng ta, ngụy trang cho chúng ta là an toàn tuyệt đối, mẹ có thể gục ngã ngay cửa hầm chứ địch không khi nào lấy được một chỉ dẫn của mẹ về nơi chúng ta ẩn nấp. Sống xa cách mẹ đẻ, trong vòng tay ấm áp của những bà mẹ ấy ai chẳng thấy cuộc đời này thật đáng yêu, đáng sống, ai chẳng tự nhủ đừng làm gì sai quấy, đừng làm các mẹ phiền lòng phật ý.

Tôi không đòi hỏi và cũng không mong muốn các bạn trẻ hôm nay có trải nghiệm như tôi (mà có đòi, có mong cũng chẳng được), nhưng tôi có quyền yêu cầu các bạn có lẽ sống, có lý tưởng cao đẹp, có tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc như chị Lý, chị Trâm, chị Mùi, như vô số bà mẹ Việt Nam chúng ta đã gặp trên mọi nẻo đường đất nước.

Và  nó không chỉ cao đẹp, rực sáng khi đối diện với những vấn đề, những thử thách lớn của dân tộc mà nó rất sáng đẹp trong cuộc sống muôn màu, muôn vẻ đời thường.

Tôi có thể hy vọng như thế không?

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.