.

Nơi nuôi dưỡng những phận đời nghiệt ngã

.

Tiếp chúng tôi tại khu nhà làm việc của cán bộ Trung tâm, ông Nguyễn Đức Liên, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng nói như phân trần: “Chắc chẳng có nơi đâu phức tạp như nơi này. Có người già đến tám, chín mươi tuổi, có trẻ nhỏ vừa mới chào đời. Rất nhiều số phận, rất nhiều mảnh đời bi kịch, bệnh tật, lang thang quy tụ về đây để sống. Và cũng chính từ nơi này, họ đã từng ngày lấy lại niềm tin, tìm lại chính cuộc đời của mình”...       

Bếp ăn tập thể của Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Dẫn chúng tôi đến thăm khu ở và sinh hoạt của những người đang được Trung tâm nuôi dưỡng, ông Liên tâm sự: “Bây giờ thấy ai cũng tươi tỉnh vậy đó chứ hồi mới “gom” về nhìn họ vật vạ, uể oải lắm. Việc “thu gom” các đối tượng ăn xin về nuôi dưỡng lúc đầu gặp vô vàn khó khăn. Người ăn xin có đủ mọi đối tượng, phần lớn đều bị bệnh tật nên việc chăm sóc sức khỏe rất gian nan…”. Ngày đó, khi thành phố thực hiện chương trình “5 không” (trong đó có mục tiêu không có người lang thang ăn xin), hằng ngày ông Liên cùng anh em trung tâm đến tận những hang cùng ngõ hẻm vận động đưa họ về nuôi dưỡng. “Ban ngày, người ăn xin tỏa đi khắp nơi để kiếm sống.

Ban đêm, họ mới về đặt lưng trên những góc chợ để ngủ. Cứ sáng mở mắt ra là họ lại đi, tối khuya mới về nên công việc “gom” không dễ dàng. Có lúc người của trung tâm còn bị những người này tấn công lại” - ông Liên kể. Đưa họ về, cán bộ trung tâm phải lo lắng cho họ từng miếng ăn, tấm áo, tắm rửa, chăm sóc vì nhiều người trong số này bị thiểu năng hoặc mắc bệnh tâm thần. Sau khi đã “gom” được họ, trung tâm bắt đầu lên kế hoạch tìm kiếm quê quán để trả về địa phương. Đa số những người này không có bất cứ giấy tờ tùy thân, hoặc cố tình không chịu khai báo tên tuổi, quê quán. “Có nhiều đối tượng sau khi liên lạc được với địa phương, chúng tôi đã thuê xe đưa về tận nhà ở các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế… Tuy nhiên, sau khi chúng tôi quay trở lại Đà Nẵng được mấy ngày thì đã bắt gặp họ đi ăn xin trên đường. Họ kiên trì đi ăn xin thì chúng tôi kiên trì “thu gom”. Sau năm lần bảy lượt đưa đi, đưa về như vậy, họ mới chịu bỏ ăn xin” - ông Liên nói.

Nhiều trẻ sơ sinh cũng được Trung tâm nuôi dưỡng. 

Sau gần 20 năm thành lập, có nhiều đối tượng khiến trung tâm đau đầu, gần như rơi vào bế tắc trong việc giúp họ hồi hương. Theo ông Liên, việc đưa số cái bang này về hòa nhập với cộng đồng địa phương trước đây họ sống không dễ dàng. Có trường hợp năm lần bảy lượt đưa về địa phương, buộc cam kết đàng hoàng nhưng chỉ sau mấy ngày đã xuống phố tiếp tục cuộc sống lang thang. Ông Liên nhớ rõ tên tuổi, quê quán của hàng trăm người dạng như thế. Điển hình như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hà, quê ở xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) đã gần 15 lần bị đưa vào trung tâm nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Bà Hà có bốn đứa con, đổ về thành phố cùng chồng ăn xin từ năm 1996, sau khi bị phát hiện, cả hai vợ chồng được đưa về nuôi dưỡng. “Thấy hoàn cảnh của gia đình bà Hà quá tội nghiệp, chúng tôi đã đi năn nỉ, kêu gọi khắp nơi cấp cho vợ chồng họ một miếng đất, rồi xây cho một căn nhà nhỏ.

Thế nhưng bà vẫn than có nhà nhưng không biết làm gì để sống, sợ gia đình bà lại “ngựa quen đường cũ”, anh em trung tâm vận động bạn bè mua cho vợ chồng họ cặp bò để nuôi. Lo đến mức ấy rồi nhưng bà ta vẫn không chịu làm ăn, chỉ sau mấy tháng bà Hà đã bán luôn căn nhà cùng tài sản rồi quay lại thành phố ăn xin. Chồng bà Hà dắt díu hai con nhỏ vào Sài Gòn tiếp tục ăn xin. Mới mấy ngày trước, chúng tôi đã phát hiện được lúc đêm khuya khi đang ngủ bên góc chợ nên đưa về đây”... Ông Liên cho biết, số người ăn xin như bà Hà, trung tâm này có đến mấy chục. Nhưng bằng sự kiên trì, giúp đỡ vật chất của trung tâm, dần dà họ đã ngộ ra và chịu quay về địa phương làm ăn, sinh sống.

Tiếp lời ông Liên, ông Nguyễn Quang Bi, Phó Giám đốc trung tâm kể: “Sau khi đưa những người ăn xin về nuôi dưỡng, trung tâm lên phương án và liên hệ khắp nơi tìm kiếm tin tức về quê quán để trả họ về với gia đình. Có người sau mấy ngày vào trung tâm đã có người nhà đến nhận. Còn phần đông việc tìm kiếm thân nhân cho họ gặp rất nhiều khó khăn...”.

Ở trung tâm này có những câu chuyện cuộc đời buồn thương đến tê lòng, ví như chuyện của cụ bà Nguyễn Thị Vang ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) lưu lạc rồi dạt ra Đà Nẵng đi ăn xin. Đến lúc được đưa về trung tâm, nơi đây đã tìm mọi cách liên lạc nhưng không tài nào lần ra dấu vết về gia đình vì bà đã lẩm cẩm. “Mười năm, chúng tôi đã cất công cho người đi xác minh nhiều địa phương nhưng vẫn không tìm ra manh mối về quê quán của bà. Rồi bà Vang qua đời, trung tâm đã đứng ra lo liệu chuyện hậu sự cho người xấu số. Ba năm sau ngày bà Vang mất, con gái của bà là Võ Thị H. cũng được đưa vào trung tâm, tại đây, H. đã ngất lịm đi khi nhìn thấy di ảnh của mẹ mình đang được trung tâm hương khói. Trường hợp của cụ ông Huỳnh Tiên cũng khiến mọi người rơi nước mắt.

Cụ Tiên ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam), làm nghề bói toán, cụ có một người vợ ở quê nhà nhưng không có con. Sau mấy năm lang thang xuống huyện Tiên Phước, cụ phải lòng một góa phụ và có được một mặt con. Nhưng cuộc đời không dừng lại ở đó, vì khó khăn, cụ tiếp tục lặn lội xuống thành phố kiếm sống. Lang thang ở đầu đường cuối phố được mấy năm rồi bất ngờ đổ bệnh giữa đường, cụ được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội khi trong người không có một tấm giấy tờ tùy thân, tuổi tác cũng làm cho cụ không thể nhớ nổi quê hương bản quán của mình.  Biết cha mình đang lang thang đâu đó khi tuổi đã xế chiều, người con trai của cụ đã khăn gói lặn lội khắp nơi để tìm cha. Tiếc thay, khi anh con trai tìm đến được trung tâm thì cụ đã mất cách đó vài năm.

QUỐC ANH

;
.
.
.
.
.