Từ tờ mờ sáng đến cuối giờ chiều, những bãi biển du lịch tại các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn có đông người đi tắm biển. Tuy vậy, điều đáng lo lắng là không phải ai cũng biết tự bảo vệ mình và cảnh giác trước những tai nạn có thể xảy ra trong khi tắm.
Chết đuối do vào vùng nước xoáy
Có ít người mặc áo phao trong khi tắm biển. |
Theo thống kê, từ đầu năm 2010 đến nay, Đội cứu hộ các bãi biển du lịch thành phố đã ứng cứu thành công trên 30 trường hợp bị đuối nước khi tắm biển. Điều đáng nói là những người được cứu thoát khỏi tay “thủy thần” hầu như không để ý đến bảng chỉ dẫn và những lá cờ cảnh báo trên các khu vực “Cấm tắm”.
Hiện nay, trên các bãi biển ở Đà Nẵng có hơn 70 nhân viên cứu hộ bảo vệ du khách. Hằng ngày, họ thường xuyên túc trực , theo dõi và di chuyển liên tục bằng thuyền nhỏ quanh các vùng nước xoáy, nguy hiểm để thông báo, cứu hộ kịp thời cho những người bị đuối nước. Các tổ cứu hộ, cứu nạn còn phải liên tục thông báo các quy định tắm biển trên hệ thống loa truyền thanh. Khi thủy triều xuống, nhân viên cứu hộ trực tiếp kiểm tra những nơi có hố sâu và cắm cờ vàng báo hiệu nguy hiểm để du khách biết không được tắm.
Những điều nên làm khi tắm biển
Kinh nghiệm của những người thường xuyên tắm biển là luôn mang theo áo phao mỗi khi bơi xa bờ. Thay vì đi riêng lẻ, những người đi tắm biển nên tắm chỗ đông người để có thể được hỗ trợ nếu gặp nạn. Trước khi xuống nước, người tắm biển nên chạy hoặc tập thể dục để làm ấm cơ thể, tránh bị chuột rút hoặc bị cóng khi gặp nước lạnh. Trong trường hợp xảy ra sự cố, người tắm biển phải giữ bình tĩnh, tránh hốt hoảng để tìm cách thoát ra khỏi vùng nước xoáy nguy hiểm.
Để tránh mắc bệnh về da do thời tiết nắng nóng, người tắm biển nên tránh tắm trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Bởi đây là thời gian tia cực tím có độ chiếu xạ mạnh nhất nên có thể gây ung thư da và các bệnh về mắt.
Bài và ảnh: D.MINH