(ĐNĐT) - Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng thấp nóng phía tây, kết hợp với gió Lào từ phía Tây gây nắng nóng khủng khiếp cho các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Bình Định. Nắng nóng đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân Đà Nẵng.
Mới 5 giờ sáng nhưng biển Đà Nẵng chật kín người ra đây trốn nắng |
Đã hơn nửa tháng qua, hàng trăm học sinh trường THCS Trưng Vương, TP Đà Nẵng phải ngồi học trong những phòng học nóng như… lò luyện “linh đan”.
Trong những đợt nắng nóng liên tiếp vừa qua, hàng ngày gần 300 học sinh học ở 8 phòng học thuộc dãy phòng phía nam của trường ngồi học trong điều kiện oi bức vì tất cả các cửa sổ đều bị đơn vị thi công công trình trụ sở chính Văn phòng khu vực miền Trung Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam - VietinBank bịt kín bằng tôn kẽm, trong khi trong phòng chỉ có 2 chiếc quạt trần.
Đầu buổi học chiều 8-5, cô Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương, dẫn chúng tôi đến các dãy phòng học này. Mỗi lớp học có trên 45 học sinh mặt đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, trên trần nhà có hai chiếc quạt trần chạy yếu ớt không đủ sức để đẩy cái nóng ra khỏi phòng. Không khí nóng bức, hơi người tỏa ra khiến phòng học trở nên ngột ngạt. Vừa dạy, vừa học, cả thầy cô và học sinh đều cầm quạt hoặc cuốn tập phe phẩy lên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi.
Học sinh trường THCS Trưng Vương vừa học vừa ...quạt |
Trong khi đó, hai chiếc cửa sổ - nơi đón gió vào trong lớp đã bị bịt kín bằng tôn kẽm khiến cái nóng càng thêm khắc nghiệt. Khổ nhất là các cô giáo hàng ngày phải mặc áo dài dạy học trong phòng học nóng đến ngộp thở. “Trời nóng quá, quạt thì ít bọn em chịu không nổi nên phải mua quạt giấy mang theo. Mấy bữa đầu, tiếng quạt giấy phát ra ồn lắm khiến cô giảng bài không được, nhưng cô thấy nóng quá cũng không nói gì hết”, một học sinh nhễ nhại mồ hôi cho biết.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hiếu, cho biết: “Nắng nóng kéo dài trong khi các cửa sổ của dãy phòng bị bịt kín bằng tôn khiến thầy cô và học sinh dạy và học trong dãy phòng này chịu không nổi, ảnh hưởng nặng đến việc dạy và học, khó nhất là hiện nay đang trong thời gian ôn tập thi học kỳ 2 nên ảnh hưởng rất lớn. Nhưng nếu không bịt lại thì lại không chịu nổi bụi và tiếng ồn”.
Điện cúp, bệnh viện quá tải, người dân đổ xô ra biển
Nắng nóng những ngày qua còn ảnh hưởng đến từng hộ gia đình, cơ quan, công sở, nhất là ảnh hưởng nặng đến người nông dân khi hiện nay đang ở mùa thu hoạch. Đợt nắng lần này khắc nghiệt hơn lần trước, nhiệt độ lên trên 40 độ C, thậm chí có nơi như Quảng Trị - “kinh đô gió Lào”, nhiệt độ ngoài trời lên đến 46 độ C.
Điều đáng nói, đợt nắng nóng lần này khiến các con sông trên địa bàn miền Trung khô hạn, các nhà máy thủy điện cắt giảm tải để đảm bảo lượng nước khiến điện năng thiếu trầm trọng. Tại hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung đều phải cắt điện luân phiên khiến sinh hoạt của người dân, sản xuất của doanh nghiệp…trở nên đảo lộn và trì trệ.
Nắng nóng kéo dài khiến tổng diện tích 10.000 ha lúa vùng hạ lưu sông Vu Gia của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đứng trước nguy cơ thiếu nước, trong đó diện tích của Đà Nẵng khoảng 3.000 ha.
Người nhà bệnh nhân nằm la liệt trên hành lan bệnh viện Đà Nẵng vì không chịu nổi nắng nóng |
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, nắng nóng làm tăng lượng bệnh nhân, khiến cho những khoa như: Nhi, Nội hô hấp,…trở nên quá tải; bệnh nhân phải nằm 2 người/giường. Người nhà bệnh nhân không thể ở trong phòng bệnh buộc phải ra hành lan trải chiếu nằm la liệt trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nguy cơ dịch bệnh rình rập.
Người già mang theo nước chè xanh ra bờ sông Hàn... |
... còn giới trẻ kéo đến quán nước mía, nước dừa trên đường Bạch Đằng để hóng gió, giải nhiệt |
Trong khi đó, trên đường Bạch Đằng dọc sông Hàn và các bãi biển Đà Nẵng từ Sơn Trà cho đến Non Nước đều chật kín người ra hóng gió, tắm biển. Có người mang cả chiếu ra bờ sông trải ngồi hóng mát. Mấy ngày vừa qua, mỗi ngày có đến hàng ngàn người ra biển để giải nhiệt. Các quán nước dừa dọc bờ sông cũng chen chúc người ngồi.
Có thể nói, đợt nắng nóng này càng diễn ra kéo dài với mật độ dày đặc đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cuộc sống đảo lộn và tình hình sản xuất cũng trở nên trì trệ.
THANH TUYỀN