.
Thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý

Mạnh dạn tuyển chọn người tài

.

Với nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan, việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đã tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho những ai có năng lực, có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt và sẵn sàng phục vụ cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Để tiếp tục động viên, khuyến khích người tài tham gia thi tuyển, vẫn còn nhiều vấn đề cần thay đổi cho phù hợp với nhu cầu tuyển dụng và năng lực thực tế của người dự tuyển.

Mạnh dạn thi cấp trưởng

Cán bộ, viên chức trẻ có năng lực sẽ có cơ hội thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. 

Ông Ngô Quang Phúc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy đề nghị trong thời gian đến nên mở rộng thi các chức danh cấp trưởng. Theo ông Phúc, một thực tế đang xảy ra ở không ít cơ quan, đơn vị Nhà nước, cấp phó có năng lực, có ý tưởng sáng tạo trong công việc nhưng cấp trưởng không đồng tình, không tạo điều kiện thì cấp phó cũng khó phát huy năng lực của mình. Những ý tưởng đó, trong một số trường hợp, có khi để dành đến lúc thay thế cấp trưởng mới thực thi được. Chính vì vậy, nếu mạnh dạn thi cấp trưởng thì những ý tưởng, những đề xuất của người dự tuyển sẽ nhanh chóng áp dụng vào thực tế nếu họ trúng tuyển.

Một số quan điểm cho rằng, ứng viên dự tuyển vị trí cấp trưởng cần thiết phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm ở vị trí cấp phó. Tuy nhiên, nếu đưa tiêu chí này trở thành điều kiện bắt buộc để thi chức danh cấp trưởng thì khó thực hiện đối với nhiều trường hợp. Ông Huỳnh Phước, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhận định: Chỉ cần ít nhất một năm kinh qua vị trí cấp phó là có thể dự tuyển vào vị trí cấp trưởng, không nhất thiết phải là 3 năm. Điều quan trọng là ứng viên đó có năng lực, đưa ra được những giải pháp hay, có tính khả thi cao và mang lại kết quả tốt cho đơn vị họ đang phục vụ. Trên thực tế, không nên áp đặt thời gian 3 năm ở vị trí cấp phó mới được thi tuyển vị trí cấp trưởng vì như vậy, sẽ không khuyến khích được những cấp phó thực sự có tài, có đạo đức tốt muốn thi nhưng chưa đủ niên hạn theo yêu cầu. Thay vì lấy mốc là 3 năm ở vị trí cấp phó thì xem xét khả năng, kinh nghiệm thực tế của cán bộ qua quá trình công tác ở những cương vị khác nhau, không nhất thiết chỉ là thời gian đương nhiệm vị trí cấp phó.

Hiện nay, Sở Nội vụ thành phố đang xây dựng Đề án “Thực hiện thí điểm thi tuyển Giám đốc, Phó Giám đốc (tương đương) một số đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố Đà Nẵng”. Đề án này được đánh giá là bước đi táo bạo, đột phá trong cải cách nền hành chính Nhà nước, góp phần thay đổi phương thức tuyển chọn người tài để tìm ra cá nhân xứng đáng gánh vác trọng trách quan trọng. Những ai có tài, có đức cùng dự tranh một vị trí và nếu việc thi tuyển thực sự công bằng thì người chiến thắng là người giỏi nhất, cá nhân đó xứng đáng với vị trí đạt được.

Linh hoạt khâu tuyển dụng

Đà Nẵng đã và đang mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ theo vị trí công việc thông qua hình thức thi tuyển công khai, công bằng, mang tính cạnh tranh. Sau gần 3 năm thực hiện, có 165 ứng viên dự thi cho 53 chức danh, bình quân cứ 3 ứng viên đăng ký dự thi một vị trí. Tuổi đời bình quân từ 35 đến 40 tuổi, trẻ nhất là 25 tuổi. Theo quy định trong tiêu chuẩn thi tuyển thì độ tuổi giới hạn dao động từ 25-50. Tuy nhiên, theo đánh giá chung hiện nay thì độ tuổi 50 vẫn cao, do vậy, chỉ nên giới hạn đến dưới 45 tuổi. Về hình thức thi tuyển, trong thời gian đến sẽ có sự linh hoạt hơn.

Hội đồng thi tuyển vẫn công khai nhưng có những chế định ràng buộc để bảo đảm tính khách quan, dân chủ, công bằng trong việc đánh giá chất lượng của người dự tuyển. Cơ cấu điểm sẽ không quy định cứng nhắc mà có thể điều chỉnh tùy theo từng trường hợp, từng ngành dự thi. Tiêu chuẩn để dự thi với các ứng viên sẽ mở rộng, không chỉ giới hạn trong phạm vi nội bộ ngành, đơn vị cần tuyển dụng. Tuy nhiên, đối với các vị trí quan trọng, nhất là cấp trưởng thì sẽ lấy phiếu tín nhiệm trước khi ứng viên dự thi. Một điểm đáng chú ý là những ứng viên đã thi tuyển nhưng không đạt kết quả cao nhất thì vẫn được bảo lưu kết quả thi tuyển trong một năm hoặc có thể bổ nhiệm vị trí tương xứng. Cơ chế bảo lưu này giúp cho các đơn vị chủ động tạo nguồn cán bộ dự phòng để xem xét bổ nhiệm chức vụ ở các đơn vị khi có nhu cầu bổ sung, tăng cường.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố, thời gian qua, vẫn còn hơn 23% ứng viên dự thi e ngại, chưa sẵn sàng tham gia. Ông Lê Trung Chinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố, kiêm Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhận định: “Người dự thi chịu áp lực về tâm lý, họ phân vân trúng tuyển hay không thì sau đó sẽ như thế nào, đồng nghiệp và cơ quan sẽ đánh giá ra sao”. Thực tế này cho thấy, trong khâu tổ chức tuyển dụng, cần thiết phải làm tốt việc tuyên truyền, động viên, khuyến khích người dự thi, giúp họ tự tin và thoải mái trong suốt thời gian chuẩn bị cũng như khi mặt đối mặt với Hội đồng thi tuyển để trình bày đề án của mình. Ngoài ra, sau khi ứng viên đã trúng tuyển và được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý thì những người có trách nhiệm cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để họ được đào tạo về kỹ năng lãnh đạo, quản lý cũng như xây dựng lòng tin, sự quan tâm, giúp đỡ của đồng nghiệp để triển khai công việc hiệu quả.

Hiện nay, còn một lực lượng lớn công chức, viên chức trẻ có năng lực, được đào tạo bài bản, năng động nhưng thiếu cơ hội để tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị. Việc mạnh dạn tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý không chỉ góp phần tạo nguồn cán bộ có chất lượng cho bộ máy hành chính Nhà nước mà quan trọng hơn cả là phát huy được năng lực, trình độ của những người tài trong quá trình xây dựng, phát triển của thành phố theo hướng nhanh và bền vững.          
              
Bài và ảnh: Hà An

;
.
.
.
.
.