Đến mua thức ăn cho người thân đang ở Bệnh viện Đà Nẵng để chạy thận nhân tạo, chúng tôi được một cán bộ ở Khoa Dinh dưỡng tư vấn: “Người đang chạy thận nhân tạo chỉ ăn thức ăn nhạt như: thịt luộc, đồ xào… nhưng không nên ăn rau muống, đậu khuôn, đậu đũa, đậu ve…
Một số hàng quán bán thức ăn cho bệnh nhân đối diện với Bệnh viện Đà Nẵng rất tạm bợ, mất vệ sinh. |
Một khẩu phần ăn của bệnh nhân có giá 20.000 đồng (đưa lên tận phòng bệnh), nhưng những bệnh nhân thường ăn không hết, họ ăn ít nên đi ra ngoài mua một bát cơm với giá 3.000 đồng, mua thêm ít lát thịt luộc nữa để ăn”. Tuy nhiên, khi chúng tôi tạt vào mua một hộp cơm tại một xe đẩy bán cơm bình dân đối diện với cổng Bệnh viện Đà Nẵng trên đường Quang Trung, mặc dù đã nói rõ là mua cho người chạy thận nhân tạo ăn, nhưng chị chủ hàng vẫn cứ hồn nhiên bỏ vào hộp cơm 2 miếng thịt gà kho mặn, kèm miếng đậu khuôn chiên, ít rau muống chiên, một gói canh rau muống (15.000 đồng/hộp), và tỏ vẻ rất hiểu biết về khẩu phần ăn cho người bệnh: “Người chạy thận nhân tạo và người bệnh nói chung thì ăn cơm với món chi cũng được hết, chỉ có người mới phẫu thuật xong thì phải ăn cơm trắng với thịt cốt-lết kho”.
Chúng tôi không khỏi ái ngại khi nhìn hàng cơm này và các hàng phở, bún… lân cận đều rất tạm bợ, chế biến và bán thức ăn cho nhiều người bệnh ăn ngay trên vỉa hè, cạnh một miệng hố thu nước thải thỉnh thoảng bốc lên mùi… cống và nườm nượp người, xe qua lại. Quan sát kỹ vẫn không sao tìm thấy tờ giấy chứng nhận hàng quán đạt vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan thẩm quyền cấp mà đáng lý ra phải được dán ở vị trí cho khách hàng dễ nhìn thấy. Còn tại trước cổng Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ có nhiều hàng quán cơm, phở, bún, mỳ… bày bán cho người bệnh trên vỉa hè, sát ngay con đường đầy bụi bặm. Cứ mỗi lần có ô-tô chạy qua là bụi cuốn theo, tấp vào các hàng quán tạm bợ đang có người bệnh khó nhọc nuốt từng thìa cơm, thìa bún.
Cần quan tâm đến chế độ ăn để bảo đảm sức khỏe, điều trị của các bệnh nhân. |
Bác sĩ Phạm Phú Điềm – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho biết: “Theo phân cấp quản lý, các quán cơm bình dân, mỳ, bún, phở… do các phường trực tiếp cấp giấy phép kinh doanh thì thuộc trách nhiệm quản lý, kiểm tra về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm của các Trạm Y tế phường. Các quán bán cơm, mỳ, bún, phở ở trước cổng các bệnh viện, trung tâm y tế chỉ bán thức ăn thông thường, chứ không phải dành cho bệnh nhân.
Cơm cho bệnh nhân ăn theo chế độ dinh dưỡng của ngành y tế thì chỉ có ở các khoa dinh dưỡng của các bệnh viện, trung tâm y tế. Hiện nay, Trung tâm Y tế quận vừa mới xây dựng xong cơ sở vật chất cho Khoa Dinh dưỡng, nhưng chưa bàn giao nên chưa hoạt động. Những bệnh nhân điều trị tại đây thường do người nhà nấu mang lên, những bệnh nhân có chế độ ăn do bác sĩ chỉ định cũng vậy”. Trong khi đó, theo một cán bộ của Bệnh viện Đà Nẵng, hiện Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện chỉ mới dừng lại ở phục vụ khoảng gần 100 khẩu phần ăn cho bác sĩ, y tá, cán bộ, công nhân viên của bệnh viện và một số ít bệnh nhân có nhu cầu.
Còn một cán bộ Khoa Dinh dưỡng thì cho biết: “Thường thì bệnh nhân có người nhà nấu đem thức ăn lên, Khoa chỉ chủ yếu phục vụ cho bác sĩ, y tá, cán bộ, công nhân viên của bệnh viện, sau thấy bệnh nhân có nhu cầu thì phục vụ cho bệnh nhân. Bên cạnh đây có căng-tin nhưng nhiều bệnh nhân thích mua thức ăn ở Khoa hơn. Nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, họ đi ra ngoài mua một ít cơm và thức ăn ăn cho qua bữa”.
Theo nhiều bác sĩ, dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng với bệnh nhân nằm viện. Dinh dưỡng tốt, đúng khoa học, tuân thủ theo yêu cầu bệnh lý sẽ giúp bệnh nhân mau hồi phục sức khỏe, rút ngắn thời gian nằm viện. Tuy nhiên, việc thực hiện các chế độ ăn theo bệnh lý cho người bệnh gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Có nhiều bệnh nhân nghèo muốn đi ăn cơm bình dân để tiết kiệm chi phí, hay cũng có những gia đình khá giả không hài lòng với thức ăn bệnh viện, muốn thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của gia đình bằng những bữa ăn giàu dinh dưỡng. Để người bệnh ăn theo bệnh lý, các bệnh viện, Trung tâm Y tế cần đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho Khoa Dinh dưỡng và có thực đơn phong phú với giá cả hợp lý, để những bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện, nhất là bệnh nhân nghèo vẫn có thể được ăn theo chế độ bệnh lý.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP