.

56 câu thơ và 2 vạn tờ báo

.

QNĐN chủ nhật số 7 ra ngày 15-2-1987 vừa ra lò thì Ban Biên tập tới tấp nhận được điện thoại của bạn đọc trên cả nước gọi đến. Chuyện gì đã xảy ra ở tờ cuối tuần của báo Đảng địa phương năm đó?

Trang bìa QN-ĐN chủ nhật số 7 ngày 15-2-1987.  (Ảnh: VTL)

Đó là số báo đầu tiên được thay măng-sét mới, một sự thay đổi rất chi bình thường. Cái mà bạn đọc, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ khắp nơi chú ý là bài “Trường ca cây cà” của nhà thơ Phùng Quán được đăng ở trang văn nghệ. Gọi là trường ca với 6 chương, nhưng bài thơ tất cả chỉ có 56 câu. Đó là lần đầu tiên sau 30 năm thơ ông được in báo với tên thật Phùng Quán. QNĐN chủ nhật lúc đó phát hành khắp Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Tây Nguyên và một số tỉnh lân cận. Các nơi gọi điện về, và Ban Biên tập phải in nối bản, trước sau lên đến 2 vạn bản!

Nhà báo Ngô Quy Nhơn, lúc đó là quyền Tổng Biên tập Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, nhớ lại: “Cầm tờ báo có in bài của mình, nhà thơ Phùng Quán rất xúc động. Mỗi tờ QN-ĐN chủ nhật lúc đó giá 5 đồng, anh xin chuyển nhuận bút thành báo, nhưng chúng tôi vẫn gửi nhuận bút và tặng thêm anh 200 tờ báo”.

Phùng Quán cầm xấp báo QN-ĐN chủ nhật ra ngày 15-2-1987 trở lại Huế, ký tặng tất cả những bạn bè ông gặp. Nhà báo, nhà thơ Ngô Minh kể lại trên Tạp chí Sông Hương số 143, tháng 1-2001 rằng: “Đúng ngày Đại hội Văn nghệ Bình Trị Thiên (cũ) lần thứ ba, anh [Phùng Quán – NV] xuất hiện ở Huế, nét mặt rạng rỡ, khệ nệ mang một chồng báo Quảng Nam-Đà Nẵng chủ nhật có in bài thơ “Trường ca cây cà” ký tặng bạn bè. Đó là mùa đông năm 1987, lần đầu tiên sau 30 năm anh lại được báo in bài thơ tâm huyết. Anh lấy nhuận bút bằng mấy trăm tờ báo để tặng! Gặp lại tôi, anh cao hứng đọc: “Chính cây cà quê mùa lao lực/ Đã dạy anh dũng khí bền gan”. Đúng như thơ anh từng viết: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!”. Tôi mừng cho anh và đọc đến thuộc “Trường ca cây cà”.

Trang bìa QN-ĐN chủ nhật số 7 ngày 15-2-1987. (Ảnh: VTL) … và thủ bút của nhà thơ (Ảnh từ “Nhớ Phùng Quán” của Ngô Minh và nhiều tác giả, NXB Trẻ - 2003) 

Lạ một điều, Tạp chí Sông Hương lúc đó chưa “dám” in thơ Phùng Quán, mà phải để cho QN-ĐN chủ nhật in trước. Có người “xúi” nhà thơ bán báo giá cao để anh nào “ghiền” thì bỏ tiền ra mà đọc. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên ghi lại trong “Bình luận về Phùng Quán (Ông Quán)” như sau:

“Loáng cái, từ sạp báo của Dương Thành Vũ bên bờ sông Hương mấy chục tờ QN-ĐN chủ nhật số 7 (15-2-1987) có đăng Trường ca Cây cà của Phùng Quán được đưa về (…). Tờ báo giá 5 đồng, mọi người nhất loạt mua lại 10 đồng. Ông Quán xúc động bồi hồi trong tình cảm anh em văn nghệ thân thiết, miệng ông cười mà mắt ngấn lệ, tay ông liên tiếp chép lại một khổ thơ bị thiếu trong bài thơ và lời đề tặng. Ở tờ cho tôi, ông viết: Ba mươi năm trước/ Tôi chết giữa Hồng Hà sóng dữ/ Tôi lại hồi sinh giữa xanh thẳm Hàn Giang/ Chính cây cà quê mùa lao lực/ Đã dạy tôi dũng khí bền gan!”.

Từ một câu thơ trên, nhà báo Nguyễn Trung Dân, lúc đó phụ trách tờ QN-ĐN chủ nhật, đã giật tít “Lại hồi sinh giữa xanh thẳm Hàn Giang” cho một bài viết trong tập sách “Nhớ Phùng Quán”. “Trường ca cây cà” là một bài thơ ca ngợi bản lĩnh Việt Nam độc đáo và tuyệt vời, theo bài viết này, nhờ bài thơ và tên của Phùng Quán mà Báo QN-ĐN chủ nhật số ấy phát hành đến 2 vạn bản, là con số phát hành chưa từng có của một tờ báo tỉnh.

23 năm trôi qua, có lẽ chưa tờ báo Đảng nào phá được “kỷ lục” này. “Trường ca cây cà” đã làm nên “cơn sốt” báo in và gây xôn xao dư luận một thời gian. Những cơ quan có trách nhiệm của tỉnh lúc đó đã gửi văn bản ra Ban Tuyên huấn Trung ương và được cơ quan này trả lời, theo lời của nhà báo Ngô Quy Nhơn: “Về nghệ thuật thì bài thơ không có gì xuất sắc, về nội dung thì không có gì vi phạm về chính trị”. Năm 2007, việc nhà thơ Phùng Quán được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng, đã thêm một minh chứng rằng, những người làm Báo QN-ĐN chủ nhật ngày ấy đã làm đúng trách nhiệm của người làm báo.

 

Phùng Quán niên biểu

-1932: chào đời ở xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế;
-1945, bộ đội trinh sát Trung đoàn 101;
-1955: xuất bản Vượt Côn Đảo, viết về những chuyến vượt ngục can trường của các chiến sĩ cộng sản;
-1956 – 1958: tham gia Nhóm Nhân văn Giai phẩm, bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn;
-1964: được khôi phục biên chế, lần lượt nhận công tác ở Phòng Tuyên truyền Bộ Thủy lợi, Vụ Văn hóa quần chúng Bộ Văn hóa, Nhà Văn hóa Trung ương…
-1987: Tiểu thuyết tự truyện Tuổi thơ dữ dội được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải A;
-1988: được phục hồi hội tịch Hội Nhà văn Việt Nam;
-1995: qua đời, NXB Hội Nhà văn xuất bản tập Thơ Phùng Quán.
(Nguồn: Lược trích Từ điển Văn học bộ mới, Chủ biên Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá, NXB Thế Giới, 2003).


VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.