.

Báo động về nạn bạo hành, xâm hại trẻ em

.

So với các địa phương khác trên cả nước, số vụ xâm hại, bạo hành đối với trẻ em trên địa bàn Đà Nẵng những năm gần đây xảy ra khá ít. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp bảo vệ tốt thì nạn bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn là thực trạng đáng báo động trong toàn xã hội.

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị xâm hại nếu không được bảo vệ tốt.
(Ảnh chỉ có tính chất minh họa) 

Những vụ việc đau lòng

Có nhiều kiểu xâm hại trẻ em, chẳng hạn như đánh đập, bắt lao động sớm…, song đáng quan tâm là tình trạng lợi dụng, xâm hại tình dục trẻ em hiện có chiều hướng xảy ra phổ biến nhất. Ở thành phố Đà Nẵng, những năm gần đây, những vụ xâm hại tình dục, bạo hành đối với trẻ em đã xảy ra, làm đau lòng nhiều người.

Vào lúc 12 giờ 45 ngày 18-2-2008, lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra và bắt quả tang tại phòng 103 khách sạn Hoàng Anh ở số 115 Nguyễn Tất Thành có một đôi nam nữ là Hồ Văn Anh (sinh năm 1967, trú ở Hội An, tỉnh Quảng Nam) và cháu N.T.H (sinh năm 1994, trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê) đang thực hiện hành vi giao cấu với nhau. Theo đó, lợi dụng sự nhẹ dạ, khờ dại của H., Lê Thị Thanh (sinh năm 1959, trú tại 115 Nguyễn Tất Thành), Lê Thị Hồng Nhung (sinh năm 1988, trú tại 243/6 Hải Phòng), Nguyễn Thị Lê Na (SN 1989, trú xã Duy Tân, Duy Xuyên, Quảng Nam) đã môi giới cho cháu H. bán trinh cho khách làng chơi là Hồ Văn Anh, khiến H. có thai và cháu H. đã sinh một bé trai nhưng tên Anh không thừa nhận đó là con mình. Sự việc bị tố giác đến cơ quan Công an, đến đầu năm 2009, đối tượng Hồ Văn Anh và các đồng phạm đã bị pháp luật trừng trị về các tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Môi giới mại dâm”.

Cũng trong năm 2008, dư luận người dân thành phố Đà Nẵng rất phẫn nộ khi hay tin một học sinh mầm non đã bị một cô giáo trường mầm non ở quận Hải Châu đánh gây thương tích trên thân thể (Báo Đà Nẵng đã đề cập...).

Thực tế còn nhiều vụ bạo hành trẻ em diễn ra ở các gia đình và xã hội chưa được nhắc tới trên các diễn đàn Bảo vệ trẻ em và các phương tiện truyền thông…

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Theo Phòng Bảo trợ xã hội-Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, trong năm 2009, trên địa bàn thành phố xảy ra 9 vụ xâm hại trẻ em. Cụ thể, có 1 vụ hiếp dâm trẻ em, 1 vụ giao cấu với trẻ em, 1 vụ dâm ô với trẻ em, 5 vụ cố ý gây thương tích trẻ em và 1 vụ do hành vi khác. Đa số những vụ việc này do đối tượng người lớn gây ra.

Để hạn chế và tiến tới chấm dứt các vụ việc xâm hại trẻ em đau lòng như trên, cần nhiều biện pháp đồng bộ từ phía chính quyền và cả người dân. Ví dụ, những năm qua, trên địa bàn quận Liên Chiểu không xảy ra các vụ xâm hại trẻ em và để đạt được kết quả này, theo ông Nguyễn Tuấn, Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Liên Chiểu cho biết, hằng năm, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó, tích cực phát huy vai trò của các cấp hội, đoàn thể ở địa phương trong việc phát hiện, ngăn ngừa, lên án các hành vi xâm hại trẻ em. Nhờ vậy, tình trạng xâm hại trẻ đã không xảy ra.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Tháng hành động vì trẻ em năm 2010 có chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em”. Trên cơ sở đó, Sở tập trung đẩy mạnh thực hiện các hoạt động trọng tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE); nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức kinh tế-xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác BVCSTE. Tăng cường việc xây dựng chính sách, đầu tư cho công tác BVCSTE, tạo điều kiện cho mọi trẻ em có cơ hội bình đẳng tiếp cận các dịch vụ xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân, nhằm nâng cao trách nhiệm của gia đình và trẻ em đối với việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Hy vọng rằng, tình trạng xâm hại trẻ em sẽ được ngăn ngừa một cách hiệu quả trong cộng đồng xã hội.  

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.