.

Cần sớm có hướng ra

Đầu tuần này, vấn đề nóng nhất trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 7 đã được đặt ra: chất lượng đào tạo đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) ở nước ta hiện nay. Thảo luận về vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có cả những ý kiến gay gắt như ĐH lộn xộn, không ai chịu trách nhiệm; thực trạng giáo dục và ĐH đáng lo ngại; tình hình giáo dục ĐH rất bức xúc và sốt ruột…

Hầu hết các ý kiến này đều được các tờ báo trong nước hưởng ứng. Qua đó thấy rằng, tuy chương trình thảo luận tại hội trường QH không kéo dài nhưng vấn đề cần trao đổi về chấn chỉnh, đổi mới giáo dục ĐH cần được tiếp tục, chưa thể có hồi kết và càng không thể cho qua.

Vấn đề chất lượng, quy mô giáo dục nói chung và đào tạo ĐH, CĐ nói riêng đã được đặt ra cách đây hàng chục năm, nhất là từ năm 1987 tới nay. Vào thời điểm đó, nước ta chỉ có 111 trường ĐH, CĐ, mỗi năm ra trường 20.000 người. Sau 13 năm, hiện nay cả nước có 440 trường ĐH, mỗi năm ra trường 220.000 người, tức là gấp 10 lần. Việc tăng này có vai trò tích cực trong phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nếu không có nguồn nhân lực này sẽ rất khó khăn cho việc phát triển kinh tế, đó là một thực tế. Nhờ nguồn nhân lực chất lượng cao, dồi dào hơn, nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể… ngày nay đã cơ bản “phổ cập ĐH” khâu đầu vào, tỷ lệ CBCNVC có trình độ từ ĐH, CĐ trở lên thường chiếm trên 50%, đó là một bước tiến đáng kể.

Nhưng cũng chính do “tăng trưởng nóng” cùng tình trạng buông lỏng quản lý, chưa xác định rõ mục tiêu thành lập, thiếu sâu sát, kể cả nể nang, xin-cho nên chất lượng nhiều trường thấp hoặc rất thấp từ cơ sở vật chất, nguồn cán bộ, chất lượng đào tạo. Tình trạng mất đoàn kết nội bộ, bè phái, mất dân chủ khá phổ biến. Rõ nhất là tình trạng chất lượng cán bộ giảng dạy yếu kém và thiếu. Đến hết năm học 2009, tỷ lệ tiến sĩ tại các trường ĐH mới đạt 10,1% (trong khi chỉ tiêu đến năm 2010 là 25% và đến 2015 là 50%).

Tiến sĩ đã thế, các giáo sư, phó giáo sư còn ít hơn, có trường không có ai. Chất lượng cán bộ giảng dạy đã yếu lại thiếu, bình quân 30 sinh viên, có nơi 40 sinh viên mới có một giảng viên; có giảng viên phải dạy 1.000 tiết/năm chưa kể các hoạt động chuyên môn khác. Giáo viên thiếu nhưng do thù lao thấp nên không yên tâm với nghề, không đầu tư cho bài giảng. Với tình hình giá cả hiện nay, thù lao dạy 1 tiết là 35.000 đồng, chấm một bài là 5.000 đồng đối với một PGS.TS thì khó có thể khiến họ yên tâm với công việc.

Đã thế, tình trạng thuê thầy có trình độ thấp để trả thù lao thấp, cho điểm theo kiểu nể nang, cho xong việc; tiêu cực trong thi cử ở cả đầu vào và đầu ra càng làm cho chất lượng giảng dạy giảm sút hơn. Đời sống của cả thầy, trò trong các trường ĐH, CĐ hiện nay rất khó khăn. Học phí ngày càng tăng, ký túc xá thiếu thốn, vật giá leo thang là những trở ngại không dễ vượt qua. Về trường lớp, hàng chục trường ĐH hiện nay chưa xây dựng được trụ sở, số trường đủ trang thiết bị học tập, đủ diện tích trường lớp theo tiêu chuẩn chỉ trên đầu ngón tay…

Thực trạng học tập và giảng dạy như trên nên kiến thức chuyên ngành của sinh viên ra trường không đều, thể chất và đạo đức yếu kém, nhiều nơi tuyển lao động phải đào tạo lại là chuyện khá phổ biến. Thực tế đó đòi hỏi phải sớm có một hướng ra, không bằng những lời hứa mà bằng những việc làm cụ thể. Việc cụ thể đó là gì? Trong phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần tăng cường công tác quản lý giáo dục ĐH, coi đó là việc đầu tiên.

VŨ DUY THÔNG

;
.
.
.
.
.