(ĐNĐT) - Việc cấp phép hoạt động các trường đại học trong thời gian qua quá dễ dàng và nóng vội, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên không đảm bảo
ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 7-6 (Ảnh: H.H) |
Sáng 7-6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.
"Mở trường đại học không hơn việc mở một công ty"
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, báo cáo của Chính phủ và kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học khá công phu, toàn diện, đã chỉ ra tương đối chính xác thành tựu, hạn chế chủ yếu của giáo dục đại học hiện nay và những kiến nghị thời gian đến.
ĐB ghi nhận Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật giáo dục (sửa đổi) năm 2005, song đã có sự chậm trễ không thể chấp nhận được: năm 2007 Bộ GD-ĐT mới hoàn thành 33,6%, năm 2008 là 52,5% và năm 2009 là 50% kế hoạch soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, còn về chất lượng của văn bản hướng dẫn cũng bộc lộ nhiều bất cập. Theo ĐB, có lẽ tình trạng này không phải là cá biệt của GD-ĐT, song điều đáng nói là chính sự chậm trễ và bất cập trong lĩnh vực đào tạo con người, nên tác động không tích cực lập tức lan tỏa đến xã hội. Sự rối ren trong giáo dục đại học hiện nay, có nguyên nhân từ sự chậm trễ này.
ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị nên nghiêm túc suy nghĩ vì sao một đất nước được tự hào là có học sinh nổi tiếng chăm chỉ, cần cù, một đất nước mà nhân dân xem việc cho con đi học là mệnh lệnh tự nhiên của dòng họ, một đất nước tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng cũng đã dành tới 20% tổng chi của ngân sách nhà nước (là lĩnh vực có tốc độ chi tăng tới hơn 22%/năm), hơn 35 năm rồi nhưng đất nước của những con người hiếu học này không có được một trường đại học đứng vào hàng 200 các trường đại học tốt nhất của châu Á. Theo ĐB, phải chăng khẩu hiệu ngồi đúng chỗ cũng phải là đòi hỏi nghiêm túc tại chính cơ quan Bộ GD-ĐT.
Theo ĐB, trong khi chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn, thì ở một xu hướng ngược lại đã có sự nóng vội, cấp phép hoạt động các trường đại học quá dễ dàng như thời gian vừa qua. ĐB cho rằng, vấn đề không phải là mặt bằng, kinh phí, nhu cầu của người học… mà chính là điều kiện của điều kiện, đó là thầy giáo. Về quy định văn bản xem ra khá chặt chẽ (số tiến sĩ, thạc sĩ, cơ hữu…), song triển khai và tổ chức thực hiện rất đáng tiếc là không theo đúng như quy định. Chẳng hạn, trong thực tế thì hầu hết các trường không bảo đảm số tiến sĩ, thạc sĩ cơ hữu ở mức tối thiểu nhưng không hiểu sao vẫn đủ điều kiện xin cấp phép, và khâu kiểm tra chưa bảo đảm nghiêm túc nên cuối cùng, một trong những điều kiện quan trọng nhất để có một trường đại học là thầy giáo lại được thông qua một cách dễ dàng.
Theo ĐB, có lẽ cần có sự phân tích chính xác về động cơ thật sự của việc làm này. Một số hiện tượng lùm xùm về việc điều hành Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu,… và quan hệ quản lý vừa qua về thực chất cho thấy việc đầu tư mở trường đại học không hơn (và không khác) việc mở một công ty mà vấn đề lợi nhuận là động lực duy nhất và mạnh mẽ nhất. "Cần thiết phải hoan nghênh những tấm lòng tốt trong việc bỏ vốn đầu tư mở trường đại học chân chính, nhưng cũng cần lên án hình thức trục lợi từ hoạt động cao quí này", ĐB nhấn mạnh.
Đình chỉ các trường không đảm bảo chất lượng
Cùng quan điểm, ĐB Triệu Thị Bình (đoàn Yên Bái), cho rằng, với quy mô đào tạo mở rộng như hiện nay, nhưng vẫn còn nhiều trường ĐH, CĐ mới thành lập chưa đảm bảo chất lượng giảng dạy theo như Luật Giáo dục quy định. Trong vòng 10 năm nay, có 15/78 trường ĐH, CĐ mới thành lập phải đi thuê địa điểm để giảng dạy, trường lớp không đảm bảo, thiếu khu vui chơi, hoạt động thể dục thể thao cho sinh viên. Nếu tiếp tục để những trường như vậy hoạt động thì sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của sinh viên và chất lượng đào tạo ĐH, CĐ nói chung. Vì vậy, ngành Giáo dục cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp nghiêm khắc như đình chỉ đối với những trường không đảm bảo chất lượng đào tạo.
Đại biểu Đặng Thị Nga (đoàn Lâm Đồng) đề nghị, để bảo vệ quyền lợi của người học, Quốc hội cần có Nghị quyết quy định rõ nếu trường ĐH, CĐ nào mới thành lập sau 3 năm thành lập mà không đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì có thể hạ cấp học xuống như, từ ĐH xuống còn CĐ, Trung cấp hoặc có thể đình chỉ đào tạo.
Cho rằng trường đại học phải là nơi mẫu mực về không gian sư phạm, là nơi tôn vinh sự cao thượng, trung thực và sáng tạo, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị Bộ chỉ cấp phép chiêu sinh khi đã có trường sở đúng yêu cầu. Lập lại trật tự trong việc cấp giấy phép thành lập trường đại học, minh bạch hóa các điều kiện để có một giấy phép hoạt động, ĐB cho rằng vai trò gương mẫu của Bộ GD-ĐT là nhân tố quyết định.
Theo ĐB, có lẽ một trong những vấn đề khó nhất và quan trọng nhất của giáo dục đại học hiện nay là xây dựng giáo trình và chương trình giáo dục đại học. Nhưng vấn đề cực kỳ hệ trọng này dường như chưa được sự quan tâm đúng mức. Theo ĐB, nói đến giáo trình là nói đến bản chất của một nền giáo dục, là nền tảng giáo dục của xã hội, nhưng thực tế hiện nay đang có một sự lúng túng mà vì lý do nào đó vấn đề này chưa được đề cập đúng mức. Do đó, ĐB đề nghị Bộ GD-ĐT cần tập trung đầu tư, giải quyết dứt điểm vấn đề này trong thời gian đến.
Hữu Hoa - VOVNews