.

Chậm trễ xây dựng trạm xử lý nước thải: Do đâu?

.

Quy định về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp (KCN) được đề cập dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có quy định khi KCN đi vào hoạt động phải có trạm xử lý nước thải tập trung bảo đảm  tiêu chuẩn. Thế nhưng KCN Liên Chiểu, tuy đã đi vào hoạt động được 3 năm, nhưng hiện trạm xử lý nước thải vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Vì sao?

DN vẫn lén lút xả trộm nước thải

Nếu công tác đền bù giải tỏa được thực hiện sớm, trạm xử lý nước thải tại KCN Liên Chiểu sẽ được xây dựng trong tháng 6 -2010. 

Sau khi Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) đưa ra kết luận về nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt tại sông Cầu Trắng, phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) trong tháng 5 vừa qua là do nguồn nước thải tại KCN Liên Chiểu đổ trực tiếp ra bên ngoài, ngay lập tức, UBND thành phố đã có chỉ đạo Ban Quản lý các KCN và Chế xuất làm việc với đơn vị chủ quản KCN Liên Chiểu là Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty Sài Gòn-Đà Nẵng), yêu cầu công ty này khẩn trương đầu tư xây dựng lắp đặt ngay hệ thống xử lý nước thải tại KCN Liên Chiểu. Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu Sở TN-MT chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất về xả nước thải của các DN nằm trong và ngoài KCN Liên Chiểu gây ô nhiễm môi trường khu vực.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù UBND thành phố đã có chỉ đạo như vậy, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, các DN vẫn lén lút xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra bên ngoài. Theo phản ánh của các hộ dân sống gần KCN Liên Chiểu, sau vụ cá chết hàng loạt tại sông Cầu Trắng, nhiều DN và cơ sở sản xuất trong và ngoài KCN đã tạm ngưng hoạt động để đề phòng sự kiểm tra của các ngành chức năng. Nhưng khi sự việc “im ắng” đi, các DN hoạt động trở lại và nguồn nước thải tiếp tục “tuồn” ra môi trường.

Bà Lê Thị Thanh Thanh, chuyên viên môi trường của Công ty Sài Gòn - Đà Nẵng cho biết: Hiện KCN Liên Chiểu có 21 DN được cấp phép đầu tư, trong đó có 15 DN đi vào hoạt động và 1 DN chưa có hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, có không ít DN có hệ thống xử lý nước thải nhưng khi hoạt động lại không đưa hệ thống này vào vận hành, mà lén lút xả nước thải trực tiếp ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường cho các vùng lân cận và các dòng sông. “Là đơn vị chủ quản KCN Liên Chiểu, nhưng công ty lại không có chế tài kiểm tra và xử phạt các DN xả nước thải chưa qua xử lý ra bên ngoài. Và đây cũng là thực trạng chung trong công tác quản lý về môi trường ở các KCN hiện nay ở nước ta”, bà Thanh cho hay.

Khi nào có trạm xử lý nước thải tập trung?

Trả lời câu hỏi: Tại sao KCN Liên Chiểu đã đi vào hoạt động gần 3 năm nhưng đơn vị chủ quản không xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, bà Thanh cho hay: KCN Liên Chiểu được UBND thành phố giao cho Công ty Sài Gòn – Đà Nẵng quản lý đầu tư và xây dựng hạ tầng vào năm 2007. Sau khi tiếp quản, đơn vị đã lên phương án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường.

Ngày 1-6, Bộ TN-MT đã công bố báo cáo môi trường năm 2009. Báo cáo đã đánh giá, phân tích những tác động của các KCN trên phạm vi toàn quốc đến môi trường sinh thái. Đặc biệt, báo cáo chỉ rõ: 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải mỗi ngày từ các KCN trên toàn quốc được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường.
Theo Công ty Sài Gòn – Đà Nẵng: Vụ cá chết tại sông Cầu Trắng vừa qua, không chỉ có các DN hoạt động trong KCN Liên Chiểu xả trộm nước thải ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường mà các cơ sở sản xuất công nghiệp cũ, quy mô nhỏ, nằm xen kẽ, phân tán trong các khu dân cư gần KCN Liên Chiểu cũng ngang nhiên đổ trực tiếp nước thải chưa qua xử lý.  

Tuy nhiên, qua tiến hành khảo sát địa điểm xây dựng trạm xử lý nước thải mà đơn vị cũ (đơn vị quản lý KCN Liên Chiểu trước đây – PV) đã quy hoạch, công ty thấy khu vực này không hợp lý vì quá cao, nên đã khảo sát lại địa điểm xây dựng. Hiện tại, công ty đã chọn được khu vực xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại đường số 3 của KCN Liên Chiểu, đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Quốc Việt về việc xây dựng dự án này. Cũng theo bà Thanh, dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ đồng, dự kiến xây dựng vào giữa tháng 6-2010 và hoàn thành vào tháng 12-2010.

“Hiện đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai dự án, mặc dù mặt bằng đã được kiểm định xong, nhưng nếu công tác đền bù giải tỏa không thực hiện sớm, công ty khó có thể thực hiện được dự án theo kế hoạch đề ra”, bà Thanh nói.

Để dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Liên Chiểu được triển khai đúng kế hoạch, thiết nghĩ các ngành chức năng của thành phố, đặc biệt cơ quan giải tỏa đền bù cần sớm thực hiện khâu áp giá khu đất xây dựng trạm cho người dân. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường ở các KCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các cấp có thẩm quyền cần trao quyền, đầu tư về phương tiện và nhân lực nhiều hơn nữa cho Ban Quản lý các KCN và CX và đơn vị quản lý đầu tư KCN.  Có như vậy, công tác thanh tra và xử lý các DN xả trộm nước thải sẽ được siết chặt hơn.
           
Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.