.
CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XII

Công trình giao thông kém chất lượng là trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải

.

Chất lượng xây dựng các công trình giao thông, vấn đề ùn tắc giao thông và các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII vào chiều 10/6. Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng đăng đàn trả lời chất vấn về các vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.  Ảnh : TTXVN 

*Công trình giao thông, vừa làm xong đã hỏng, nguyên nhân do đâu và trách nhiệm của Bộ GTVT?

Đề cập đến việc chất lượng các công trình giao thông không đảm bảo, nhiều đoạn đường ngay sau khi đưa vào sử dụng đã sụt lở, đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) chất vấn: nguyên nhân nào gây ra hiện tượng này, có phải do công tác quản lý khai thác chưa tốt, hay công tác khảo sát, thẩm định có vấn đề, hay chất lượng công trình kém?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: về mặt quản lý Nhà nước, Bộ đã đặt ra rất nhiều các giải pháp để nâng cao chất lượng, tiến độ các dự án. Phần lớn dự án về mặt chất lượng, tiến độ có cải thiện hơn, nhưng vẫn còn những công trình chưa đảm bảo, có dự án vừa đưa khai thác đã hiệu chỉnh, sửa chữa. Nguyên nhân là do công tác chuẩn bị đầu tư mà cụ thể là của tư vấn thiết kế trong nhiều trường hợp chưa sâu sát, chất lượng chưa tốt nên sang đến bước thiết kế, nhiều công trình phải khảo sát lại. Ngay cả bước thiết kế cũng còn khiếm khuyết từ khâu thiết kế kỹ thuật tới thiết kế bản vẽ thi công.

Trong thời gian gần đây, hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng có cải thiện hơn, hàng năm có lợi nhuận nhưng số lợi nhuận đó chưa bù được lỗ lũy kế tích lũy từ nhiều năm. Trong khi vốn chủ sở hữu đầu tư rất thấp, cộng với lỗ lũy kế nên năng lực tài chính của các doanh nghiệp rất yếu kém. Thêm vào đó, trình độ công tác tổ chức, quản lý, giám sát… còn nhiều hạn chế. Một nguyên nhân nữa là tư vấn giám sát. Các dự án dùng vốn ngân sách trong nước, vai trò tư vấn giám sát rất hạn chế từ trình độ năng lực tới trách nhiệm nên hầu như việc phát hiện các thiếu sót hư hỏng trong quá trình xây dựng, trong khâu thiết kế, bản vẽ thi công đến thực hiện đầu tư còn nhiều khiếm khuyết, dẫn tới chất lượng công trình chưa đảm bảo.

Vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Câu hỏi được các đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Vũ Hồng Anh (Hà Nội) đặt ra. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, trước hết là công tác quản lý của Ban quản lý dự án (QLDA) và quản lý Nhà nước của Bộ GTVT. Mặc dù đã có nhiều văn bản, nhiều thể chế, để quản lý đầu tư nhưng khi triển khai thực hiện chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, còn nhiều khiếm khuyết, chưa theo kịp sự phát triển và sự càng ngày càng phức tạp của công trình.

Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ là trách nhiệm bao trùm và cũng nêu giải pháp giải quyết bằng việc phân cấp triệt để chủ đầu tư dự án, phân cấp gần hết cho các Tổng Công ty, các Cục chuyên ngành và các địa phương. Bộ phần lớn chỉ làm trách nhiệm của cấp quyết định đầu tư và trực tiếp quản lý, làm chủ đầu tư khoảng 14-15 dự án có quy mô phức tạp, có tính chất liên vùng, liên ngành. Điều này sẽ giúp Bộ tập trung vào công tác thể chế, chính sách đối với xây dựng và công tác giám sát đầu tư, để phi tập trung hóa quyền lực, đảm bảo sự minh bạch của cơ quan quản lý nhà nước, quản lý dự án và chất lượng chương trình một cách tốt hơn.

Theo Bộ trưởng, cũng phải từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, không thể làm thay doanh nghiệp trong nhiều vấn đề.

Cũng về vấn đề chất lượng công trình, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) về trình trạng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương vừa hoàn thành, chưa qua mùa mưa bão đã sạt lở, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng lý giải dự án mới hoàn thành giai đoạn 1, nhưng đã cho thông tuyến để giải quyết áp lực về giao thông. Có thể còn một số khiếm khuyết, sạt lở cục bộ, thuộc về đường dẫn, Bộ sẽ cho kiểm tra và xử lý sớm.

Về chất lượng các công trình giao thông nông thôn, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: việc đầu tư, tổ chức dự án quản lý, duy tu giao thông thuộc trách nhiệm trực tiếp của địa phương. Bộ GTVT có trách nhiệm quản lý chung và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật các cấp đường, tiêu chuẩn duy trì, bảo dưỡng đã được Bộ ban hành tương đối đầy đủ, nếu các địa phương áp dụng đúng các tiêu chuẩn này thì sẽ có kết quả tốt nhưng có nhiều địa phưong chưa thực hiện đầy đủ nên không đạt kết quả tốt, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...

Ngoài ra, kinh phí sử dụng, bố trí để đầu tư chưa hợp lý, có nhiều nơi chủ yếu đầu tư giải quyết về số lượng, chiều dài con đường hơn là các tiêu chuẩn kỹ thuật. Khiếm khuyết về chất lượng giao thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa là có thực, chủ yếu phụ thuộc vào tổ chức thực hiện và vốn rót vào các công trình. Bộ GTVT sẽ lĩnh hội ý kiến này và tiếp tục phối hợp với các bộ liên quan để nâng cao chất lượng con đường.

*Ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn là vấn nạn xã hội

Nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc về tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng như vấn đề TNGT còn nhiều nhức nhối. Cho dù các con số: Hà Nội đã xóa 66/120 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông nhờ các dải phân cách, TNGT giảm dần, năm 2008, giảm 1.564 người chết (gần 12%), năm 2009 giảm gần 1% và 4 tháng đầu năm giảm 157 người (gần 4%)… được Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đưa ra nhưng cũng chưa đủ sức thuyết phục với nhiều đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) quan tâm đến việc lấn chiếm lòng lề đường tại các thành phố lớn, gây khó khăn cho người đi bộ, mất an toàn, mỹ quan đô thị, vấn đề đua xe, chạy xe bằng chân, cho em bé lái xe… và đặt câu hỏi Bộ trưởng có suy nghĩ gì?

Bộ trưởng Dũng thừa nhận: vẫn còn xảy ra các vụ TNGT rất nghiêm trọng. Dù số người chết có giảm qua các năm nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là giảm 5% số người chết mỗi năm. TNGT vẫn là vấn nạn đe dọa đe dọa sự phát triển bền vững của quốc gia. Bộ cũng nhận thấy trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước của mình và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ cùng với các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác đảm bảo an toàn giao thông. Còn việc xử phạt an toàn giao thông, chủ yếu do lực lượng cảnh sát giao thông với sự phối hợp của thanh tra giao thông.

Một vấn đề nữa nhận được sự quan tâm của đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) và một số đại biểu khác là tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng: đây là vấn đề nhức nhối nhưng để giải tỏa, đền bù triệt để thì chưa đủ kinh phí thực hiện nên vẫn phải giữ nguyên hiện trạng. Theo quy định phân cấp, quản lý hành lang an toàn giao thông thuộc về các địa phương, Bộ cũng mong các địa phương cùng phối hợp giải quyết vấn đề này. Còn lại, những đường mới làm đều phải tuân theo đúng quy chuẩn, có đường gom, hàng rào cách ly để không còn tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

Làm rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh khẳng định: Tình trạng đua xe gần đây so với trước đã giảm nhiều, nhất là việc đua xe có tổ chức đã được ngăn chặn thường xuyên, kịp thời. Ngay cả việc đua xe bất thần, bất ngờ, lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ cũng đã can thiệp rất kịp thời. Những đoạn đường không có cảnh sát, sau khi xảy ra đua xe, cơ quan công an đã tiến hành nắm tình hình, điều tra và cùng các đoàn thể địa phương, gia đình giáo dục con em, làm cam kết từ nay về sau không được tái phạm. Việc xử lý vi phạm hành lang giao thông, lòng lề đường cũng đang được tiến hành, từng bước giải tỏa các điểm vi phạm.

Tại phiên chất vấn, đại biểu cũng đề cập đến dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Dũng cho biết: hiện dự án đang trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư và cũng chưa lựa chọn đối tác cụ thể. Các đối tác có giúp Việt Nam chuẩn bị dự án nhưng để đầu tư, tài trợ về vốn thì chưa có lực chọn cụ thể. Khi Quốc hội chấp thuận chủ trương sẽ đi sâu thỏa thuận tài trợ theo hướng hợp tác đối tác, doanh nghiệp nào có công nghệ hợp lý, tương thích, có điều kiện về vốn đều có thể tham gia dự án.

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, lĩnh vực giao thông và an toàn giao thông rất rộng. Hầu hết các ý kiến tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là vấn đề hết sức quan trọng đã được xác định là vấn đề chiến lược. Trong những năm qua, nước ta còn nghèo, hạn chế về nguồn lực nhưng cũng tập trung xây dụng nhiều công trình giao thông quan trọng. Việt Nam đã có trình độ khá về xây dựng hạ tầng giao thông. Tuy nhiên lĩnh vực này cũng nhiều hạn chế bất cập. Theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, tập trung, những vấn đề chưa làm được thì nhận thiếu sót, khuyết điểm và và hứa cụ thể thời gian tới sẽ thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý “căn bệnh” lâu năm của hạ tầng giao thông vẫn là chậm tiến độ, chậm thi công, chậm giải ngân, chậm quyết toán, chất lượng nhiều công trình chưa bảo đảm, nhiều công trình chưa làm xong đã phát sinh vấn đề... Bộ trưởng Bộ GTVT cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện toàn bộ quy hoạch phát triển giao thông ở nước ta; kiên quyết xử lý theo pháp luật các trường hợp làm sai trong việc mua sắm tài sản, phương tiện; Giải quyết một cách khoa học vấn đề ách tắc giao thông; có biện pháp hướng dẫn, thực hiện các qưy định về văn hóa giao thông, ý thức giao thông, đặc biệt là chế tài xử phạt... một cách tích cực.

(Theo TTXVN)

;
.
.
.
.
.