Đã đến lúc phải “thay áo” cho Làng nghề đá Mỹ nghệ Non Nước, tấm áo cũ xem ra đã quá chật và không thích nghi với sự phát triển du lịch ở quần thể thắng cảnh nổi tiếng này.
Làng nghề càng to, ô nhiễm môi trường càng lớn
Lượng khách tham quan Ngũ Hành Sơn hiện tăng bình quân 10% mỗi năm, dự kiến sẽ càng tăng nhiều hơn trong những năm tới, tạo nguồn thu lớn từ hoạt động du lịch của kinh tế quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: V.T.LÊ |
Phần lớn tập trung trên 3 tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, Lê Văn Hiến và Nguyễn Duy Trinh, một số cơ sở có mặt bằng sản xuất hẹp nên đã đưa các khối đá nguyên liệu đồ sộ chiếm hết vỉa hè ra tới mép đường, vừa che khuất tầm nhìn trong giao thông, vừa ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Gần đây, do thị trường mở rộng, một số hộ đầu tư thêm các cơ sở khác, có hộ mở trại sản xuất áp sát chân núi Thủy Sơn, xây tường rào xâm phạm đến hành lang bảo vệ khu danh thắng NHS. Ông Huỳnh Cự, Trưởng phòng Kinh tế quận NHS lo lắng: Nếu không khẩn trương quy hoạch, một ngày không xa quanh chân núi Thủy Sơn sẽ trở thành một “công trường sản xuất đá mỹ nghệ”, sẽ làm ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên và ô nhiễm môi trường khu du lịch.
Mai đây, làng đá...
Tháng 7-2007, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Tổng mặt bằng quy hoạch Làng đá mỹ nghệ mới tại tổ 17 Đông Trà, phường Hòa Hải với diện tích 37,4ha. Theo đó, sẽ di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất vào đây để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và không khí từ các công đoạn cưa, phay, cắt, khoan, mài, đánh bóng… Phần đất của làng nghề cũ sẽ nằm trong quy hoạch Công viên Văn hóa - lịch sử NHS, đồ án đã được UBND thành phố phê duyệt đầu tháng 6-2009.
Làng đá mỹ nghệ - sản phẩm chủ lực của ngành kinh tế quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: V.NỞ |
Với kinh phí 2.000 tỷ đồng, Công viên rộng gần 140ha này sẽ trở thành khu vực có giá trị đặc biệt, hội tụ các yếu tố bảo tồn văn hóa di tích, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan, phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường. Nơi in dấu huyền thoại nhân văn và những giá trị văn hóa lịch sử của vùng địa linh nhân kiệt này, khi “chiếc đũa thần” trị giá 2 nghìn tỷ đồng vung lên, sẽ hiện ra một không gian truyền thuyết gắn với đá, gốm và thiền, trải dài từ sông Cổ Cò ra tới Biển Đông, hình thành bảo tàng đá duy nhất Việt Nam, nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm lên tầm quốc gia.
Tất cả đã khởi động và cảnh quan Năm Ngọn Núi sẽ đổi thay trong một tương lai rất gần.
VĂN THÀNH LÊ