.

Chuyện mua “xác nhà” giải tỏa

.

Trong những ngày đầu tháng 6, chúng tôi đến tổ 35 phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, nơi từ vài tháng nay đang rục rịch chuyện mua bán sắt thép từ những xác nhà chuẩn bị giải tỏa trong dự án Cầu Rồng. Theo quy định, những hộ gia đình này phải di chuyển và bàn giao mặt bằng trước ngày 30-6-2010.

Những “xác nhà” đã được các đầu nậu giải quyết xong. 

Theo quan sát của chúng tôi, càng cận ngày giao mặt bằng cho dự án thi công, hàng chục đầu nậu chuyên mua bán “xác nhà cũ” từ khắp nơi đã đổ về đây mua tranh từng ngôi nhà. Dưới cái nắng chói chang, từng tốp lao động đánh vật với gạch đá, bê-tông cốt thép. Các loại vật liệu cũ đều được các đầu nậu thu gom. Chẳng có thiết bị hiện đại nào trợ giúp việc tính toán, nhưng bằng con mắt nhà nghề, các đầu nậu luôn đánh giá “chính xác đến 90%” giá trị của mọi thứ đồ cũ còn lại trong các “xác nhà”. Từ khung cửa gỗ, cửa nhôm kính, thiết bị vệ sinh, gạch lát nền và thậm chí là những viên gạch cũ còn nằm trong những bức tường chờ được phá bỏ, tất cả đều đem lại cho các đầu nậu rất nhiều tiền.

Anh Phụng, một chủ kinh doanh vật liệu xây dựng cũ, kiêm nhận phá dỡ nhà cũ, sau một hồi ngắm nghía căn nhà, cẩn thận xem xét từng khung cửa, viên gạch lát nền, anh hỏi chủ nhà: “Nhà anh xây cách đây khoảng 10 năm rồi phải không? Đồ cũ lắm rồi, chỉ có mấy thứ đồ trong các phòng vệ sinh là tương đối được. Xà gồ, sắt thì giá có chừng rồi, mái tôn cũng bị rỉ nhiều, khung cửa sắt thì mốt cũ quá, chỉ cân ký sắt vụn chứ chẳng ai mua kiểu này nữa đâu. Vậy em xin gửi anh 7 triệu nhé”. Anh chủ nhà tên Bình mặc cả: “Giỡn chơi không vậy anh. Nhà tui làm cách đây 10 năm nhưng vật dụng vẫn còn tốt lắm đó. Gạch lát, rồi thiết bị vệ sinh đều là hàng tốt cả, trần nhà bằng gỗ tự nhiên, vẫn còn dùng được. Tôi bán 15 triệu, anh không mua thì tôi để cho người khác vậy!”. Kỳ kèo một hồi, anh Phụng đồng ý mua xác nhà của anh Bình 13 triệu đồng, rồi ra về.

Lòng vòng ở khu nhà giải tỏa đó một lát, chúng tôi lại gặp một người tên Dũng đang ngã giá mua xác nhà của anh Bình. Dũng chưa ra giá ngay mà ngồi phân tích giá sắt, giá gỗ, giá thiết bị, giá thuê thợ tháo dỡ, vận chuyển, và còn khuyến mãi vận chuyển đồ đạc trong nhà của anh Bình đến nơi ở mới. Dũng nói: “Trông thì ngon ăn lắm, nhưng nếu không có kinh nghiệm thì cũng dễ bị lỗ lắm! Hôm trước, có người trả nhà của chị Hoa 8 triệu nhưng rồi đi thẳng một hơi.

Em trả 5 triệu thì không chịu bán. Cuối cùng không có ai mua đành phải kêu em. Riêng nhà của anh, em tính sát giá rồi, chỉ mua được giá 11 triệu thôi”. Lát sau gặp lại anh Phụng ở quán cà-phê đầu ngõ, anh cho chúng tôi biết: Căn nhà ấy giờ cũng phải 20 triệu, mình kiếm được khoảng 7 triệu sau khi đã trừ công thợ đập phá, tháo dỡ và các chi phí khác rồi! Chị Vốn, chuyên mua đồ “phế liệu” từ các “đầu nậu” phá nhà nói: “Thứ gì từ xác nhà cũng có thể mua được hết, từ gạch xây cũ, gạch lát hoa cũng 300 – 500đ/viên,  khung cửa nếu tốt thì vài trăm đến vài triệu một bộ. Tôn, xà gồ cũ tháo dỡ ra được tán kín lỗ để bán lại cho người muốn xây nhà trọ hay sửa chữa nhẹ…

Tất tần tật cái gì cũng bán được hết, kể cả giá hạ cũng có thể bán được cho những chủ thầu xây dựng có nhu cầu san lấp mặt bằng”. Chị Hà, một chủ nhà cho biết ngày nào cũng có người vào ra ngỏ ý mua xác nhà. Có người nhiệt tình đến mức đi tìm chỗ ở mới giùm cho tôi và muốn tôi để xác nhà cho họ mua. Một công được đôi việc, thông qua những người mua bán xác nhà, có người còn mua được nhà mới hợp với túi tiền.
 
Chị Hà vui miệng nói thêm: “Đầu nậu trở thành cò đất, cò nhà luôn đó. Mặc dù thời hạn giao nhà đang rất gần, nhưng nhiều gia đình chưa bàn giao mặt bằng do chưa thuê được nhà để ở. Con em của họ đang thi cử, nên ở ráng thêm ít ngày. Cũng có gia đình muốn ở lại thêm để “trốn” được vài tháng tiền thuê nhà do chưa xây dựng được nhà mới hoặc chưa mua được nhà”.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.