.
CÔNG TÁC “DÂN VẬN KHÉO” Ở QUẬN THANH KHÊ

Nhiệm vụ trọng tâm: An dân

.

Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu “an dân” trong năm 2010, cả hệ thống chính trị ở quận Thanh Khê đều vào cuộc, tích cực thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Nhờ có sự thống nhất về chủ trương, phương thức, nhiệm vụ, mục tiêu chung mà quận Thanh Khê đã đạt nhiều kết quả khả quan khi vận động toàn Đảng, toàn dân tham gia thực hiện 10 nhiệm vụ dân vận hướng đến mục tiêu “an dân”.

Cán bộ dân vận phải bám sát cơ sở để vận động nhân dân tham gia các hoạt động chung của xã hội.  

Năm 2009 đánh dấu một bước chuyển tích cực đối với quận Thanh Khê trong việc thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, trong đó hiệu quả rõ nét nhất là việc vận động nhân dân toàn quận tham gia đóng góp quỹ Vì người nghèo. Bốn đoàn cán bộ bao gồm cả đại diện Quận ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận đã xuống từng cơ quan, doanh nghiệp, hộ dân để vận động mọi người quyên góp, ủng hộ quỹ Vì người nghèo.

Số tiền gần 2 tỷ đồng thu được từ đợt vận động này, quận Thanh Khê đã hỗ trợ xây dựng 31 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 105 nhà cấp 4 xuống cấp của hộ nghèo, mua sắm phương tiện, vật dụng sinh hoạt, xây nhà đại đoàn kết cho người dân xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Kết quả này chỉ là một trong những thành công của công tác “Dân vận khéo” mà Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận quận Thanh Khê đã thực hiện trong thời gian qua.

Ông Trần Ngãng, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Thanh Khê nhận định: “Điều đáng ghi nhận trong công tác “Dân vận khéo” ở quận Thanh Khê là cả hệ thống chính trị đều vào cuộc để chăm lo đời sống nhân dân. Riêng đối với chính quyền thì tập trung thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính ở khâu “một cửa”, “một cửa liên thông” với phương châm “4 công khai”: công khai về thủ tục, thời gian, lệ phí và người thực hiện. Đồng thời, chính quyền cùng Mặt trận, các đoàn thể thường xuyên vận động nhân dân thực hiện chủ trương xóa nghèo và tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương”.

Quyết tâm cải thiện đời sống dân sinh, nâng cao dân trí, phát huy sự tham gia của cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội, quận Thanh Khê đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Trong đó, tập trung thực hiện các nội dung như: xóa nghèo, xóa nhà tạm, sửa chữa nhà cấp 4 xuống cấp, vận động học sinh bỏ học trở lại trường, cảm hóa và giáo dục thanh-thiếu niên hư, hỗ trợ và giúp đỡ đối tượng mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng, theo dõi tình trạng “bạo hành gia đình”, xây dựng các tuyến đường văn hóa - văn minh - xanh sạch đẹp…

Cả hệ thống chính trị quận đều triển khai công tác dân vận dựa trên những nhiệm vụ chính này. Ông Lê Thành Sự, Phó trưởng Ban Dân vận Quận ủy Thanh Khê cho biết: “Quận Thanh Khê được xem là một trong những địa phương thực hiện rất tốt các chương trình an sinh xã hội. Tất cả các ban, ngành, đoàn thể… đều cùng tham gia giúp đỡ người nghèo, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh. Chẳng hạn như Chi hội Phụ nữ thì vận động chị em lo làm ăn, không cờ bạc, số đề; Đoàn Thanh niên huy động lực lượng trẻ làm công tác dân vận ở các xã miền núi; Hội Cựu chiến binh vận động nhân dân tham gia dọn vệ sinh môi trường, phối hợp cùng Công an giúp đỡ thanh, thiếu niên hư, vi phạm pháp luật… Tuy nhiên, lực lượng làm công tác dân vận ở cơ sở thường xuyên thay đổi nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công việc”.

Trên thực tế, công tác dân vận ở quận Thanh Khê vướng phải những khó khăn từ ngay chính người dân trong cộng đồng. Việc huy động dân tham gia các hoạt động xã hội không phải là chuyện đơn giản. Những việc như dọn vệ sinh môi trường thì người dân tham gia nhiệt tình nhưng đụng đến chính sách, đến những vấn đề phức tạp hơn như tố giác tội phạm, tuân thủ chính sách, pháp luật, những chủ trương mới của thành phố thì người dân vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức, thậm chí một bộ phận tỏ ra thờ ơ, không để ý.

Thực tế này đòi hỏi cán bộ dân vận phải kiên trì thuyết phục, vận động. Theo ông Nguyễn Công Sĩ, Chi hội Cựu chiến binh 20 phường Vĩnh Trung thì để thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, cán bộ Cựu chiến binh phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, gương mẫu đi đầu trong mọi việc khó. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu rõ ràng, cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện sinh hoạt của nhân dân.

Với phương châm “gần dân, sát dân, nghe dân nói và nói cho dân nghe”, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở quận Thanh Khê luôn hướng hoạt động về cơ sở, làm sao huy động được đại đa số nhân dân cùng tham gia vào các hoạt động chung của xã hội. Đồng thời, thường xuyên lắng nghe những ý kiến phản hồi, kiến nghị từ phía nhân dân để từ đó, có những điều chỉnh kịp thời và giải quyết tốt vấn đề tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Qua đó, tạo nên khối đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, hướng về mục tiêu chung là xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người, thực hiện hiệu quả chính sách “an dân” mà quận Thanh Khê đề ra trong thời gian đến.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH 

;
.
.
.
.
.