.

Cứu cây ngày nắng

.

Nắng nóng ác liệt, việc cứu lấy màu xanh ở các tuyến đường, các khu dân cư (KDC) trở thành cuộc chiến của những công nhân chăm sóc cây xanh suốt từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Xây xẩm mặt mày vì nắng là một chuyện, họ còn phải thường xuyên đối diện với chuyện thiếu nước, mất nước...

Trùm kín từ đầu tới chân để “né” nắng. 

24/24 giờ trực chiến

Từ 2 giờ sáng, bốn xe bồn của Công ty Cây xanh Đà Nẵng đã chạy rảo hết các tuyến đường, KDC để tưới nước cho hàng ngàn cây xanh. Lượng cây xanh được trồng dặm thay đổi theo từng ngày, nên mỗi ngày, mỗi tuần, các lái xe phải “kè kè” lịch phân công bên mình mới biết chỗ nào cần tưới, chỗ nào không. Ông Đặng Đức Thứ, Phó Giám đốc công ty cho hay, trong mùa nắng, cây rất cần nước, nhưng bốn xe bồn (trong đó một xe chủ yếu để cẩu cây) phải chạy hết công suất 2 lượt/ngày từ 2 giờ sáng đến 10 giờ đêm mới bảo đảm cấp đủ nước cho cây xanh trên toàn thành phố. Theo ông Thứ, lượng cây từ năm 2007 đến nay tăng khoảng 12 nghìn, trong khi đó số xe dùng tưới nước vẫn như cũ.
Mùa nắng, công nhân phải dành tới 2/3 thời gian vào việc tưới nước.

Trên nhiều tuyến đường, công nhân thay phiên nhau tưới cây từ 3 giờ sáng. Anh Nguyễn Hòa Bình, Đội trưởng Đội cây xanh khu vực 2 giải thích: “Vào các giờ thấp điểm, áp lực nước khá hơn ban ngày đôi chút, nên anh em tranh thủ làm sớm”. Ban ngày, nếu hai người cùng tưới một lần sẽ không đủ nước, họ thay nhau tưới từng chặng, vì lẽ đó, gần như 24/24 giờ trong ngày đều có công nhân trực chiến tưới nước.

Đã vậy, nạn trộm nước trên đường Nguyễn Tất Thành càng làm cho tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng hơn. Anh Bình cho hay, hầu hết các quán nhậu vỉa hè trên suốt tuyến này đều lấy nước ở các vòi tưới để rửa và nấu thức ăn. Lượng nước thất thoát mỗi ngày, theo ước tính của anh Bình, vào khoảng 30-50% tổng lượng nước dùng. “Nhiều thời điểm dù không tưới, đồng hồ vẫn chạy. Thấy họ lấy nước, mình chỉ nhắc nhở thôi chứ đâu phạt được”, anh Bình bức xúc. Thỉnh thoảng nước cúp, công ty phải điều luôn xe bồn tới tưới để cây không bị suy yếu nặng vì thiếu nước quá lâu.

Lạy trời mưa xuống

Tưới 4 lần/ngày cho những cây ở vườn ươm khu vực Hòa Cầm. 

Việc tưới nước cho cây ở vườn ươm khu vực cầu Hòa Cầm cũng căng thẳng không kém. Một ngày 4 lần, anh Huỳnh Quốc Tuấn, tổ trưởng tổ Hòa Cầm 14B cử công nhân lấy vòi xịt nước từ ngọn xuống thân của các loại cây được mang về để chuẩn bị trồng dặm. “Mùa này phải tưới liên tục trong vòng nửa tháng, cây mới đâm rễ được”, anh Tuấn nói. Quản lý đội cây xanh khu vực 1, Đội trưởng Nguyễn Nhung cho rằng, dải phân làn có hoa và cây viền càng khó chăm sóc hơn các loại cây khác gấp bội lần. “Cây viền nằm gần mặt đường dễ bị ảnh hưởng bởi hơi nóng và bụi bốc lên. Chúng tôi phải tưới rửa thường xuyên và phải cấp nước nhiều nhất cho nó. Loại này mà suy yếu thì chỉ có bỏ đi, không phục hồi nổi”, ông Nhung phân tích.

“Lạy trời mưa xuống” vừa là câu nói đùa, vừa là mong ước của những người chăm sóc cây. Chị Hồ Thị Xuân, công nhân tổ Nguyễn Hữu Thọ đội cây xanh khu vực 1, hằng ngày phải bịt kín khẩu trang, bao tay để chống chọi với cái nắng gay gắt trên đầu.

“Chờ miết mà đầu mùa hè tới chừ chỉ có vài trận mưa nhỏ, chẳng thấm tháp vào đâu. Thấy mưa mới khỏe, mình không phải lo cây chết nữa, chỉ lo duy tu, cắt xén cây cho đẹp thôi”, chị Xuân nói. Cũng như nhiều người khác, chị Xuân thường đi làm sau 3 giờ chiều hoặc làm đêm để “né” nắng. 
          
Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.