Là một cán bộ phụ nữ đã nhiều năm lăn lộn với phong trào, liên hệ với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, chị Trần Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ đã vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kêu gọi các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn đóng góp tinh thần, vật chất gây quỹ để giúp đỡ những người nghèo khổ, khó khăn, hoạn nạn, giúp họ vươn lên hòa nhập vào với cuộc sống cộng đồng.
Nhiều chị em ở Hòa Thọ Tây qua giới thiệu của Hội Phụ nữ phường đã có việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: N.C |
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chị Liên luôn xác định, đây là nhiệm vụ chính trị lớn lao, đòi hỏi người cán bộ cần phải có cái tâm, lòng nhiệt tình và cả sự sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào, đặc biệt phải biết làm “Dân vận khéo”.
Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây có 2.126 hội viên, chia thành 18 chi hội và 29 tổ Phụ nữ. Xuất phát từ tình hình thực tiễn tại địa phương, qua lăn lộn với phong trào, chị Liên đã cùng Hội Phụ nữ đề xuất với lãnh đạo phường thành lập 8 câu lạc bộ, trong đó có 2 CLB “Gia đình hạnh phúc”, 3 CLB “Bảo vệ môi trường”, 1 CLB “Phòng chống tội phạm”, 1 CLB “Sống khỏe, sống đẹp”, 1 CLB “Phòng chống bạo lực gia đình” với tổng số 240 thành viên tham gia. Nhìn chung các CLB này hoạt động rất có hiệu quả. Các CLB chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức về phòng chống tội phạm, giữ gìn ANTT, lồng ghép công tác giáo dục thanh, thiếu niên hư và hướng dẫn cho các em học tập Luật Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và phòng tránh các thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, đồng thời đã giải quyết được nhiều vấn đề tích cực, góp phần thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn, các vấn đề về hạnh phúc gia đình, về vệ sinh môi trường… Đặc biệt là đã giải quyết được hàng chục vụ bạo lực gia đình, trong đó có 16 vụ đã được hòa giải thành, 10 vụ tiến bộ, đưa ra kiểm điểm trước dân 5 đối tượng vi phạm pháp luật, 18 thanh, thiếu niên chưa ngoan, giúp 8 em học sinh bỏ học giữa chừng trở lại trường, vận động gia đình có con vi phạm pháp luật phối hợp cùng các ban, ngành giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em mau chóng tiến bộ trở về hòa nhập với cộng đồng.
Có được kết quả đó là nhờ chị Liên đã tìm hiểu kỹ các khu vực dân cư, nắm rõ sinh hoạt và cuộc sống của từng đối tượng, nhất là các mối quan hệ bất hòa giữa chồng vợ, của từng gia đình và trực tiếp đến tận nhà, gặp từng đối tượng để chia sẻ và khai thác thông tin, tìm ra nguyên nhân có cơ sở phân tích đúng sai cho từng đối tượng để sửa chữa… Chị thật sự hạnh phúc khi được nhiều gia đình, nhiều cặp vợ chồng là nạn nhân của tệ nạn bạo lực gia đình chọn chị làm chỗ dựa, giúp họ vượt qua những sự bất hòa và sống tiến bộ, đem lại hạnh phúc gia đình…
Thông qua phong trào tiết kiệm trong hội viên phụ nữ, chị đã đi đến từng nhà vận động chị em đóng góp kẻ ít, người nhiều để tạo ra nguồn vốn; kết quả đã có 38 tổ gồm 788 thành viên tham gia góp vốn quay vòng với tổng số tiền là 1,385 tỷ đồng. Qua nguồn vốn này, đã cho 456 chị em khó khăn vay không trả lãi để buôn bán, vượt qua khó khăn, hằng năm có từ 50-70 hộ và 250-300 lao động vươn lên thoát nghèo… Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Kim Dung ở tổ 17, từ một hộ nghèo đã tham gia tiết kiệm quay vòng, được tư vấn, hướng dẫn làm ăn, đến nay đã thoát nghèo bền vững. Năm 2009, chị Kim Dung đã đăng ký nữ doanh nhân vi mô tại Hà Nội, được Ban tổ chức bình chọn đoạt giải thưởng và được tặng 500 USD. Qua vận động quỹ thắt chặt vòng tay nhân ái giúp đỡ chị em không may mắc bệnh hiểm nghèo, Hội đã giúp được 16 chị em khám, chữa bệnh. Vận động quỹ nuôi trâu vàng đã góp vốn quay vòng cùng với UBND phường giúp cho 305 hộ gia đình thoát nghèo, trong đó có 149 hộ do chị em làm chủ hộ.
Chị Liên cho biết: “Một trong những bài học lớn giúp tôi hoàn thành tốt công việc là bản thân phải tham gia các lớp học để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đồng thời phải luôn lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi để áp dụng cho bản thân và địa phương. Từng năm, ngoài chương trình hoạt động do Hội cấp trên đề ra, tôi đều bàn bạc cụ thể trong Ban Thường vụ Hội và đưa ra nhiều mô hình hay phù hợp với từng thời điểm và từng địa bàn dân cư để thu hút chị em và mọi người cùng tham gia phong trào. Và cuối cùng, bài học quý nhất giúp tôi thành công là ngoài cái “tâm”, đòi hỏi người cán bộ phải còn có cái “tầm” trong bất cứ công việc nào, lĩnh vực gì do mình gánh vác, đảm nhận”...
LÊ HÒA BÌNH