.

Điểm tựa bình yên của ngư dân

.

Đã thành quy luật, năm nào cũng vậy, khu vực Trung Trung Bộ nói riêng, cả nước nói chung đều phải đối mặt với nhiều cơn bão và lũ lớn. Dẫu kiên gan đến mấy, trước sức tàn phá ghê gớm của thiên tai, con người cũng trở nên nhỏ nhoi và yếu đuối. Mỗi khi bão lũ xảy ra, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng luôn có mặt ở nơi gian nan, nguy hiểm nhất, triển khai cứu hộ, cứu nạn kịp thời, giành giật sự sống cho những người tính mạng đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Và họ đã đem lại sự bình yên cho biết bao gia đình.

Chỉ huy Đồn Biên phòng 252 thăm hỏi ngư dân vừa được đơn vị cứu nạn thành công. 

Ông Hồ Văn Tình, ở tổ 8 phường Xuân Hà (Thanh Khê) và hơn 20 ngư dân trên 2 tàu ĐNa 90051, 90082 không thể nào quên hình ảnh 2 tàu của Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đến cứu họ vào đêm 27-9-2009, tại tọa độ 16,2 độ vĩ Bắc, 108,28 độ kinh Đông. Chỉ 7 tiếng đồng hồ kể từ khi nhận lệnh, 2 tàu của Hải đội 2 xé màn đêm, bất chấp sóng to gió lớn, vượt hàng chục hải lý tiếp cận tàu bị nạn. Ông Tình nhớ lại: Chiều hôm đó, tàu bị chết máy thả trôi trên biển, khi bão cấp 8 đang nổi lên. Không còn cách nào khác, phải gọi điện cầu cứu Bộ đội Biên phòng.

Đúng lúc mọi người lo lắng, tuyệt vọng nhất thì tàu Bộ đội Biên phòng xuất hiện. Ai nấy vỡ òa niềm vui được cứu sống. Cũng trong đêm đó, tàu được lai dắt về an toàn trong nỗi mừng vui khôn xiết của gia đình, người thân. Nếu không có tàu Bộ đội Biên phòng đến ứng cứu kịp thời, chưa biết sự thể gì sẽ xảy ra. Với 3 ngư dân trên thúng máy số ĐNa 8119 của ông Đặng Quốc Hùng, ở tổ 9 phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà) bị lốc xoáy đánh chìm sát bãi tắm Tiên Sa lúc 0 giờ ngày 23-4-2010, được 5 cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng cửa khẩu Tiên Sa cứu sống, mãi sẽ là ký ức khó quên. Họ không ngờ vào giữa đêm hôm khuya khoắt như vậy, Bộ đội Biên phòng vẫn thức và phát hiện họ bị nạn đến cứu kịp thời.

Còn với 2 ngư dân ở tổ 13 phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu), Bộ đội Biên phòng Đồn 244 là ân nhân cứu mạng, khi thúng máy của họ bị sóng đánh chìm vào hồi 10 giờ 30 ngày 3-4-2009 tại vùng biển gần thôn Hòa Vân. Nhiều người cho rằng, hôm đó Đồn 244 không điều động 3 chiến sĩ và 1 ca-nô cứu nạn kịp thời, 2 ngư dân ấy đã vĩnh viễn nằm lại với biển. Tương tự, 12 thuyền viên trên tàu Lucky Dragon, quốc tịch Cam-pu-chia (4 người Myanmar, 8 người Trung Quốc) chở 2.600 tấn thép cuộn gặp nạn tại bãi biển Mỹ Khê lúc 19 giờ ngày 2-11-2009, hình ảnh Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng không bao giờ phai trong ký ức họ. Khi tính mạng các thủy thủ trên tàu bị nạn này như “ngàn cân treo sợi tóc”, những người lính Biên phòng đã bất chấp nguy hiểm, tiếp cận tàu đưa họ vào bờ an toàn...

Không thể kể hết các trường hợp Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã cứu hộ, cứu nạn thành công trong nhiều năm qua. Hễ ở đâu có người và phương tiện gặp nạn là họ có mặt, nỗ lực giành giật sự sống cho người bị nạn. Họ luôn dõi theo hành trình của hàng nghìn tàu cá, tàu hàng trên sông trên biển, nắm bắt, xử lý kịp thời các tình huống bất trắc xảy ra. Với ngư dân, ai nấy đều coi Bộ đội Biên phòng là điểm tựa bình yên.
 
Ông Nguyễn Phú Hùng, ở tổ 27 Thanh Khê Đông (Thanh Khê), thuyền trưởng tàu ĐNa 90307 cho rằng: Ở giữa biển, lúc gặp sự cố, ngư dân thường mất bình tĩnh, nhưng khi bắt được liên lạc từ đất liền, nghe giọng nói ấm áp của các anh Bộ đội Biên phòng, mọi lo lắng như tan biến. Qua hướng dẫn của Bộ đội Biên phòng, ngư dân biết cách xử trí tình huống, nhất là khi gặp bão. Không ít lần tàu bị nạn, Bộ đội Biên phòng điều động tàu cá gần đó đến ứng cứu kịp thời. Ông dẫn chứng, tàu ông bị nạn ở vùng biển 14,4 độ vĩ Bắc, 112 độ kinh Đông vào ngày 7-3-2009, nếu không được Bộ đội Biên phòng điều tàu ĐNa 90304 đến ứng cứu kịp thời, chắc chắn 16 ngư dân khó bảo toàn được tính mạng.

Thiếu tá Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Tác chiến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho biết: Cứu hộ, cứu nạn là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Cùng với đầu tư nâng cấp trang thiết bị, đơn vị đặc biệt chú trọng rèn luyện kỹ năng và ý chí cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Năm 2009, đơn vị đã huy động 389 lượt cán bộ, chiến sĩ, 25 lượt phương tiện, điều 14 tàu cá của ngư dân tham gia cứu hộ, cứu nạn và đã cứu thành công 32 phương tiện và 44 người gặp nạn trên biển. Từ đầu năm 2010 đến nay, đã xảy ra 34 vụ chìm tàu, tai nạn tông va, hỏng máy trôi dạt trên biển, tai nạn lao động... đã có 2 người mất tích, 8 người chết, 39 người bị thương, 37 phương tiện bị hư hỏng. Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã huy động 117 lượt CBCS, 8 lượt tàu, 16 lượt ca-nô, điều động 9 tàu cá cứu hộ, cứu nạn thành công 17 tàu cá với 146 ngư dân.

Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, lực lượng xung kích trong cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn thành phố, là điểm tựa bình yên cho người dân Đà Nẵng mỗi khi có thiên tai, nhất là ngư dân khi sản xuất trên biển.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.