Nếu được Quốc hội cho phép làm báo cáo khả thi về đường sắt cao tốc thì dự kiến sẽ làm trước đoạn Nha Trang - TP. HCM, trong đó ưu tiên số một là TP.HCM - Phan Thiết.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: Thế Dũng. |
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trao đổi với báo chí ngay sau khi có thông tin đa số đại biểu Quốc hội tán thành ra nghị quyết về chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc qua phiếu xin ý kiến.
Người phát ngôn của Quốc hội, ông Trần Đình Đàn cũng cung cấp thêm một số thông tin cho báo chí về kết quả thăm dò ý kiến của đại biểu về dự án đang còn có những quan điểm trái chiều ngay tại diễn đàn Quốc hội này.
“Mừng, nhưng chưa thể thở phào”
“Không ngạc nhiên” vì tin tưởng rằng khi có dữ liệu và thuyết minh rõ ràng, Quốc hội sẽ đưa ra quyết định sáng suốt về dự án, tuy nhiên Bộ trưởng Dũng cho biết ông chưa thể "thở phào nhẹ nhõm" được. Bởi, kết luận cuối cùng thế nào còn phải chờ "bấm nút" chính thức.
Về phương án của Chính phủ chưa được đa số đại biểu hoàn toàn nhất trí, ông cho rằng, sự đắn đo của đại biểu và dư luận là hoàn toàn chính đáng.
Vì, đây là dự án rất lớn, sẽ có nhiều rủi ro, khó khăn, phải phân tích kỹ, dự báo sát tiềm lực kinh tế của đất nước trong một thời gian dài.
“Dù là cơ quan xây dựng dự án, chúng tôi cũng không thể nói đây là công việc dễ dàng. Cho nên nếu Quốc hội cho phép thì cũng phải nghiên cứu tiếp rất thận trọng, tính hết mọi yếu tố, lường trước nhiều khả năng”, Bộ trưởng chia sẻ.
Trả lời câu hỏi nếu được Quốc hội cho phép làm báo cáo khả thi, thì Chính phủ dự kiến ưu tiên xây dựng đoạn tuyến nào trước, Bộ trưởng cho biết: đoạn Nha Trang – Tp.HCM làm trước, trong đó ưu tiên số một là Tp.HCM - Phan Thiết.
Về thời gian, kết quả phiếu xin ý kiến cho thấy, đa số đại biểu đề nghị lùi thời gian khởi công xây dựng dự án đến "thời điểm thích hợp". Vậy thời điểm nào sẽ là thích hợp?
“Chúng tôi đang tính, cái này trong báo cáo khả thi sẽ cụ thể, nhưng tinh thần có lẽ là đến năm 2025 đưa vào sử dụng đoạn tuyến đầu tiên”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến những lo ngại cụ thể của một số đại biểu về quá trình thực hiện, người đứng đầu ngành giao thông vận tải chia sẻ, việc đấu thầu lập dự án là vấn đề rất khó. Luật Đấu thầu có quy định về đấu thầu lập dự án nhưng trên thực tế chọn được tư vấn thông qua đấu thầu hầu như ít khi làm được.
“Thường là lựa chọn tư vấn, sắp tới cũng theo cách đó. Nhưng tới bước thiết kế xây dựng là dứt khoát phải đấu thầu rộng rãi”.
Trước băn khoăn nếu lệ thuộc vào nguồn vốn vay cũng như công nghệ của đối tác thì có thể vay vốn ODA "tưởng rẻ hóa đắt":, Bộ trưởng nói: “tôi không có thông tin nào cho thấy giá làm dự án ODA đắt hơn. Vì các dự án ODA đều phải đấu thầu quốc tế. Có một số khoản vay thì đấu thầu giữa các doanh nghịêp của nước cho vay, còn ODA song phương phải đấu thầu quốc tế”.
“Hơn nữa, dự án này rất lớn, bao gồm nhiều dự án thành phần, một quốc gia không thể làm hết được, cũng không nhà thầu nào làm hết một mình được”, Bộ trưởng quả quyết.
Kỳ họp khác mới quyết định cụ thể
Là người phát ngôn của Quốc hội, cũng là Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp, ông Trần Đình Đàn cho biết, việc thăm dò các phương án về dự án đường sắt cao tốc được đưa ra bằng cách đánh dấu, không cần ghi tên, đảm bảo công khai, dân chủ.
Kết quả là có gần 60% đại biểu được hỏi đồng ý về chủ trương và tán thành Quốc hội sẽ ra nghị quyết tại kỳ họp này để Chính phủ chuẩn bị tiếp các bước tiếp theo.
Nhưng, trong nghị quyết Quốc hội yêu cầu phải làm đề án khả thi rồi sẽ tiếp tục xem xét. Để đảm bảo tính khả thi của dự án thì Quốc hội phải xem cụ thể từng vấn đề. Nên kỳ họp khác mới bàn để quyết xem làm đoạn nào trước công nghệ nào, chiều rộng thế nào, tiền lấy ở đâu.... còn kỳ họp này chỉ cho chủ trương thôi.
“Quốc hội đồng ý chủ trương, sau đó Chính phủ phải chỉ đạo làm dự án khả thi rồi Quốc hội mới quyết lúc nào khởi công, Chính phủ cũng rất mong muốn phải như thế”, ông Đàn nhấn mạnh.
Được hỏi về quan điểm cá nhân, ông Đàn cho biết “ tôi ủng hộ chủ trương còn phương án thì phải đề nghị Chính phủ làm dự án khả thi xong rồi thì mới có thể thể hiện quan điểm rõ hơn. Theo tôi dự án khả thi thì phải làm toàn tuyến nhưng phải làm trước hai tuyến Tp.HCM và Hà Nội – Vinh”.
Theo VnEconomy