.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ BẢY, QUỐC HỘI KHÓA XII

Ban hành thuế môi trường cần tránh gây tác động lớn đến sức cạnh tranh của thị trường

.

Sáng ngày 5-6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường. Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Mỹ Hương đã tham gia phát biểu ý kiến. ĐB Mỹ Hương đề nghị lấy tên gọi dự án Luật này là Luật Thuế môi trường, bảo đảm ngắn gọn, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương phát biểu tại Hội trường. 

Theo ĐB, thuế môi trường là một sắc thuế rất khó nên việc xác định một mức thuế phù hợp, tối ưu là không dễ. Do vậy, ĐB đề nghị cần phải hết sức thận trọng khi đưa ra sắc thuế này. Để có thể đưa ra một mức thuế môi trường tương đối hợp lý thì cần phải có thông tin về các ngoại tác tiêu cực cũng như phải tính toán để giảm thiểu các hệ quả không mong muốn. Chính vì vậy, ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần phải giao cho cơ quan nghiên cứu chuyên ngành thực hiện các tính toán, phân tích cụ thể, đầy đủ hơn, cung cấp thêm cơ sở khoa học cho dự án luật. 

ĐB cho rằng, thuế chỉ là một trong ba công cụ (mệnh lệnh-kiểm soát, tuyên truyền giáo dục, các công cụ kinh tế) và công cụ kinh tế là thuế không thể đứng độc lập với các công cụ khác trong tổng thể chính sách môi trường của quốc gia. Trong khi đó, dự án luật trình Quốc hội còn thiếu một báo cáo hệ thống về chính sách môi trường cùng với các công cụ đã ban hành và dự kiến ban hành. Do đó, ĐB cho rằng dự án luật này có vẻ như yếu tố “thuế” nặng hơn yếu tố “môi trường”.

ĐB rất tán thành với mục tiêu và yêu cầu xây dựng luật thuế. Báo cáo đánh giá tác động cũng đã nêu rất thuyết phục các kết quả dự kiến đạt được. Tuy nhiên, với 5 nhóm đối tượng chịu thuế quy định trong dự thảo thì có thể nói rất khó đạt được mục tiêu đặt ra. ĐB cho rằng, việc đưa ra một chính sách thuế môi trường mới cần tiến hành theo từng giai đoạn nhằm không gây tác động lớn đến sức cạnh tranh của thị trường nhưng nội dung của luật phải phần nào thể hiện được mục tiêu đặt ra. Còn với dự thảo luật này thì có thể thấy mức độ tác động đối với xã hội là rất thấp.

Theo ĐB, quy định về thuế đối với các loại nhiên liệu như trong dự thảo luật có hạn chế là mức thuế được xây dựng không căn cứ theo mức phát thải và mức ô nhiễm của từng loại nhiên liệu nên sẽ không có khả năng khuyến khích nhà sản xuất và người tiêu dùng sử dụng loại nhiên liệu có mức phát thải thấp hơn và có khí phát thải ít ô nhiễm hơn mà chỉ khuyến khích sử dụng nhiên liệu tiết kiệm hơn. Đồng thời, ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần nhanh chóng cân nhắc để chuyển từ thuế năng lượng sang thuế carbon (tính trên hàm lượng carbon trong nhiên liệu) vì những lợi ích lớn hơn và tác động nhiều hơn của phương pháp thuế carbon. 

ĐB cho rằng, hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu đều áp dụng chính sách thuế phân biệt đối với phương tiện giao thông đường bộ nhằm khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng những loại xe có lợi hơn đối với môi trường. Theo đánh giá của các chuyên gia, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỷ lệ khoảng 70%. Báo cáo tác động của Ban soạn thảo đã phân tích các yếu tố ngoại ứng và cho rằng thuế môi trường sẽ giúp thực hiện nguyên tắc “người ô nhiễm gây ra”. Phương tiện giao thông có nhiều ngoại tác tiêu cực như tiếng ồn, ô nhiễm không khí, phát thải lưu huỳnh gây biến đổi khí hậu, tắc nghẽn giao thông. Những yếu tố này chính là yếu tố mà người gây ô nhiễm phải trả tiền và cũng là vấn đề vô cùng bức xúc hiện nay ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... nhưng dự thảo luật đã không tính đến vấn đề này. Theo ĐB thì chính sách thuế đưa ra trong dự thảo sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân cân nhắc yếu tố chi phí tăng thêm khi quyết định loại phương tiện sử dụng. Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần bước đầu xây dựng một chính sách thuế môi trường hợp lý với đối tượng là ô-tô.

Đối với rác thải rắn và nước thải, ĐB cho rằng, hiện nay, chất thải công nghiệp là một thách thức lớn đối với công tác quản lý môi trường của nhiều đô thị, nhất là những đô thị có khu công nghiệp tập trung như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Đồng thời, vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng đang là vấn đề vô cùng bức xúc trong thời gian gần đây. ĐB cho rằng nguyên nhân là do chế tài của Luật Bảo vệ môi trường chưa đủ mạnh, phí rác thải và phí bảo vệ môi trường nước đang áp dụng có tính pháp lý thấp với mức thu thấp nên không đủ để điều chỉnh hành vi của nhà sản xuất.

Theo ĐB, việc đánh thuế môi trường đối với 2 đối tượng trên thường không đem lại nhiều nguồn thu. Tuy nhiên, thuế đối với rác thải có thể đem lại nhiều lợi ích môi trường. ĐB đề nghị thông qua việc xây dựng luật thuế này, Ban soạn thảo nên cân nhắc chuyển phí rác thải rắn và phí bảo vệ môi trường nước sang thuế. Vì theo ĐB, thuế môi trường được quản lý qua khung thuế nên ít khả năng thất thu hơn so với cách thu phí dựa trên tiêu chuẩn xả thải cố định và chỉ được giám sát thông qua các cuộc kiểm tra bất thường tại hiện trường.

Hơn nữa, vì phí tính trên tổng lượng chất thải nên bên thu phí và bên xả thải có thể thương lượng với nhau, dẫn đến khả năng xảy ra tiêu cực là rất lớn. Hơn nữa, phí được tính dựa trên tiêu chuẩn ô nhiễm được xác lập nên không khuyến khích các doanh nghiệp giảm phát thải trong khi thuế ô nhiễm sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp giảm phát thải vì doanh nghiệp muốn giảm số thuế phải nộp. Việc đánh thuế sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới làm giảm ô nhiễm. Thuế đánh trên chất thải sẽ giúp làm giảm các chất thải phụ kèm theo.

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.