.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ BẢY, QUỐC HỘI KHÓA XII

Thiết lập kỷ cương, cơ chế quản lý trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản

.

Chiều ngày 2-6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Cao Bằng.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) phát biểu tại tổ về dự án Luật Khoáng sản. 

Các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề cơ bản của dự thảo luật như phạm vi điều chỉnh của luật; việc phân loại quy hoạch khoáng sản và thẩm quyền lập quy hoạch khoáng sản; việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác; về nguồn thu ngân sách Nhà nước từ khoáng sản; việc đấu giá, thăm dò khai thác khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; vấn đề chuyển nhượng quyền thăm dò và quyền khai thác khoáng sản.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản thời gian qua còn có thiếu sót và nhiều bất cập. Hệ thống cơ chế quản lý chưa hoàn thiện, việc phân công, phân cấp trong quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản còn phân tán, chưa hợp lý... dẫn đến hoạt động khoáng sản còn phức tạp ở nhiều địa phương, nạn khai thác, tiêu thụ khoáng sản trái phép, xuất khẩu khoáng sản thô vẫn diễn ra ở nhiều nơi làm thất thoát nhiều tài nguyên khoáng sản. Luật Khoáng sản hiện hành chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho hoạt động này, chưa phát huy được vai trò, tiềm năng thế mạnh, hiệu quả của khoáng sản đối với phát triển kinh tế - xã hội. Chưa tạo được cơ chế xã hội hóa tham gia công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản. Chưa có quy định chặt chẽ về điều kiện cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, điều kiện chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản nên chưa xóa bỏ được cơ chế “xin cho”, chưa ngăn chặn được tình trạng đầu cơ trong hoạt động khoáng sản; thiếu các quy định để tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, nhiều văn bản pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, bảo vệ môi trường... đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong khi các quy định có liên quan của pháp luật về khoáng sản vẫn chưa điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ. Hơn nữa, kể từ năm 2007, Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo đó, các quy định của Luật Khoáng sản cần phải được rà soát, điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với cam kết.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (ĐB Thái Nguyên) nhất trí với Báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đồng thời nhấn mạnh lần sửa đổi Luật Khoáng sản này phải làm rõ, khắc phục cho được một công việc cực kỳ quan trọng là phải thiết lập một cơ chế quản lý việc khai thác tài nguyên khoáng sản quốc gia, từ khâu quy hoạch đến thăm dò, khai thác, chế biến làm sao cho chặt chẽ hơn, khoa học hơn, tốt hơn, không được để mất tài nguyên của đất nước.

ĐB đề nghị luật cần quy định theo hướng khai thác khoáng sản xong thì phải có trách nhiệm san lấp, giao trả mặt bằng lại như cũ, trả lại đất, trồng lại rừng như cũ. Phải bảo đảm mặt bằng đó có thể sản xuất, trồng trọt, sinh hoạt bình thường, bảo đảm cho người dân ở nơi khai thác khoáng sản có đời sống tốt hơn. Nếu chưa làm được điều này thì phải tìm cách để làm cho bằng được.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) đề nghị, luật cần quy định cấm khai thác khoáng sản ở những vùng sản xuất lúa 2 vụ nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời bổ sung vào luật nội dung cấm khai thác cát ở các dòng sông gần khu vực dân cư đang sinh sống nhằm tránh nguy cơ sạt lở đất hai bên bờ sông, tránh gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Khoáng sản lần này đã được mở rộng hơn, đã đưa nội dung về bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác vào luật để điều chỉnh. Đây là một vấn đề nổi cộm, thời sự của địa phương, nhất là trong công tác ngăn chặn hành vi khai thác khoáng sản trái phép. ĐB nhận định, việc luật hóa nội dung này là rất cần thiết, phù hợp và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, do đó cần xây dựng luật theo hướng bảo đảm thiết lập cho được kỷ cương trong hoạt động khai thác khoáng sản, bảo đảm sao cho hoạt động khai thác khoáng sản phải đạt hiệu quả cao nhất. 

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị, việc quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nên giao cho một đầu mối quản lý quy hoạch cho thống nhất, tránh chồng chéo, trách nhiệm rõ ràng. Ví dụ: cùng một mỏ cát trắng, nếu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất kính tấm xây dựng thì thuộc quy hoạch Bộ Xây dựng, nhưng nếu để sản xuất bao bì thủy tinh công nghiệp thì lại thuộc thẩm quyền quy hoạch Bộ Công thương. ĐB cho rằng, trong điều kiện cải cách thủ tục hành chính hiện nay, nhiều Bộ cùng làm một quy hoạch như vậy là không phù hợp. Do vậy, ĐB đề nghị giao một cơ quan làm đầu mối quản lý chung trong hoạt động khai thác khoáng sản là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của người dân và địa phương nơi có khoáng sản khai thác. Thực tế, nhiều địa phương có những mỏ khoáng sản lớn, nhưng người dân địa phương không mặn mà, chính quyền không ủng hộ khai thác do việc khai thác kèm theo sự hủy hoại môi trường, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, mất đất sản xuất, đời sống người dân bị ảnh hưởng.... Trong khi đó, nguồn thu ngân sách không đủ sửa chữa đường giao thông do khai thác vận chuyển gây ra, chưa nói đến khắc phục môi trường, giải quyết tệ nạn phát sinh...

Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần đề cao hơn nữa quyền lợi người dân địa phương, khuyến khích chế biến sâu khoáng sản tại địa phương nhằm tăng nguồn thu bảo đảm đời sống người dân, lập quỹ bảo vệ môi trường...

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.