.
HỘI PHỤ NỮ BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ THÀNH PHỐ

Học Bác ở tình thương yêu

.

Những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng đã trở thành việc làm thường xuyên của các hội viên Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) thành phố.

Phụ nữ LLVT thành phố thăm, tặng quà đồng bào dân tộc thôn Giàn Bí - xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang trong dịp Tết Canh Dần năm 2010. Ảnh: NGÔ CA 

Đặc biệt, từ khi có cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của chị em với tấm lòng hướng về nguồn cội, thương yêu đồng bào, đồng chí, thương người như thể thương thân theo tấm gương của Bác. Hằng năm vào dịp lễ, Tết, 27-7, Hội đều tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ VNAH ở các huyện Hiệp Đức, Thăng Bình - tỉnh Quảng Nam, do BCHQS thành phố nhận phụng dưỡng và hàng chục gia đình thương binh, liệt sĩ khó khăn ở các xã miền núi Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Bắc, Hòa Phú, tặng quà hội viên phụ nữ trong hội là con liệt sĩ, thương binh, động viên các chị phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ với số tiền quà mỗi năm từ 8-10 triệu đồng.

Năm 2006, Hội đã đứng ra vận động quyên góp trong toàn thể cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố xây dựng một căn nhà tình nghĩa tặng chị Đặng Thị Lan, thương binh nặng 1/4 ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu trị giá 20 triệu đồng và các vật dụng như tủ giường, bàn ghế.

Học tập ở Bác tình thương yêu bao la dành cho thiếu niên, nhi đồng, Hội luôn quan tâm đến việc chăm sóc trẻ em, nhất là những trẻ em nghèo, bất hạnh, bị khuyết tật, đặc biệt là những trẻ em nạn nhân chất độc da cam. Từ năm 2004, Hội đã tham mưu cho lãnh đạo BCHQS thành phố nhận nuôi dưỡng suốt đời 4 cháu là nạn nhân chất độc da cam của hai gia đình anh Mai Tính và chị Trần Thị Hoa ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn với số tiền 4 cháu là 600.000 đồng/tháng. Hằng tháng, Ban Chấp hành Hội tranh thủ thời gian đến thăm hỏi, động viên, trao tiền hỗ trợ và tặng quà nhân các ngày lễ, Tết…

Từ sự quan tâm đó, 2 gia đình có con là nạn nhân chất độc da cam ở phường Hòa Hải đã phần nào ổn định cuộc sống và đặc biệt hơn là có sự động viên về tinh thần để vượt qua khó khăn, hòa nhập với xã hội. Nhân ngày chất độc da cam 10-8 và Tết nguyên đán, Ngày Quốc tế Thiếu nhi hằng năm, Hội đã thăm hỏi và tặng hàng chục suất quà cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố.

Thiếu tá Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Phụ nữ BCHQS thành phố cho biết: “Thấu hiểu sự thiếu thốn của những trẻ em nghèo, trong các đợt thực hiện công tác dân vận vận động quần chúng vào tháng 7 hằng năm, Hội Phụ nữ đã cùng với Đoàn Thanh niên LLVT thành phố đến thăm, tặng quà cho học sinh nghèo các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh là những vùng căn cứ kháng chiến cũ từ 25-30 suất quà; tặng sách vở, bánh kẹo cho trẻ em Mái ấm tình thương quận Hải Châu và Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố nhân các dịp Trung thu hay Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, góp phần động viên các em nỗ lực vượt qua hoàn cảnh để vươn lên.
 
Nhân “Tháng hành động vì trẻ em” từ 15-5 đến 15-6-2010 vừa qua, Hội đã phối hợp với Hội Phụ nữ chợ Hàn hành quân vượt hàng trăm cây số lên tận xã Ating thuộc huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam tặng 170 suất quà cho các hộ đồng bào dân tộc, 500 suất quà bánh kẹo cho thiếu nhi dân tộc Cơtu và 250 suất quà gồm sách vở, áo quần, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo vượt khó với số tiền quà gần 70 triệu đồng từ sự phối hợp quyên góp của  hội viên và chị em tiểu thương chợ Hàn”.

Để có nguồn kinh phí cho các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng mỗi năm gần 30 triệu đồng, bên cạnh sự hỗ trợ của BCHQS thành phố,  Hội đã vận động từ sự đóng góp tích cực của chị em hội viên, nhất là trong năm 2009 đã thực hiện tiết kiệm theo gương Bác Hồ bằng việc nuôi heo đất, ủng hộ mỗi chị từ 50-100.000 đồng, hay tận dụng từ tiền lời của vốn cho vay quay vòng trong chị em mỗi năm thu được từ 4-5 triệu đồng, bên cạnh đó tranh thủ sự ủng hộ kinh phí của 14 đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc... để có nguồn hoạt động.

Mặc dù  thu nhập và đời sống của chị em là quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng còn khá khó khăn, nhưng học tập theo tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, yêu thương con người của Bác, chị em đã luôn gương mẫu ủng hộ đóng góp nhiệt tình, đưa việc học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ trở thành những hành động, việc làm thiết thực cụ thể hằng ngày bằng sự đồng cảm sâu sắc và tấm lòng sẵn sàng sẻ chia từng miếng cơm manh áo cho các gia đình chính sách khó khăn và các em thiếu nhi nghèo vùng sâu, vùng xa...

TRƯƠNG ANH ĐỨC

;
.
.
.
.
.