.
Kỷ niệm 50 năm ngày Báo Đà Nẵng ra số đầu

Hãy xứng đáng với niềm vinh dự

.

Quá trình xây dựng và trưởng thành của Báo Đà Nẵng gắn liền với sự ra đời và lãnh đạo của Đảng bộ trong suốt các thời kỳ cách mạng. Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Quảng Nam, Đà Nẵng là mảnh đất sục sôi các phong trào yêu nước và cách mạng, ngay từ năm 1930 Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng ra đời, đánh dấu bước ngoặt quyết định trong phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân Đà Nẵng và Quảng Nam.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy thăm và chụp ảnh lưu niệm tại gian trưng bày Báo Đà Nẵng trong Hội Báo Xuân Bính Tuất-2006. Ảnh: NGUYỄN VĂN PHƯƠNG 

Sau khi ra đời, nhờ kết hợp khéo léo giữa các hoạt động công khai và bí mật, Đảng bộ đã vượt qua sự khủng bố gắt gao của kẻ thù; tập hợp, huy động  lực lượng quần chúng, phát triển đạo quân chính trị để chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay trong nhũng ngày đầu, đặc biệt để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Tháng Tám 1945, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam - Đà Nẵng đã quyết định cho phát hành  tờ báo mang tên Cờ Độc lập.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Ủy ban Hành chính kháng chiến Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập. Thời gian này và cho đến cuối năm 1946, trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng có hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là thành phố Đà Nẵng (thành Thái Phiên) và tỉnh Quảng Nam. Trước yêu cầu tập hợp lực lượng, tuyên truyền đường lối, vận động nhân dân theo ngọn cờ Việt Minh chống thực dân Pháp và bè lũ bù nhìn tay sai, giữ vững chính quyền non trẻ của cách mạng, Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng sớm đặt yêu cầu phải có tờ báo của Đảng bộ, cuối năm 1945, ở Đà Nẵng tờ Tin – cơ quan của Việt Minh thành phố Đà Nẵng ra đời. Nhiều quần chúng trung kiên đã giúp đỡ tạo điều kiện, làm liên lạc và bảo vệ bí mật, bảo vệ cán bộ của báo, duy trì hoạt động tờ Tin.

Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thăm Báo Đà Nẵng ngày 26-5-2010. Ảnh: VĂN NỞ 

Thực dân Pháp rắp tâm xâm lược nước ta một lần nữa, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quân và dân thành phố Đà Nẵng đã chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Thành Thái Phiên tắm mình trong khói lửa/ Đất anh hùng lần nữa quyết hy sinh. Căn cứ tình hình cách mạng lúc bấy giờ và theo chủ trương của Trung ương, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam được nhập lại thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ đây, tờ Tin của Đà Nẵng và tờ Tin tức của Quảng Nam được sáp nhập. Tháng 1-1947, Tỉnh ủy và Việt Minh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định đổi tờ Tin tức thành tờ Chiến Thắng - cơ quan của Việt Minh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tờ Chiến Thắng xuất bản số đầu vào dịp Tết Bính Tý (2-1947). Báo in ronéo, 2 trang, khổ 30 x 42cm, được in tại nhà in Võ Văn Toản – một cơ sở tư nhân yêu nước tự nguyện đưa phương tiện in ấn từ Đà Nẵng ra vùng tự do để in báo và tài liệu cho cách mạng. Do cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng ác liệt, địch tăng cường kiểm soát gắt gao, nguồn giấy đưa từ thành phố ra khó khăn, tờ Chiến Thắng phải chuyển sang in 2 mặt trên giấy xi-măng. Trong giai đoạn này, tuy gặp rất nhiều khó khăn về vật tư, nhất là về giấy, mực in nhưng tờ Chiến Thắng vẫn đều đặn xuất bản phục vụ công cuộc kháng chiến cho đến ngày chiến thắng thực dân Pháp, năm 1954. Thời kỳ 1950-1954, vùng tự do của ta mở rộng ra toàn bộ các huyện phía nam tỉnh, tờ Chiến Thắng có địa bàn phát hành rộng hơn, kể cả vùng địch tạm chiếm. Tờ Chiến Thắng được xuất bản liên tục hằng tháng phục vụ tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối của Đảng, vận động nhân dân xây dựng vùng tự do, động viên nhân tài, vật lực phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm Báo Đà Nẵng Xuân Canh Dần 2010. Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Sau Hiệp định Geneve, tháng 7-1954, lời hẹn hai năm sau đất nước thống nhất bị đế quốc Mỹ và tay sai xóa bỏ. Nhân dân miền Nam và đồng bào Quảng Nam - Đà Nẵng phải sống dưới chế độ tàn bạo của chế độ thực dân mới. Với chiến dịch “tố cộng” khốc liệt, địch tập trung đánh phá, truy diệt cơ sở cách mạng, truy lùng cán bộ cách mạng trụ lại miền Nam, phong trào cách mạng của tỉnh lâm vào tình thế hết sức khó khăn, tờ Chiến Thắng phải tạm ngừng hoạt động.

Sau đó, năm 1956, Tỉnh ủy quyết định ra lại tờ báo của Đảng bộ mang tên mới Quyết Tiến. Trong giai đoạn khó khăn nhất của cách mạng miền Nam, tờ Quyết Tiến vẫn phát hành hằng tháng tại chiến khu, làm tài liệu tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng, là công cụ tư tưởng của người cộng sản, đồng thời báo vận động nhân dân, cán bộ trụ bám và các tổ chức cách mạng hợp pháp ở vùng đồng bằng, vùng địch hậu, phục vụ xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị cho đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam. Tờ Quyết Tiến hoạt động cho đến năm 1960 khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.

Tháng 1-1959, Nghị quyết 15 của Đảng như một luồng gió mới thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của cách mạng miền Nam. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định ra tờ Giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng. Tờ báo ra hằng tháng cho đến giữa năm 1962. Sự ổn định về tổ chức, số lượng phát hành và số kỳ xuất bản của giai đoạn này, nên thời điểm 1960 được xem là năm báo Đảng của thành phố Đà Nẵng ra số đầu.

Thực hiện đường lối cách mạng của Đảng, nhân dân Miền Nam vùng lên theo lời hiệu triệu “diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước”, cán bộ, đồng bào Quảng Nam – Đà Nẵng tiến hành đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lãnh đạo nhân dân đoàn kết đứng lên đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước. Năm 1962, để đối phó với sự vùng lên giải phóng quê nhà của quân dân Quảng Nam và Đà Nẵng, nhằm đối phó với phong trào cách mạng đương dâng trào mạnh mẽ, nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang nổ ra, giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở miền núi và nông thôn, chính quyền  Sài gòn chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh là thị xã Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam (thủ phủ là Hội An) và tỉnh Quảng Tín (thủ phủ là Tam Kỳ).

Để phù hợp với địa bàn mới và thuận tiện trong chỉ đạo, Trung ương Đảng và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam quyết định chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Khu ủy 5 và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Trung Trung Bộ là Đà Nẵng (từ năm 1968 là Đặc khu Quảng Đà, gồm các huyện, thị xã từ Duy Xuyên trở ra) và tỉnh Quảng Nam (gồm các huyện, thị xã từ Quế Sơn trở vào phía Nam). Theo đó, Báo Giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng cũng được phân ra thành hai cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy và Mặt trận hai địa phương là: Giải phóng Quảng Đà và Giải phóng Quảng Nam. Thời kỳ này, Quảng Đà là chiến trường trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Tuy chịu vô vàn khó khăn, tổn thất, mỗi cán bộ, phóng viên vừa làm báo, đồng thời là chiến sĩ, sẵn sàng xung phong đánh địch trong bất cứ tình huống nào, báo Giải phóng Quảng Đà vẫn duy trì hoạt động phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đầu năm 1963, Tờ Giải phóng Quảng Đà có bước phát triển mới, báo có nhà in riêng, được in tipô, 4 trang, khổ 23 X 40cm, in trên nhiều loại giấy có thể khai thác được từ vùng tạm chiếm. Cuối năm 1964 đến tháng 11-1967, theo sự phát triển thắng lợi của cách mạng, thành phố Đà Nẵng được tách ra thành đơn vị riêng trực thuộc Khu 5, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng cho phát hành tờ Cờ Giải phóng (được tách ra từ tờ Giải phóng Quảng Đà). Đến tháng đầu năm 1968, Trung ương quyết định nhập thành phố Đà Nẵng với tỉnh Quảng Đà để thành lập Đặc khu Quảng Đà.
 
Từ đây, hai tờ báo lại hợp nhất trở lại với tên Giải phóng Quảng Đà. Theo diễn biến của tình hình cách mạng khi khó khăn ác liệt, lúc sơ tán, khi chống càn, tờ báo phải nhiều lần thay đổi khuôn khổ theo từng cỡ giấy khai thác được từ vùng tạm chiếm của Mỹ - ngụy, báo có thể xuất bản với nhiều tên gọi khác nhau, trải qua nhiều giai đoạn, điều kiện và địa bàn hoạt động, song ở đâu và lúc nào, báo vẫn là cơ quan của Đảng bộ, là công cụ sắc bén và quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, báo không chỉ là diễn đàn tuyên tuyền mà còn là vũ khí chính trị, góp phần tích cực vào nhiệm vụ giải phóng quê hương.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, tờ Giải phóng Quảng Đà, cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục xuất bản tại thành phố Đà Nẵng, với lực lượng cán bộ, phóng viên từ chiến khu về và tuyển mới. Tờ báo phát hành một tháng hai kỳ, in tại cơ sở in do chính quyền cách mạng tiếp quản. Tháng 8-1975, theo chủ trương của Trung ương, Đặc khu Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam được tái lập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Theo đó, hai tờ Giải phóng Quảng Đà và Giải phóng Quảng Nam cũng được nhập lại thành Báo Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản mỗi tháng 2 kỳ, 4 trang, khổ 40 X 58cm.

Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ chính trị, xây dựng, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sau ngày giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, đầu năm 1976, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản hằng tuần, 4 trang, nguyên khổ 40 X 58cm. Tiếp tục phát huy ý chí kiên cường, tính năng động, sáng tạo vốn có của mình, cán bộ, phóng viên Báo tập trung phản ánh đậm nét không khí hòa bình, tập trung cho phát triển kinh tế, trong đó phản ánh sinh động công cuộc tháo gỡ bom mìn, khai hoang, phục hóa; các chương trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, củng cố an ninh an - quốc phòng, xây dựng Đảng.

Cuối năm 1982, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng có sự thay đổi khá căn bản về tổ chức, báo có sự phát triển về chất, thành lập hoàn chỉnh các ban và có một đội ngũ cán bộ, phóng viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Hình thành cơ chế Ban Biên tập Báo vơi Tổng Biên tập và 3 Phó Tổng Biên tập. Đầu năm 1984, Báo Quảng Nam-Đà Nẵng ra thêm tờ Quảng Nam - Đà Nẵng Chủ nhật, 32 trang, khổ 21 x 29cm, in 2 màu. Tháng 3-1985, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, báo ra thêm một số thường trong tuần, nâng toàn bộ số kỳ phát hành lên một tuần 4 số.

 Năm 1986, đất nước đi vào đổi mới theo Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cũng có bước chuyển mới, phát triển đáng kể; lực lượng cộng tác viên tăng lên về số lượng và mạnh về chất lượng, báo thu hút được nhiều cây bút chủ lực ở Trung ương và các địa phương. Ngoài 3 số báo thường phát hành vào các ngày thứ ba, năm, bảy giữ vững chất lượng nội dung và trình bày, in ấn ngày càng đẹp, với số phát hành 5.000 bản/kỳ, tờ báo Quảng Nam - Đà Nẵng Chủ nhật thật sự đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc trong và ngoài tỉnh với số lượng phát hành có lúc lên tới 2 vạn bản/kỳ.

Năm 1988, theo yêu cầu phục vụ thế hệ trẻ, Thường vụ Tỉnh ủy cho phép báo phối hợp với Tỉnh Đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng hình thành một bộ phận làm tờ Quảng Nam - Đà Nẵng Trẻ  (tháng 3-1988), 16 trang, khổ 29 x 42cm, xuất bản mỗi tháng 2 kỳ. Tờ báo góp phần vận động, cổ vũ các tầng lớp thanh niên trong tỉnh tham gia vào các phong trào xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; thu hút đông đảo bạn đọc là đối tượng thanh - thiếu niên.

Trong những năm từ 1984-1990, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng giúp các huyện miền núi của tỉnh hình thành các tờ tin Giằng, Hiên, Trà My và Phước Sơn, phát hành hằng tháng từ 300 – 500 tờ/kỳ, in 4 trang, khổ 30 x 42cm. Các tờ tin này in chữ cỡ lớn, nhiều hình ảnh, ít chữ và có cách nhìn, nếp nghĩ phù hợp với trình độ cán bộ và nhân dân các dân tộc anh em, qua đó đưa được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Đảng bộ và chính quyền đến đồng bào các dân tộc Cơtu, Bhe, Tariêng, Cor,  Bh’nông..., góp phần đắc lực cho công tác tuyên truyền, động viên nhân dân vùng cao xây dựng, phát triển kinh tế-văn hóa miền núi của tỉnh và phản hồi được ý nguyện của đồng bào các dân tộc với Đảng bộ, chính quyền, được lãnh đạo các địa phương và bà con các dân tộc hoan nghênh đón đọc.

Tháng 8-1992, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho phép, báo khôi phục tờ Quảng Nam - Đà Nẵng Chủ nhật, ngoài 3 số thường ra thứ ba, năm, bảy, báo xuất bản tờ Quảng Nam - Đà Nẵng Cuối tuần, khổ nhỏ 29x42cm, 12 trang, in ốp-sét. Báo được bổ sung nhiều chuyên mục mới, chú ý việc  phản hồi ý kiến nhân dân, đầu tư nhiều cho mảng đấu tranh chống tham nhũng, tệ nạn xã hội. Tòa soạn báo được trang bị tương đối đồng bộ với các thiết bị hiện đại, bảo đảm thu tin, ảnh TTX VN qua mạng. 

Ngày 1-1-1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là giai đoạn phát triển mới của Báo Đà Nẵng. Báo Quảng Nam - Đà Nẵng được tách thành Báo Đà Nẵng và Báo Quảng Nam. Báo Đà Nẵng, từ ngày 2-1-1997 chính thức chạy trên măng-set: Báo Đà Nẵng – Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Đà Nẵng; Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Đà Nẵng. Báo xuất bản một tuần 4 số (3 số thường xuất bản vào các ngày thứ hai, tư, sáu, khổ 48 x 58cm, 4 trang và số báo Cuối tuần, in 12 trang, khổ 29 x 40cm ra vào thứ bảy hằng tuần).

Trước yêu cầu mới của thực tiễn, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của bạn đọc, được Ban Thường vụ Thành ủy và Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép, ngày 1-1-1999 Báo Đà Nẵng ra nhật báo. Với nhiều chuyên mục mới, nội dung và hình thức được cải tiến, có thể nói báo Đà Nẵng là một trong số ít báo Đảng địa phương phát hành hằng ngày sớm nhất bấy giờ.

Trước nhiệm vụ đổi mới và sự đa dạng thông tin trong điều kiện mới, bên cạnh việc tích cực nâng cao chất lượng nội dung, trong đó bảo đảm tính định hướng, thông tin kịp thời, chính xác, báo Đà Nẵng tập trung nâng cao chất lượng, ngoài việc xây dựng thêm các chuyên mục như “Thời sự và Bàn luận”, “Sức khỏe”, báo tập trung nâng cao chất lượng các trang xây dựng Đảng, trang thông tin quốc tế, thể dục thể thao… Phong cách thể hiện và trình bày có sự thay đổi căn bản, theo hướng chuyên nghiệp hơn. Tờ Đà Nẵng cuối tuần tăng lên 16 trang, in màu. Đến nay nhiều chuyên mục của tờ Đà Nẵng cuối tuần như “Chuyện xưa đất Quảng”, “Cửa sổ tri thức”, “Xã giao thường thức”… trở thành nét riêng, được bạn đọc gần xa khẳng định là một trong những tờ cuối tuần hay hiện nay.

Trong nỗ lực tiếp cận và cung cấp thông tin kịp thời cho bạn đọc, nhất là với độc giả đang làm việc, sinh sống và học tập ở xa thành phố, từ tháng 4-2008, Báo Đà Nẵng điện tử (baodanang.vn) chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông cho xuất bản. Ngoài việc thông tin kịp thời, nhất là các sự kiện lớn, tình hình thiên tai, các chính sách mới… Báo Đà Nẵng điện tử  còn giới thiệu tương đối có hệ thống các chuyên mục, được bạn đọc đánh giá tích cực; năm 2009 đã có hơn 4,3 triệu lượt người truy cập từ hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong hơn mười năm qua kể từ khi thành phố trực thuộc trung ương, với nhiệm vụ “Cơ quan của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng; Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Đà Nẵng”, báo Đà Nẵng không ngừng đổi mới, trực tiếp được Thường trực Thành ủy chỉ đạo, báo đã bám sát nhiệm vụ chính trị, là công cụ tư tưởng sắc bén của Đảng, báo đã có hàng ngàn bái viết về các chủ trương, chính sách phát triển của thành phố, về phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, về việc di dời, giải tỏa, bố trí tái định cư, về xây dựng kết cấu hạ tầng, về khát vọng và quyết tâm xây dựng thành phố “5 không”, “3 có”, về những tấm gương chân thật và xúc động của các cựu chiến binh vượt qua hoàn cảnh, là tấm gương cho thế hệ trẻ, về những em học sinh vượt khó trong học tập, về sự miệt mài trong nghiên cứu và giảng dạy, về những tấm lòng của những thầy thuốc đêm đêm tận tụy vì sự sống của người bệnh, về những con người hoàn lương, về những công trình, những lễ hội làm thăng hoa người dân thành phố.

Báo Đà Nẵng tự hào là đã đóng góp xứng đáng vào việc tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Báo cũng đã tập trung phản ánh kịp thời, chính xác và có trách nhiệm về tâm trạng và dư luận của nhân dân, để qua báo, các cơ quan lãnh đạo, các đơn vị liên quan có thông tin kịp thời bổ sung, điều chính hoặc chỉ đạo những vấn đề của thành phố. Báo Đà Nẵng tập trung phản ánh các hoạt động lãnh đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng của cấp ủy các cấp.

Đặc biệt, trong yêu cầu phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, Báo đã tập trung tuyên truyền về nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo hướng đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, xuất khẩu, công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài làm trọng tâm, đồng thời tăng cường đầu tư chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Bên cạnh việc tập trung nêu gương người tốt, việc tốt, nhất là tuyên truyền thường xuyên cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, báo cũng dành nội dung thỏa đáng phê phán những việc làm sai, những hiện tượng không tích cực trong đời sống xã hội.

Nhờ coi trọng tổng kết kinh nghiệm thực tế, tiếp thu và triển khai tốt nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường vụ Thành ủy, của Ban Tuyên giáo Thành ủy, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác, nên các mặt công tác nghiệp vụ của báo có những chuyển biến tốt. Bên cạnh đó, Báo đã tích cực, chủ động phối hợp với các Ban Đảng, Văn phòng Thành ủy, các Quận ủy, Huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc, các sở, ngành, trong việc tổng hợp, xử lý thông tin để đăng tải trên mặt báo nhanh chóng, kịp thời, chính xác.

Để có được những kết quả đó, đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Đà Nẵng không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên; thấu suốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chú trọng đổi mới cả phong cách và lề lối làm việc, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chính, lấy kết quả công việc làm thước đo chính mình. Đảng bộ Báo Đà Nẵng nhiều năm liền được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh. 

Trong khi tự hào và vui mừng về những thành tựu to lớn của chặng đường phát triển nửa thế kỷ qua, chúng ta hết sức nghiêm túc suy nghĩ về nhũng điều báo chưa làm tốt. Đó là vẫn chưa nhiều những bài viết mang tính chiến đấu cao về những vụ việc cần lên án, thiếu những phóng sự, điều tra, nhũng bài phản ánh sinh động, đặc biệt về những thành tựu kỳ diệu mà thành phố chúng ta đạt được trong hơn 10 năm qua, trên mặt báo tuy không nhiều nhưng vẫn còn những sai sót lẽ ra không nên có…Cuộc sống đang thay đổi từng giờ, công tác báo chí đứng trước những thách thức gay gắt, từ cạnh tranh thông tin, bùng nổ các loại hình phi truyền thống đến áp lực kinh tế… tất cả cần phải được tiếp cận và xử lý. Cái phản ánh và cái được phản ánh phải được đổi mới. Báo Đà Nẵng trong yêu cầu không ngừng được cải tiến, rất mong nhận được sự ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo và bạn đọc.

Nhìn lại 50 năm qua, chúng ta càng thấy rõ hoạt động của Báo gắn liền với quá trình ra đời và lãnh đạo của Đảng bộ qua các thời kỳ cách mạng. Quá trình xây dựng và trưởng thành của Báo Đà Nẵng gắn liền với lịch sử đấu tranh và phát triển của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Đà Nẵng. Là cơ quan ngôn luận của cấp ủy, Báo Đà Nẵng luôn nhận được sự quan tâm, giáo dục, rèn luyện, giao nhiệm vụ, kiểm tra, nhắc nhở của các đồng chí Thường trực, của Ban Thường vụ Thành ủy, nhờ đó mà không ngừng trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Kỷ niệm 50 năm Ngày Báo Đà Nẵng ra số đầu và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên Báo Đà Nẵng càng tự hào với quá trình xây dựng, trưởng thành trong những chặng đường lịch sử đã qua, càng quyết tâm phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Hoạt động của Báo Đà Nẵng luôn gần gũi và gắn bó hoạt động của Đảng bộ, với các đồng chí lãnh đạo; luôn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; sự thương yêu, đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân trong suốt các thời kỳ đấu tranh gian khổ giành chính quyền; những năm tháng chiến tranh ác liệt của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước vừa qua cũng như trong điều kiện hòa bình xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Báo Đà Nẵng ra số đầu và đón nhận Huân chương Lao động hạng ba hôm nay, chúng ta thành tâm tưởng nhớ các đồng chí, đồng nghiệp đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc. Chúng ta xin bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với các cấp ủy Đảng, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy trong các thời kỳ cách mạng đã quan tâm chăm sóc, dìu dắt, giúp đỡ, giao nhiệm vụ, để Báo Đà Nẵng trưởng thành; xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào đã cưu mang, đùm bọc, bảo vệ, giúp đỡ để cán bộ, phóng viên Báo hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao. Xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thế hệ các đồng chí lãnh đạo báo qua các thời kỳ, có nhiều đồng chí hôm nay không còn được sum họp với chúng ta, có đồng chí hy sinh mà đến nay chưa tìm được hài cốt, xin gửi đến gia đình các đồng chí tình cảm ruột thịt của chúng ta.

Sự hy sinh, chịu đựng của những người vợ, người con, mãi là sự nhắc nhở chúng tôi về sự phấn đấu và giữ mình. Xin bày tỏ lòng biết ơn và khắc ghi những hy sinh, gian khó của các phóng viên, những anh chị em công nhân viên, từ những ngày gian khó, thiếu thốn, nhịn đói, nhịn khát, in báo trên những tờ giấy xi-măng, trên những tờ vàng mã ngày nào lòng biết ơn sâu sắc nhất. Xin được gửi đến các đồng chí lãnh đạo báo qua các thời kỳ, tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng thường xuyên quan tâm đến sự nghiệp phát triển của báo Đà Nẵng hôm nay lòng kính trọng và biết ơn.

Xin cảm ơn các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Đà Nẵng các thời kỳ, bằng trí tuệ, mồ hôi, công sức và cả máu xương của mình đã tạo dựng nên truyền thống tốt đẹp của Báo Đà Nẵng. Mỗi người chúng ta hãy nỗ lực phấn đấu để mãi mãi xứng đáng với truyền thống vẻ vang đó; với phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng; với niềm tin yêu của Đảng bộ và của các đồng chí lãnh đạo, của cán bộ, nhân dân thành phố Đà Nẵng anh hùng đã dành cho báo Đà Nẵng.

Mai Đức Lộc, Thành ủy viên, Tổng Biên tập báo Đà Nẵng


;
.
.
.
.
.