.

Người sĩ quan tinh thông võ thuật

.

Hơn 7 năm qua, Thượng úy Nguyễn Quang Thông (33 tuổi), Đội phó Đội Huấn luyện võ thuật, Phòng PC22, Công an thành phố Đà Nẵng đã huấn luyện cho hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của đơn vị. Qua những đợt huấn luyện đó, nghiệp vụ võ thuật của CBCS trẻ ngày càng được nâng cao, đủ sức trấn áp các loại tội phạm, giữ bình yên cuộc sống cho người dân...

Thượng úy Nguyễn Quang Thông huấn luyện cán bộ, chiến sĩ nhảy vòng lửa. 

Được sự giới thiệu của lãnh đạo Phòng PC22, tôi có dịp tiếp xúc với Thượng úy Nguyễn Quang Thông tại trụ sở làm việc. Trong câu chuyện  anh cho biết, năm 1997, anh nhập ngũ phục vụ có thời hạn trong lực lượng CAND; sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ, anh được chuyển thẳng vào đội ngũ công an, nơi mà anh hằng mơ ước. Được phân công về đơn vị có tính chiến đấu cao như PC22, anh đã cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công xuất sắc trên lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Năm 2001, Thượng úy Thông tham gia lớp giáo viên quân sự võ thuật tại trường đặc nhiệm CAND. Suốt gần 1 năm học tập, anh không ngừng tiếp thu kinh nghiệm, kiến thức để vận dụng trong thực tế chiến đấu của đơn vị sau khi trở về công tác. 

 Nguyễn Quang Thông tâm sự: Huấn luyện võ thuật không đơn giản chỉ là dạy cho CBCS biết cách đấm, đá… Bên cạnh nâng cao nghiệp vụ võ thuật, mục đích của việc huấn luyện còn làm cho CBCS có ý thức, kỷ luật tốt, có bản lĩnh, lập trường vững vàng mới có khả năng tấn công tội phạm, giải quyết những vấn đề bất ngờ xảy ra mà không lúng túng, bị động. Hằng năm, việc huấn luyện của đơn vị do anh phụ trách luôn đạt chỉ tiêu cao. Kết quả huấn luyện trên 70% chiến sĩ đạt khá, giỏi. Nhờ đó, trong công tác tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, CBCS Phòng PC22 đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, được người dân thành phố Đà Nẵng đánh giá cao.

Năm 2007, khi đội Cảnh sát đặc nhiệm được thành lập, do chưa đi vào nền nếp, điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy mỗi lần tham gia phương án diễn tập do lãnh đạo Công an thành phố đề ra thì áp lực của người trực tiếp huấn luyện hết sức nặng nề. Anh nhớ lại, cuối năm 2007, khi chuẩn bị diễn tập phương án KPCH07 (phương án phòng chống biểu tình, bạo loạn lật đổ, giải thoát con tin, phòng chống cháy nổ…), cảm giác lo lắng chất chồng vì sợ đơn vị mình không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, được sự quan tâm, động viên kịp thời của lãnh đạo phòng mà trực tiếp là Đại tá Nguyễn Thanh Hùng, anh đã tập trung huấn luyện cho CBCS suốt gần 3 tháng trời. Kết quả diễn tập phương án đạt khá, đơn vị anh được đánh giá rất tốt; phương án diễn tập của anh được các cấp đánh giá cao, các đơn vị công an ở các tỉnh đến học tập…

Không những huấn luyện cho CBCS trong đơn vị, Thượng úy Thông thường xuyên được lãnh đạo các phòng, công an các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng mời về huấn luyện võ thuật cho lực lượng công an. Theo anh, tại mỗi địa phương, anh đều đưa ra những phương án diễn tập khác nhau, sát với thực tế tình hình, không rập khuôn, trùng lặp. Nhờ đó, đã đem lại hiệu quả  cao trong công tác tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nói về những khó khăn, nguy hiểm khi huấn luyện thì không kể hết, bởi theo anh, học ở trường khác với huấn luyện thực tế vì địa hình, địa vật, con người… khác nhau. Nếu người huấn luyện không có bản lĩnh thì khó đem lại kết quả cao. 

Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, Nguyễn Quang Thông rất tích cực tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự. Theo sự phân công của lãnh đạo phòng, anh thường xuyên cùng CBCS tham gia tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp gây rối trật tự công cộng, bắt các đối tượng trộm cắp, cướp giật tài sản. Một điều khiến anh vui là nhờ sự kỷ luật trong huấn luyện mà bản lĩnh của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn nâng cao, giải quyết tốt mọi nhiệm vụ bất ngờ xảy ra, đem lại sự bình yên cho cuộc sống người dân.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.