Ngày 15-6, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức họp báo giới thiệu Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2010) và Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ 4.
Đội ngũ những người làm báo Việt Nam trưởng thành vượt bậc. Ảnh: NHÂN MÙI |
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh, báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, với đội ngũ hùng hậu, xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng của Đảng trong nhiệm vụ tuyên truyền, đối nội và đối ngoại. Đặc biệt, sau hơn 20 năm đổi mới, báo chí Việt Nam đã phát triển về trình độ chính trị, nghiệp vụ, về công nghệ và kỹ thuật, không ngừng đổi mới thông tin, góp phần thực hiện quyền thông tin của nhân dân.
Kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là dịp để những người làm báo cả nước nhìn lại những thành tựu trong 85 năm phát triển và trưởng thành. Trong dịp này, nhiều hoạt động kỷ niệm sẽ được tổ chức trên phạm vi cả nước.Tối 17-6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề: “Nhà báo – Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”. Ngày 19-6, tại Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ diễn ra Hội thảo với chủ đề: “Phát triển nền báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp”.
Tâm điểm của các hoạt động là Lễ mít tinh kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và Lễ trao Giải báo chí quốc gia năm 2009 diễn ra tối 21-6 tại Hà Nội. Theo Ban Tổ chức, các tác phẩm báo chí vào vòng chung khảo Giải báo chí quốc gia 2009 đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của các bộ, ngành, địa phương; phản ánh kịp thời và đa dạng tình hình mọi mặt của đất nước. Chủ đề của các tác phẩm dự thi rất đa dạng. Các tác phẩm đã phản ánh đậm nét việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều tác phẩm đi sâu giới thiệu những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt; điển hình kinh tế, đầu tư phát triển, ngăn chặn suy giảm kinh tế, giảm nghèo ở vùng sâu vùng xa; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và đấu tranh với các thế lực thù địch… nhằm bảo vệ những thành quả mà nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được. Trong số 148 tác phẩm thuộc 8 loại hình báo chí vào chung khảo, Hội đồng Chung khảo đã trao giải cho 130 tác phẩm gồm: 1 giải A, 19 giải B, 54 giải C, 56 giải khuyến khích.
Giải A duy nhất được trao cho phóng sự truyền hình “Trạm cân Dầu Giây – lợi bất cập hại” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hoàng Anh, Dương Thế Hiển (Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai).
Việt Nam hiện có 706 cơ quan báo chí gồm: 178 báo in, 528 tạp chí, 5 báo điện tử lớn, 1 hãng thông tấn quốc gia, 1 đài phát thanh quốc gia, 1 đài truyền hình quốc gia, 1 đài truyền hình của ngành, 63 đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố; trên 500 đài truyền hình, truyền thanh cấp huyện, hàng ngàn đài truyền thanh cấp xã, hàng trăm trang thông tin điện tử… Ngày 21-6-1925, tại khu nhà mang số 13 và 13A (nay là số 248 - 250) đường Văn Minh, TP. Quảng Châu, Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. |
(Theo Chinhphu.vn)