Những ngày này cách đây hơn 60 năm, 42 học viên lớp viết báo đầu tiên do Tổng bộ Việt Minh mở ở núi rừng Việt Bắc (năm 1949) bên bờ sông Công tốt nghiệp ra trường tỏa về các địa phương, các mặt trận. Có thể kể ra những cái tên rất quen thuộc trong làng báo chúng ta: Hữu Mai, Trần Kiên, Thanh Huyền, Mai Hồ, Trần Vũ, An Châu, Hải Như, Vương Như Chiêm, Tất Đắc, Mai Cương, Lý Thị Chung, Mai Thanh Hải, Vũ Quang Khải, Lưu Hương, Lý Đăng Cao, Nguyên Bình, Việt Quân, Phương Lâm, Ngô Tùng, Nông Viết Liêm, Đặng Thế Vỹ, Diên Hồng…, tất cả đều hăm hở lên đường mang theo vốn nghề và lửa nghề cháy bỏng.
Ba tháng mà như 3 năm, 10 năm dồn nén cảm xúc, kỷ niệm. Thời gian như tích tụ kiến thức kinh nghiệm viết báo, làm báo học được từ thời đó, nay ngẫm nghĩ vẫn thấy sống động, vẫn tươi mới.
Một kiểu chiêu sinh rất đáng tham khảo
Lớp đào tạo cán bộ viết báo tại chức đầu tiên của cách mạng không tuyển sinh theo kiểu phân bổ chỉ tiêu có tính chất bắt buộc mà do các tòa báo, đơn vị quân đội, các ngành, các tỉnh chọn ra theo tiêu chuẩn của Tổng bộ Việt Minh ấn định. Ngoài tiêu chuẩn chính trị, yêu cầu trước hết học viên phải yêu say nghề viết, phải có năng khiếu, tức đã viết được và phải có một số bài đăng trên báo địa phương hoặc báo ngành. Nhiều anh chị em đã được bạn đọc biết đến, ghi nhớ qua những bài báo đầu tay. Như vậy khi đến lớp, tất cả chúng tôi đều đã là người viết báo, nhà báo, dù trình độ có thể còn chênh nhau ít nhiều. Tuy chưa qua một trường lớp viết báo nào, nhưng tất cả chúng tôi đều mang nhiều hoài bão, đầy tự tin để dấn thân vào nghề viết.
Có một số anh chị em chưa đủ chuẩn chiêu sinh mà ham học, hoặc có bạn bận công tác không thể tham dự đủ thời gian học thì được xếp vào danh sách học viên dự thính.
Cả lớp học là một tòa soạn báo
Học đi liền với hành. Các học viên của lớp chia thành 6 tổ hình thành một tòa soạn hẳn hoi. Ban tổ chức đưa cả bộ phận in ấn đến lớp để dàn trang in ngay các bài báo, trang báo thực tập, tạo thuận lợi cho việc bình xét, rút kinh nghiệm kịp thời các tác phẩm báo chí của học viên.
Ngày học, đi thực tế, tập viết. Đêm về ngồi bình bài viết của nhau, bình từng trang báo, lưu ý nhau cả về quan điểm, ý tứ, văn phong bút pháp của từng người, có khen chê, gợi ý rõ ràng. Chúng tôi học cả làm tin, viết phóng sự, bút ký, điều tra, tiểu phẩm và học cả cách trình bày báo nữa.
Theo chỉ đạo của Ban giám hiệu, các anh Xuân Thủy, Như Phong, Đỗ Đức Dục còn tổ chức những giờ ngoại khóa giới thiệu báo chí Pháp, báo chí Nga, giới thiệu tờ Humanité, Europe mà các anh vừa nhận được để mở rộng chân trời báo chí cho học viên.
Tuần cuối khóa học, cả lớp thực hành ra số báo đặc biệt, trình bày đẹp, in ấn công phu để báo cáo kết quả học tập toàn khóa. Sau đó được in trên báo Cứu Quốc. Học và hành sát thực tế như vậy nên khi kết thúc khóa học, ai cũng tiến bộ trông thấy, cũng hăm hở bắt tay vào viết báo, làm báo, ai cũng muốn sớm có tác phẩm nóng hổi trình làng.
Bác quan tâm, Bác hiểu thấu các nhà báo
Khóa học chỉ diễn ra trong 3 tháng, nhưng Bác Hồ - nhà báo Hồ Chí Minh – đã viết hai bức thư tâm huyết gửi đến các nhà báo dự học. Thư đầu gửi lúc khai giảng và thư sau gửi lúc bế giảng lớp học. Cả hai bức thư đó Bác đều gọi các học viên là bạn. Bác coi anh chị em học viên nhà báo chúng tôi như bạn đồng nghiệp của Bác để nhắn nhủ, tâm sự, nhắc nhở. Lời Bác viết cách đây 60 năm mà vẫn như đang chỉ dẫn cho mỗi nhà báo chúng ta hôm nay.
Trong bức thư thứ nhất, khi nói về 4 điểm chính của tờ báo, Bác căn dặn kỹ nhiệm vụ, mục đích, tôn chỉ, đối tượng của tờ báo. Cả lớp nhớ như nhập tâm tất cả lời Bác, nhưng anh em chúng tôi thật tâm đắc khi Bác nói về điểm thứ 4: Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo không được đại đa số ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình thì: Nội dung: tức là cả bài viết phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát và Hình thức: tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa…
Ở đoạn nói về viết báo Bác lại dặn “Cần gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người…”. Bác dặn dò cách đây 60 năm mà sao vẫn soi tỏ hôm nay: Bây giờ có bao nhiêu tờ báo đã được “đại đa số dân chúng ham chuộng”. Bây giờ có bao nhiêu phần trăm các nhà báo ít nhất đã “biết một thứ tiếng nước ngoài?”.
Trong bức thư thứ hai, Bác lại ân cần tâm sự: “… Có thể thí dụ rằng: 3 tháng nay các bạn đã học cửu chương. Còn muốn giỏi các phép tính thì phải học nữa, học mãi. Học ở đâu, học với ai? Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng… Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay – thế là các bạn tiến bộ. Trái lại là các bạn chưa thành công…”.
Lời chỉ bảo của Bác thật sâu sắc, thật chí lý.
Lớp đào tạo viết báo Huỳnh Thúc Kháng ngày ấy mà tôi được dự “quân số” chỉ mới bằng một trung đội. Còn nay, sau 60 năm đội ngũ nhà báo được đào tạo đã có “số quân” lên đến hàng vạn, tương đương vài sư đoàn. Hệ thống đào tạo báo chí của chúng ta bây giờ đã chính quy – hiện đại, hình thành một ngành mạnh của hệ thống đại học quốc gia, mà nòng cốt là Học viện Báo chí-tuyên truyền. Bên cạnh báo viết hùng mạnh còn có hệ thống báo nói, báo hình, báo điện tử, sánh vai với các nước tiên tiến, văn minh. Nhưng qua bài viết khiêm tốn này, chúng tôi mong các bạn đừng bao giờ quên lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng mà chúng tôi thường gọi là lớp “chuyển giao công nghệ”, “lớp truyền nghề” đầu tiên của Nhà nước cách mạng chúng ta.
“Nhà báo giỏi là nhà báo có chuyên sâu được bạn đọc tin cậy qua những bài viết đầy trách nhiệm, tạo được cho mình nhiều bạn đọc bằng uy tín của ngòi bút”. Lời tâm đắc cũng là lời cầu chúc của nhà báo Đỗ Đức Dục trong buổi lớp chia tay, chúng tôi mang theo mãi trong hành trình viết báo, làm báo tới hôm nay.
HẢI NHƯ