Với nhiều người dân Đà Nẵng, ốc gạo là món khoái khẩu và mất… nhiều thời gian. Thế nhưng mấy ai biết được, để có những con ốc bé xíu kia, những người đi cào ốc phải đổi lấy mồ hôi và cả nước mắt mới có được.
Cào ốc gạo - “cào” ra tiền
Sau gần một tiếng dưới biển, anh Nguyễn Văn Bủa đã cào được gần 30kg ốc. |
Anh Nguyễn Thanh Bốn, ở tổ 40, phường Hòa Hải cũng khá hào hứng khi nói về thu nhập từ nghề cào ốc gạo của mình. Đến mùa ốc gạo, cứ vác cào ra biển thì thế nào cũng kiếm được ít nhất 100 ngàn đồng. Nếu thời tiết tốt, chịu khó cào kiếm tiền triệu cũng không phải là quá khó. Anh phân tích thêm, so với nghề đánh bắt cá phải đầu tư ghe, lưới mấy chục triệu đồng, nhưng đánh cá một đêm giỏi lắm kiếm được từ 100 đến 250 ngàn đồng, trong khi đó, với nghề cào ốc chỉ cần một dụng cụ duy nhất là cái cào, giá chỉ có 150 ngàn đồng nhưng lại thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Nếu chịu khó dành dụm trong 4 tháng của mùa ốc, có thể kiếm được hàng chục triệu đồng.
Nguy hiểm luôn rình rập
Thu nhập từ nghề cào ốc gạo rất cao, thế nhưng số người làm nghề cào ốc này trong nhiều năm nay vẫn ở mức trên dưới 10 người. Vì sao vậy? Tìm hiểu từ những người đi cào ốc, tất cả đều trả lời một cách khá đơn giản rằng: nghề này quá nguy hiểm và tiêu tốn thể lực kinh khủng. Theo anh Bủa, ở Đà Nẵng gần như vùng nào cũng có ốc gạo, thế nhưng chỉ có vùng biển ngang (từ khu nghỉ mát Furama kéo dài đến vùng biển xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam) có thể cào ốc được vì ít nguy hiểm hơn, nên tất cả người cào ốc gạo đều tập trung về đây. Mặc dù vậy, khi cào ốc ở khu vực biển ngang này cũng rất nguy hiểm. Với đặc điểm chỉ cào được ốc khi nước ròng, vì vậy bắt đầu công việc của một ngày cào ốc phải theo con nước, tức là lúc 12 giờ đêm, lúc 4-5 giờ sáng và có lúc là 1-2 giờ chiều.
Theo kinh nghiệm của người đi cào ốc biển, muốn biết khu vực nào có nước xoáy, có hố sâu thì phải quan sát những con sóng trên mặt biển. Nếu nơi nào có sóng nhẹ thì không có vấn đề gì, nếu im lặng không có sóng thì đó là nơi cực kỳ nguy hiểm vì có hố sâu và có dòng chảy ngầm bên dưới. Nếu cào ốc vào ban đêm thì không thể quan sát được, vì vậy đều phó mặc cho may rủi. Mặc dù vậy, để hạn chế rủi ro vào những đêm tối trời, những người cào ốc thường ở rất gần nhau để có thể hỗ trợ mỗi khi có sự cố. Cũng theo anh Bủa, nhờ việc giữ cự ly khá gần mà tháng 2-2008, cả nhóm gồm 5 anh em vô tình lọt vô vùng nước xoáy, rất may người thứ 5 còn đứng ngoài vòng xoáy nên chìa cây cào ốc ra kéo từng người vô. Đề phòng là vậy nhưng năm 2009 vừa qua, có một người cào ốc mới vô nghề đã chết vì rơi vào vùng nước xoáy và bị cuốn ra xa. Chính vì sự nguy hiểm rình rập như vậy mà chị Trần Thị Xí, vợ anh Bủa nhiều lần khuyên chồng bỏ nghề, vì theo chị, “mặc dù chồng đã làm nghề này khá lâu, thế nhưng mỗi lần ảnh vác cào ra biển là tôi lại lo mãi, đến khi về tới nhà mới hết lo”.
Ngoài sự nguy hiểm thì công việc cào ốc biển cũng bào mòn thể lực ghê gớm. Anh Nguyễn Thanh Bốn, mặc dù là ngư dân lão luyện gần 30 năm trong nghề cũng công nhận, nếu có sức khỏe tốt, thì thời gian trụ dưới biển cũng không quá một giờ, rồi phải lên bờ nghỉ, sau đó mới trở lại làm tiếp. Vì trong suốt thời gian đó, người cào ốc phải liên tục ngụp lặn, và dùng hết sức mình ấn và kéo cào dưới nước nên mất sức rất nhanh. Đó là chưa kể việc ngâm mình dưới nước quá lâu khiến cho da bị nứt nẻ, nhiều chỗ đau như cắt. Đặc biệt khi thấy cơ thể lạnh cóng, bắt đầu run, ngay lập tức phải lên bờ. Vì theo kinh nghiệm của những người cào ốc lâu năm, trong trường hợp này nếu nán lại một tí có thể mất mạng vì sức xuống nhanh, không kịp bơi vào bờ.
“Lấy của rừng rưng rưng nước mắt”, thế nhưng với những người cào ốc gạo, lấy của biển thì phải đổi cả bằng công sức, thậm chí tính mệnh của chính mình”. Biết vậy nhưng tất cả đều cho biết, “cứ trông đến mùa cào ốc gạo để kiếm tiền lo cho cả năm”.
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn